Siết chặt quản lý chất lượng cửa hàng kinh doanh trái cây
Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện chỉ có 30% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn thành phố có tủ bảo quản, 50% cửa hàng có giá, kệ. Trong khi đó, đa phần người bán hàng chưa có đủ kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh… Bên cạnh đó, việc xác minh nguồn gốc trái cây nhập cũng rất khó kiểm soát.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phân tích, theo quy định chỉ tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp nhập khẩu hàng hóa mới có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp… Còn đối với các hộ kinh doanh khi mua lại hàng từ cơ sở nhập khẩu chỉ cần hóa đơn mua hàng và sản phẩm có tem, nhãn là đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Vì vậy, khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng nhập ngoại, lực lượng chức năng rất khó xác minh xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa.
Cơ sở kinh doanh trái cây phải có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây
Với mong muốn bảo vệ người tiêu dùng trước nguồn trái cây không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như giám sát chặt nguồn gốc, chất lượng trái cây nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương xây dựng Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”.
Cụ thể trong năm 2017, 100% cửa hàng bán hoa quả và người kinh doanh trên địa bàn các quận nội thành phải đăng ký kinh doanh theo quy định; Có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây; Sản phẩm bày bán phải truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ…
Tuy nhiên, một trong những vấn đề được người dân quan tâm và bức xúc, đó là tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc kích thích tăng trưởng ngày càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng. Việc quản lý của cơ quan chức năng đang gặp không ít khó khăn.
Sẽ không còn tình trạng trái cây bày bán la liệt ngoài vỉa hè như này nữa
Đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố số lượng hoa quả sản xuất được là hơn 30%, còn lại là nhập khẩu. Thực tế cho thấy, có khi việc sản xuất đã bảo đảm an toàn nhưng công tác tiêu thụ lại để xảy ra mất an toàn. Ví dụ như nông dân trồng chuối đã thực hiện sản xuất đúng quy trình nhưng khi các thương lái mua về lại bỏ vào thùng bảo quản không đủ tiêu chuẩn. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các giải pháp để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và người kinh doanh để nâng cao nhận thức cho người dân.
Tại phiên họp UBND TP Hà Nội cuối tháng 5 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các địa điểm bán hàng dứt khoát không được bày ra vỉa hè cũng như bán rong trên đường, quầy bày trái cây phải thông thoáng, cân đủ và chính xác.
Sở Công Thương khi hoàn thiện đề án cần nêu rõ thời gian triển khai thí điểm, tổ chức lấy ý kiến, tuyên truyền các hộ kinh doanh và giao thời gian thực hiện. Những hộ kinh doanh thực hiện tốt quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận hoa quả sạch. Những đối tượng vi phạm sẽ áp dụng chế tài xử phạt.
Các sở, ngành liên quan phải quản lý chặt việc kinh doanh, buôn bán trái cây tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, qua đó, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.