Sở Y tế xử lý sai phạm, chính quyền phường lại im lặng
Bên quyết liệt, bên thờ ơ
Sở Y tế Hà Nội ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh thuốc Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Vạn Xuân bởi các sai phạm được chỉ rõ: Công ty Cổ phần Dược phẩm Bạch Mã Vạn Xuân không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định tại Mục 2 Điều 40 của Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/04/2016.
Hai quyết định của Sở Y tế Hà Nội đối với Công ty Bạch Mã Vạn Xuân sau sai phạm đã được báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh |
Gần đây nhất, ngày 13/7/2021, Sở Y tế TP Hà Nội cũng đã ra Quyết định số 3277/QDD-SYT thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền trực thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Bạch Mã Vạn Xuân.
Căn cứ thu hồi được Sở Y tế đưa ra là: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 43; điểm d, Khoản 1, Điều 48 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì Phòng Chẩn trị số 127 Nguyễn Khoái không đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo nội dung Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp phép.
Trước đó, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có hai bài viết liên quan đến việc Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Vạn Xuân vi phạm nghiêm trọng quy định phòng dịch. Nội dung bài viết phản ánh tình trạng cơ sở y tế này lơ là, chủ quan và không chấp hành đầy đủ công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19 khi tham gia khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
Bà Thanh chuẩn bị dụng cụ cấy chỉ vai gáy mà không đeo khẩu trang, không đeo găng tay y tế |
Cụ thể, người phụ trách chuyên môn của Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Vạn Xuân thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Bạch Mã Vạn Xuân( là bà Đinh Ngọc Thanh) khi trực tiếp khám và cấy chỉ vai gáy cho người bệnh đã không đeo khẩu trang, không đeo găng tay, không thực hiện việc khai báo y tế cho người bệnh khi đến phòng khám…
Việc cấy chỉ trong căn phòng thô sơ, không đảm bảo yêu cầu theo quy định |
Ngay sau khi nhận được phản ánh của Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và chỉ ra những sai phạm; đồng thời có hai quyết định thu hồi như trên.
Trao đổi với cán bộ Phòng Quản lý Y Dược, Sở Y tế Hà Nội, sau hai quyết định thu hồi của Sở, hiện trách nhiệm giám sát thuộc về UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tuy nhiên, sau nhiều lần cố gắng liên hệ với người đứng đầu chính quyền phường Bạch Đằng bằng điện thoại, tin nhắn… phóng viên vẫn không nhận được hồi âm của Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng.
Trước đó, ngay khi phát hiện sai phạm về công tác phòng, chống dịch của Phòng Chẩn trị do bà Thanh là người phụ trách chuyên môn, phóng viên đã liên hệ với Công an phường Bạch Đằng, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng là ông Nguyễn Hoành Dũng nhưng sau gần 1 tháng, chưa có bất cứ hồi âm nào từ người đứng đầu của hai đơn vị này về việc xử lý sai phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý.
Liên quan đến những sai phạm trên, phóng viên đã trao đổi với luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư Hà Nội.
Đối chiếu với những quy định hiện hành, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, chủ cơ sở đã vi phạm nghiêm trọng quy định phòng chống dịch trong giai đoạn dịch bệnh ở Hà Nội đang diễn biến hết sức phức tạp.
Cụ thể, điểm c, khoản 2, Điều 10, Nghị định 117/2020 nêu rõ: Vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì “phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “Không thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm đối với người mắc bệnh truyền nhiễm”…
Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ gấp 2 lần mức phạt nêu trên. Vì thế phòng khám, phòng chẩn trị (ở đây cụ thể là Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Vạn Xuân) vi phạm các quy định về phòng chống dịch thì mức xử phạt có thể áp dụng từ 6.000.000 đến 10.000.000 đồng.
Khẳng định mức độ vi phạm nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm, luật sư Tùng cho hay: Vi phạm trong bối cảnh xã hội đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là ý thức kém và cẩu thả. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện mà còn thuộc về chính quyền địa phương quản lý cơ sở không chặt chẽ.
Sau quyết định thu hồi, lộ ra cơ sở hoạt động không phép
Theo Quyết định số 3277/QĐ-SYT, ngày 17/7/2021 về việc thu hồi giấy phép hoạt động của Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Bạch Mã Vạn Xuân thì Phòng Chẩn trị này có giấy phép hoạt động số 528/HNO-GPHDD/CL2, cấp ngày 3/6/2020 của Sở Y tế Hà Nôi.
Trong khi đó, phản ánh với Báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Lương Thị Hương (ở Ba Đình, Hà Nội) cho biết, Phòng Chẩn trị này đã thực hiện cấy chỉ làm đẹp, căng da mặt cho mình từ tháng 8/2019; 30/3/2020 là xảy ra sự cố (làm lần thứ 5 là xảy ra sự cố có chỉ Catgut ở mắt trái).
Chỉ trong mắt trái của bà Hương |
Vì sự cố này, bà Hương đã phải điều trị kháng sinh 1 tháng trước khi thực hiện ca mổ phức tạp với những nguy cơ ảnh hưởng lớn đến thị lực (điều này được vị bác sĩ của Bệnh viện 108 phân tích trực tiếp cho cả bà Hương và vợ chồng bà Thanh).
Cũng theo bà Hương, trong hơn 1 tháng nằm viện điều trị với chi phí đắt đỏ, nhưng gia đình bà Thanh luôn “tính toán” và có thái độ không “ăn năn” và đưa ra biện pháp khắc phục hay đền bù tổn thất.
Chính vì vậy, đến tháng 5/2020, bà Hương bắt đầu gửi đơn kiện vợ chồng bà Thanh và cầu cứu khắp nơi.
Điều kỳ lạ là sau những lá đơn kiện chưa có lời giải thỏa đáng thì đến đầu tháng 6/2020, Phòng Chẩn trị này đã có giấy phép hoạt động.
Bà Hương là nạn nhân của sự cố xảy ra ở Phòng Chẩn trị 127 Nguyễn Khoái |
Sự việc này khiến cho việc khiếu kiện của bà Hương kéo dài. Bà Hương sau ca phẫu thuật đã bị giảm thị lực mắt, buộc phải xin nghỉ hưu sớm (trước đó bà Hương là giáo viên dạy thể dục của một trường THCS). Trong khi đến nay Thanh tra Sở Y tế Hà Nội chưa có kết luận chính thức về vụ việc sau nhiều lần “hứa” với bà Hương thì Phòng Chẩn trị lại vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 trong khi cả nước đang đồng lòng chống dịch.
Thiết nghĩ, phòng chức năng Sở Y tế Hà Nội nên có câu trả lời thỏa đáng đối với sự việc trên, trước hết là để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nạn nhân bị biến chứng y khoa không mong muốn, yên tâm hơn về việc quản lý Nhà nước của lực lượng chức năng; sau đó là để tạo tính răn đe cho những cơ sở y tế đang bất chấp quy định, hoạt động không phép, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Trong một cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng chống Covid-19 khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Vừa qua có nơi, có lúc, người đứng đầu cũng chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên tình hình có những sơ hở, do đó, phải xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước với tinh thần hết sức khách quan, công bằng, hợp lý.
Trên tinh thần đó, có thể nói rằng, chính quyền phường Bạch Đằng - nơi Phòng Chẩn trị đăng ký địa chỉ thường trú - cần xem xét lại trách nhiệm trong việc quản lý các cơ sở y tế trên địa bàn, nhất là việc thực hiện nghiệm các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Bởi nếu cứ lơ là, buông lỏng như đối với trường hợp Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Vạn Xuân thời gian qua thì có lẽ hậu quả sẽ rất nặng nề mà không ai lường trước được.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục thông tin./.