Sinh viên Thủ đô góp sức xây dựng thành phố vì hòa bình
Hướng dẫn viên đặc biệt
Mang trong mình nhiệt huyết căng tràn của tuổi trẻ với mong muốn phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc, Câu lạc bộ Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn hoạt động đều đặn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng Thành Thăng Long vào thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần. Tại đây, thành viên của câu lạc bộ tình nguyện thuyết minh, hướng dẫn du lịch cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Công việc này được các bạn trẻ duy trì hơn 5 năm nay bởi tình yêu với Hà Nội. Cũng qua những tình nguyện viên đặc biệt này, hai bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội đã được truyền tải đến nhiều người.
Thành viên Câu lạc bộ Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử hướng dẫn các du khách tới tham quan |
Bạn Tô Quang Minh, thành viên của câu lạc bộ cho biết: “Dù đã có kinh nghiệm làm việc nhưng chúng mình luôn xác định, mỗi hành động, lời nói của bản thân tại các khu di tích là vô cùng quan trọng vì thể hiện hình ảnh người ảnh của tuổi trẻ Thủ đô trong mắt bạn bè thế giới. Vì vậy, trước khi chính thức hoạt động các thành viên trong câu lạc bộ đều phải trải qua quá trình tập huấn về cách thức thuyết minh và kỳ kiểm tra gắt gao. Ngoài kỹ năng, mỗi thành phải tự làm giàu cho bản thân kiến thức lịch sử, văn hóa để có thể giải đáp thắc mắc của du khách”.
Ngoài việc nắm chắc kiến thức về văn hóa, lịch sử của Văn Miếu-Quốc Tử Giám và một số di tích khác, các thành viên trong câu lạc bộ đều có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt. Bên cạnh tiếng Anh, một số bạn còn sử dụng thành thạo tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Pháp. Đặc biệt, du khách luôn ấn tượng với những hướng dẫn viên này bởi sự nhiệt huyết.
Vì thế, họ tạo được ấn tượng sâu sắc với bạn bè thế giới. Thậm chí có nhiều du khách sau khi được nghe thành viên của câu lạc bộ giới thiệu về các di tích đã ngỏ ý muốn đưa những mô hình hoạt động đó về áp dụng tại đất nước họ.
Với những hoạt động: Quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam tới du khách trong và ngoài nước; Hướng dẫn du khách tại các di tích, danh lam thắng cảnh ở Hà Nội; Tổ chức các sự kiện, hoạt động chủ đề văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố… các thành viên trong câu lạc bộ thực sự là những đại sứ du lịch, lan tỏa tình yêu Hà Nội đến bạn bè thế giới.
Không những vậy, câu lạc bộ còn là nơi cho các bạn sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, trau dồi kiến thức.
Vũ Hoàng Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử cho biết: “Câu lạc bộ là một môi trường hoạt động vô cùng ý nghĩa với mỗi thành viên. Tại đây, chúng mình có thể sử dụng chính kiến thức mình được học trong nhà trường để phục vụ thực tế. Tham gia câu lạc bộ, chúng mình còn có cơ hội được rèn luyện khả năng trình bày trước đám đông, làm việc nhóm, làm việc độc lập, xây dựng dự án về văn hóa và trau dồi kỹ năng ngoại ngữ”.
Hình thành lối sống xanh
Không chỉ tuyên truyền văn hóa, quảng bá du lịch, làm cho Hà Nội xanh-sạch-đẹp cũng được sinh viên Thủ đô đặc biệt quan tâm.
Trong đó, “Đổi giấy lấy cây” là dự án vì môi trường do nhóm Green Life tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật hằng tháng. Với việc làm này các bạn trẻ mong muốn lan tỏa lối sống xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tới cộng đồng.
Hoạt động đổi giấy lấy cây do Green -Life tổ chức |
Dự án “Đổi giấy lấy cây” do Hoàng Quý Bình, sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội sáng lập. Sự kiện đổi giấy lấy cây thường xuyên được tổ chức tại nhiều địa điểm trong thành phố, hướng tới cụm dân cư và doanh nghiệp... nhằm tác động vào nhận thức, thay đổi quan điểm và nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Những phế phẩm như chai, lọ, nhựa… đều có thể đổi lấy cây xanh và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Những loại cây xanh trong dự án phần lớn là cây nhỏ, có sức sống tốt như xương rồng, hoa đá... phù hợp với nhiều môi trường sống. Trung bình mỗi tháng, nhóm thu về hơn năm tấn phế phẩm.
“Sau mỗi sự kiện, chúng mình tiến hành phân loại, vỏ hộp sữa sẽ chuyển về đơn vị chuyên tái chế tại Quảng Bình, Bình Dương. Giấy, báo chuyển về nhà máy giấy ở Bắc Ninh. Nhựa, lon, kim loại chuyển về nhà máy ở Hưng Yên. Riêng pin và thiết bị điện tử phải được xử lý đặc biệt để hạn chế tác hại tới môi trường cho nên sẽ được chuyển cho chương trình Việt Nam tái chế. Chúng mình cũng khuyến khích và hướng dẫn mọi người tự thu gom pin và chuyển đến các địa điểm tiếp nhận, hạn chế sử dụng túi ni-lông” – Hoàng Quý Bình cho biết.
Đặc biệt, những quyển truyện, cuốn vở còn dùng được sẽ gửi tặng các em nhỏ vùng cao. Nhóm phối hợp các đơn vị, tổ chức, câu lạc bộ, dự án về sách để tặng số sách, truyện đó. Sau gần tám tháng triển khai, gần 150 tủ sách đã được xây dựng, và góp thêm 500 cuốn sách vào thư viện cộng đồng “Mượn sách bằng đặt cọc niềm tin” cũng do Hoàng Quý Bình sáng lập...
Dự án không chỉ góp phần dần hình thành cho mọi người thói quen phân loại và để rác đúng nơi quy định mà còn biết nói không với rác thải nhựa. Từ những phế phẩm thu được, các thành viên trong dự án có thể xây dựng được nhiều tủ sách vùng cao, mang tới cho các em tri thức và lan tỏa rộng rãi hơn ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn, dự án “Đổi giấy lấy cây” đã truyền cảm hứng về bảo vệ môi trường đến nhiều bạn trẻ khác. Họ đang nỗ lực cùng cộng đồng bảo vệ môi trường để Hà Nội ngày thêm xanh- sạch- đẹp.
Nguyễn Mai Hương, sinh viên khoa tiếng Pháp, trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Việc bảo vệ môi trường bắt đầu từ ý thức của mỗi cá nhân. Dự án góp phần thay đổi thói quen, nếp nghĩ của các bạn trẻ về các vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay, từ đó sẽ hình thành một cộng đồng với lối sống tích cực. Mỗi người đóng góp một chút dù nhỏ bé nhưng sẽ tạo ra tác động to lớn để cùng xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè thế giới”.