Sinh viên học song ngành: Nhân đôi cơ hội, gấp bội thách thức
SEA Games 31 - cơ hội cho sinh viên báo chí học hỏi phóng viên quốc tế tác nghiệp |
Cơ hội nhân đôi
Đã cầm trên tay tấm bằng cử nhân khoa Quan hệ Quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng Trịnh Ngọc Linh - sinh năm 1999 ở Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục hoàn thiện chương trình học năm thứ 3 ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội).
Trịnh Ngọc Linh đã tốt nghiệp khoa Quan hệ Quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và dự kiến sẽ tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân vào tháng 6/2023 |
“Mình thi đỗ và chọn học chuyên ngành Quan hệ chính trị và Truyền thông Quốc tế nhưng vẫn ấp ủ ước mơ trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Khi vừa kết thúc năm học thứ 2 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mình đăng ký học thêm ngành Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Việc học song ngành tại hai trường đại học mang đến cho mình nhiều khám phá thú vị, nhiều trải nghiệm mới mẻ về kỹ năng sống, những mối quan hệ mới và nhân đôi cơ hội việc làm khi ra trường”, Ngọc Linh chia sẻ.
Ngọc Linh chọn theo học hệ đào tạo từ xa nên chủ yếu học bằng hình thức trực tuyến, việc sắp xếp thời gian học song song 2 ngành, 2 trường cũng dễ dàng hơn. Linh cho rằng đây là một lựa chọn đúng đắn khi học song ngành.
Bàn về lý do chọn học song ngành, Linh tâm sự: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lựa chọn này nhưng lý do lớn nhất có lẽ là mình luôn tâm niệm kiến thức không bao giờ là đủ. Khi thế giới luôn luôn vận động, phát triển không ngừng thì việc học thêm một ngành mới, có thêm một tấm bằng sẽ giúp các bạn mở rộng hiểu biết, thêm cơ hội để bớt nỗi lo bị bỏ lại phía sau trong thời đại số”.
Còn Nguyễn Thị Ngọc Ánh (sinh năm 1999 ở Hải Dương) lựa chọn học song ngành vì mong muốn tiết kiệm thời gian, tăng cơ hội việc làm. Ngọc Ánh bắt đầu học thêm ngành Kinh tế ở một trường đại học khác khi đang học tập tại khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức của trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
“Qua một thời gian học song ngành, mình nhận thấy việc này mang đến cho sinh viên nhiều lợi ích và tiết kiệm thời gian. Sau 4 năm có thể nhận về 2 tấm bằng với hành trang kiến thức đủ sâu, rộng. Thế mạnh này cộng thêm những kinh nghiệm sống có được khi sắp xếp hợp lý thời gian, tài chính, “độ nhạy deadline” và nhiều kỹ năng khác mà việc học song ngành mang lại sẽ giúp bạn tự tin hơn khi tìm kiếm công việc mơ ước lúc ra trường”, Ngọc Ánh chia sẻ về trải nghiệm khi học song ngành.
Có thể nói, học song ngành ngày càng được các bạn sinh viên lựa chọn vì những ưu điểm nổi trội như tiết kiệm thời gian, mở rộng vốn kiến thức và trải nghiệm cho sinh viên để từ đó tăng cơ hội việc làm. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều trường đại học mở các chương trình học đa dạng cho sinh viên lựa chọn như đào tạo từ xa, tối ưu thời gian học, không bắt buộc sinh viên học lại các môn đã học trong ngành 1…
Thách thức cũng nhiều
10 ngày thi 8 môn, thức trắng đêm ôn luyện để đi thi rồi áp lực, stress đến mất ngủ là một trong những trải nghiệm đáng nhớ Ngọc Linh từng trải qua khi học song ngành.
“Muốn được cầm trên tay hai tấm bằng đại học thì đồng nghĩa sinh viên phải bỏ ra sức lực, tâm huyết gấp đôi. Chương trình học bình thường đã nặng nhưng vào mùa thi mới thực sự chật vật, căng thẳng trong thời gian dài. Đối với sinh viên đăng ký học vượt để sớm hoàn thành tín chỉ còn nặng nề hơn nữa”, Ngọc Linh tâm sự.
Nguyễn Thị Ngọc Ánh hiện đang học song ngành ngôn ngữ và kinh tế tại 2 trường đại học |
Với Nguyễn Thị Ngọc Ánh, vấn đề lớn hơn mà cô sinh viên gặp phải khi học song ngành là điều kiện tài chính. Để có thể chi trả cho hàng chục triệu tiền học phí mỗi kỳ cho hai ngành học, Ánh đã không ít lần định bỏ cuộc. Ngọc Ánh chia sẻ: “Lịch học dày đặc khiến thời gian dành cho việc làm thêm của mình bị bó hẹp, khó tìm một công việc phù hợp để phần nào trang trải cuộc sống, phụ giúp bố mẹ đỡ gánh nặng học phí. Khi lựa chọn học song ngành, mình phải chi trả gấp đôi chi phí cho việc mua giáo trình, đóng học phí nên tài chính là một vấn đề các bạn trẻ cần cân nhắc”.
Thời điểm này, Ngọc Ánh cố gắng tiết kiệm chi phí sinh hoạt, hạn chế mua sắm những vật dụng không thiết yếu, tích cực nấu ăn ở nhà và làm thêm các công việc ngắn hạn ngay khi lịch học, lịch thi rảnh rang.
Ngọc Ánh cho rằng việc học song ngành cũng giống như học đại học 2 lần, sinh viên khi quyết định cần đảm bảo việc học của văn bằng 1 trước tiên rồi mới cân nhắc thời gian biểu, tài chính để học văn bằng 2. Khi có thời gian biểu hợp lý thì việc học 2 văn bằng sẽ đỡ áp lực và đạt hiệu quả cao. Sinh viên cũng cần định hướng công việc rõ ràng để lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân và phát huy những kiến thức đã được học tại trường.