Sở Công Thương vào cuộc
Hình ảnh nhà lồng F trước đây từng tồn tại biểu tượng con cua suốt 12 năm qua
>>> TP HCM: Tiểu thương chợ Bình Điền kêu cứu vì bị BQL chợ “ép” chuyển địa điểm kinh doanh?
Tiểu thương và BQL chợ bất đồng quan điểm
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, thời gian vừa qua, nhiều tiểu thương kinh doanh cua tại chợ Bình Điền (quận 8, TP HCM) bức xúc trước việc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền (gọi tắt là BQL chợ), liên tiếp có nhiều văn bản thông báo về việc cấm kinh doanh cua tại nhà lồng F, buộc tiểu thương chuyển qua khu chuyên kinh doanh cua tại nhà lồng D, mặc dù việc kinh doanh trước đây tại nhà lồng F theo tiểu thương đánh giá là rất ổn định. Do đó, các tiểu thương cho biết, việc di dời này gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế sinh nhai của họ.
Trong khi đó, đại diện của BQL chợ lại cho rằng, việc di dời trên được thực hiện theo chủ trương của UBND thành phố Hồ Chí Minh và của Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, giao cho BQL chợ Bình Điền tổ chức quản lý, quy hoạch phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và thúc đẩy sự phát triển kinh doanh của chợ.
Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền |
Đồng thời phía BQL chợ cũng cho rằng, ngành hàng cua trước đây chưa được bố trí kinh doanh chính thức tại nhà lồng F mà do các hộ tự ý bán kèm cùng các mặt hàng khác. Về sau, ngành hàng cua có sự phát triển cả về quy mô và sản lượng, đòi hỏi phải đưa vào quy hoạch, quản lý cũng như để thuận tiện trong việc thu gom xử lý rác thải, vệ sinh môi trường…
Ngược lại, theo tiểu thương Tạ Văn Muôn, việc kinh doanh mặt hàng cua tại nhà lồng F đã tồn tại suốt 12 năm qua và chưa từng bị xử lý về việc bán sai ngành hàng. Tuy nhiên, ngày 18/4/2018, BQL chợ Bình Điền lại ra thông báo về việc “Dọn dẹp việc kinh doanh cua trái phép”, đồng thời ra nhiều văn bản xử phạt đối với các tiểu thương, trong đó có ông.
Ông Muôn, cho biết, việc di dời này đồng nghĩa với việc phải thuê thêm một địa điểm mới và phải trả chi phí cho việc thuê thêm mặt bằng, nhân công, đóng thêm chi phí quản lý, chi phí điện, nước, thuế... Nếu không di dời sang địa điểm mới thì coi như mặt hàng cua bị ngừng kinh doanh. Điều này vô cùng bất hợp lý.
“Trước khi thực hiện cho đến lúc ra thông báo cấm kinh doanh cua từ ngày 4/5/2018, BQL chợ chưa từng có cuộc họp nào để trao đổi, phổ biến và thỏa thuận với tiểu thương về việc này. Họ tự đưa ra kế hoạch, tự xin chủ trương rồi buộc tiểu thương phải thực hiện. Việc làm này là áp đặt, thiếu tôn trọng tiểu thương”, ông Muôn nói.
Bức xúc trước việc phải chuyển địa điểm kinh doanh còn nhiều bất cập, ông Muôn đã kiến nghị BQL chợ, thế nhưng giữa các bên không thống nhất được quan điểm khiến vụ việc kéo dài, phức tạp.
Sở Công Thương vào cuộc
Liên quan đến nội dung phản ánh trên, mới đây Sở Công Thương TP HCM đã vào cuộc tìm hiểu những thông tin mà tiểu thương và báo chí đã phản ánh thời gian qua.
Theo đó, tại Biên bản làm việc với Sở Công Thương vào ngày 22/8, tiểu thương Tạ Văn Muôn cho ý kiến: Nếu BQL chợ đồng ý để ông tiếp tục kinh doanh các sản phẩm thủy hải sản (kể cả cua) tại vựa F4 – 071 (thuộc vựa đăng ký của ông tại nhà lồng F từ năm 2006 đến nay) thì những đề nghị trước đây với BQL chợ sẽ không đề nghị xem xét lại.
Đồng thời, ông Muôn cho biết, đối với việc quy hoạch lại ngành hàng cua tại nhà lồng D, ông chưa nhận bất cứ thông báo nào bằng văn bản từ BQL chợ Bình Điền.
Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn lại cho ý kiến: Việc quy hoạch lại ngành hàng cua tại nhà lồng D đã được thông qua Hội đồng thành viên của Tổng Công ty; phía Tổng Công ty đồng ý cho hộ ông Muôn kinh doanh tại địa điểm cũ các mặt hàng thủy hải sản nhưng không đồng ý cho bán cua tại đây.
Còn đại diện BQL chợ Bình Điền cho rằng, về vấn đề quy hoạch khu chuyên doanh cua đã được công ty thông báo rộng rãi bằng loa phát thanh cho toàn chợ biết.
Sau khi nghe ý kiến của các bên, Sở Công Thương nhận thấy các bên không thống nhất được ý kiến để giải quyết. Qua đó, Sở này đề nghị các bên xem xét để tiếp tục giải quyết hoặc gửi hồ sơ đến các cơ quan có thẩm quyền.
Biên bản làm việc với Sở Công Thương TP HCM vào ngày 22/8 vừa qua |
Cũng liên quan vụ việc trên, trước đó, theo phản ánh của một số hộ kinh doanh tại đây cho biết, việc di dời địa điểm nói trên không phải vì muốn tạo khu vực buôn bán tập trung mà vì lợi ích kinh tế của BQL chợ và những người đầu cơ ô vựa tại nhà lồng D. Bởi theo một số tiểu thương, tại đây có nhiều người đang sở hữu nhiều ô vựa tại các vị trí “vàng” của chợ (một người sở hữu 5 đến 6 vựa), sau khi chuyển qua, hầu hết các tiểu thương đều phải thuê lại của các chủ này.
Có thể thấy, mặc dù việc quy hoạch khu chuyên doanh cua tại nhà lồng D có thể đúng về mặt chủ trương nhưng cách thức thực hiện liệu có phù hợp với tình hình thực tế? Bởi trước đó, theo phản ánh việc kinh doanh cua tại nhà lồng F suốt 12 năm qua rất ổn định và chưa từng bị xử lý về việc bán sai ngành hàng. Nay BQL chợ yêu cầu chuyển sang địa điểm mới nhưng lại không thông qua ý kiến các tiểu thương là điều rất khó hiểu.
Để sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, các tiểu thương đề nghị UBND TP HCM, Thanh tra Sở Công Thương xem xét lại toàn bộ quy trình thực hiện liên quan đến nội dung đã phản ánh, làm rõ chủ trương trên có thực sự mang lại lợi ích chung, trong đó có quyền lợi cho các tiểu thương hay không? Đặc biệt, có hay không việc lợi dụng chủ trương trên để phục vụ lợi ích cho một nhóm người hoặc đơn vị nào đó như tiểu thương phản ánh?
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.
Bài liên quan
TP HCM: Tiểu thương chợ Bình Điền kêu cứu vì bị BQL chợ “ép” chuyển địa điểm kinh doanh?