Sôi động phong trào Bình dân học vụ số khắp mọi miền Tổ quốc
Tạo động lực, truyền cảm hứng lan toả phong trào "Bình dân học vụ số" Sứ mệnh xóa mù số, kiến tạo công dân toàn cầu “Xóa mù” công nghệ số: Nhiệm vụ chiến lược trong kỷ nguyên mới |
Học để không bị bỏ lại phía sau
Bà Nguyễn Thị Hoa (quê ở tỉnh Thanh Hoá) năm nay 70 tuổi, tay run run cầm chiếc smartphone cũ, chăm chú học cách mở Zalo để kết nối với con trai đang làm thuê tận tỉnh Bình Dương. “Trước nay chỉ dùng điện thoại để nghe gọi, giờ biết cách video call, tôi vui lắm! Còn học cách chuyển khoản nữa,” bà Hoa cười, ánh mắt rạng rỡ.
Từ phong trào Bình dân học vụ số đang phát triển, lan tỏa, các đội hình tình nguyện được thành lập để hỗ trợ người dân. Một số ứng dụng miễn phí, dễ sử dụng cũng được thiết kế riêng cho người cao tuổi hoặc người dân vùng khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hòa (75 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “Tôi mất 3 buổi mới biết chụp ảnh giấy tờ gửi qua Zalo nhưng giờ làm được rồi, thấy mình không tụt hậu nữa”, ông nói. Con trai ông Hoà - một kỹ sư Công nghệ thông tin ở Hà Nội, xúc động khi lần đầu thấy bố tự tay gửi ảnh căn cước để làm hồ sơ giấy tờ.
![]() |
Thanh niên tình nguyện đội Bình dân học vụ số của tỉnh Thanh Hoá hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ |
Những lớp học ứng dụng chuyển đổi số, AI được tổ chức Đoàn Thanh niên triển khai khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần “xóa mù số” cho người dân. Các tình nguyện viên đến tận thôn, xóm, hướng dẫn bà con cách sử dụng smartphone, truy cập Internet, đăng ký tài khoản dịch vụ công, học kỹ năng phòng chống lừa đảo online…
Từ Bắc chí Nam, từ Thủ đô đến những miền quê, vùng núi xa xôi, từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long, phong trào học kỹ năng số đang len lỏi vào từng ngõ nhỏ, từng mái nhà. Người già học cách dùng app y tế, nông dân biết tra cứu giá nông sản trực tuyến, tiểu thương mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử… Tất cả tạo nên một “Bình dân học vụ” kiểu mới – nơi công nghệ không còn là rào cản, mà trở thành nhịp cầu kết nối cuộc sống.
Sức trẻ tiên phong đưa công nghệ về làng
Ở mỗi tỉnh, thành, lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong làn sóng Bình dân học vụ số. Các chiến dịch Tình nguyện số, Tháng ba biên giới, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện không còn chỉ gói gọn trong xây nhà, sửa đường, mà mở rộng ra cả việc mở lớp dạy kỹ năng số, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt.
Mới đây, ngày 8/4, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chính thức phát động phong trào Bình dân học vụ số trên quy mô toàn tỉnh. Lễ phát động thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, sinh viên tham gia, với các chuyên đề thiết thực như: Kỹ năng sử dụng phần mềm và mạng xã hội an toàn, cách tránh lừa đảo số và khai thác trí tuệ nhân tạo vào học tập, làm việc.
![]() |
Thanh niên đến từng nhà hướng dẫn người dân chuyển đổi số |
Đáng chú ý, ngay sau lễ phát động, các đội hình Bình dân học vụ số cấp tỉnh đã ra quân thực hiện nhiệm vụ: Hỗ trợ người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa, hướng dẫn cài đặt VNeID, thanh toán điện tử tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Từ trường đại học đến các điểm chợ, không gian số hóa đang dần mở ra trước mắt người dân nhờ bàn tay kết nối của thế hệ trẻ.
Tại tỉnh Bình Phước, phong trào cũng sớm được khởi động sôi nổi, với sự tham gia của 91 đội hình thanh niên tình nguyện. Những buổi hướng dẫn cách sử dụng điện thoại thông minh, đăng ký dịch vụ công, bảo vệ tài khoản cá nhân… đã mang tri thức công nghệ đến gần hơn với người dân vùng sâu vùng xa, nhất là người lớn tuổi, nông dân, tiểu thương.
Tại thành phố Đà Nẵng, hưởng ứng phong trào, Thành đoàn - Hội LHTN - Hội Sinh viên thành phố đã tổ chức chuỗi tập huấn phòng chống lừa đảo trên không gian mạng tại nhiều trường học và cơ sở Đoàn. Các nội dung tập trung vào nhận diện chiêu trò lừa đảo tinh vi, cách xác thực thông tin, bảo vệ danh tính số…
“Mỗi đoàn viên, thanh niên hãy trở thành một tuyên truyền viên lan tỏa kiến thức về an toàn số” – thông điệp từ chương trình không chỉ mang tính kêu gọi, mà còn đánh thức trách nhiệm công dân số trong từng bạn trẻ.
Không đứng ngoài làn sóng này, ngày 9/4, tại TP Hạ Long, Tỉnh đoàn Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị triển khai phong trào Bình dân học vụ số cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 13 điểm cầu cấp huyện, thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên. Hội nghị là bước khởi đầu để lan tỏa phong trào đến từng địa bàn dân cư, góp phần cụ thể hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số quốc gia”.
![]() |
Thanh niên Hà Nội hỗ trợ người dân "số hoá" |
Khát vọng số hóa toàn dân
Còn tại Thủ đô Hà Nội, phong trào Bình dân học vụ số đã được lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, trong đó nổi bật với vai trò của thanh niên. Bằng những cách làm giản dị, gần gũi và thiết thực, phong trào Bình dân học vụ số không chỉ giúp mọi tầng lớp Nhân dân biết dùng, hiểu rõ, mà còn làm chủ công nghệ, tự tin bước vào thời đại số. Đó là cách Hà Nội xây dựng một xã hội số toàn diện, nơi mỗi người dân đều là chủ thể trong xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại và nhân văn.
Thực tế cho thấy, phong trào Bình dân học vụ số không chỉ dừng lại ở các lớp học truyền thống, mà còn được mở rộng theo mô hình “trường học không tường rào”, nghĩa là học ở mọi nơi, mọi lúc, theo nhu cầu thực tiễn. Nhiều địa phương đã thành lập các tổ công nghệ cộng đồng tại tổ dân phố, thôn, xóm, với thành viên là cán bộ, đoàn viên, giáo viên, hội viên phụ nữ… Tổ này sẽ thường xuyên hỗ trợ người dân giải đáp các vướng mắc khi sử dụng thiết bị số và dịch vụ công trực tuyến.
![]() |
![]() |
Đội hình Bình dân học vụ số tại các địa phương luôn sẵn sàng phục vụ Nhân dân |
Bình dân học vụ số không chỉ là phong trào nhất thời, mà đang được kỳ vọng trở thành một phần trong chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng đó, cần sự phối hợp liên ngành, từ giáo dục, đoàn thể đến chính quyền cơ sở, doanh nghiệp công nghệ. Quan trọng hơn cả là nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời, không phân biệt tuổi tác, trình độ hay nơi sống. Bởi trong kỷ nguyên số, biết công nghệ là biết nắm bắt cơ hội.
Phong trào Bình dân học vụ số hôm nay là sự tiếp nối tinh thần “xóa nạn mù chữ” của những năm đầu cách mạng nhưng lần này, thay vì tấm bảng phấn và cây bút, công cụ của người học là điện thoại, máy tính và kết nối Internet và điều không thay đổi, đó là khát vọng vươn lên bằng tri thức vẫn luôn cháy bỏng trong mỗi người dân Việt Nam.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hơn 10 nghìn thiếu nhi đồng diễn trống, kèn chào mừng lễ 30/4

Chắp cánh đam mê nghiên cứu pháp lý cho bạn trẻ

Thành đoàn Hải Phòng tập huấn kiến thức công nghệ AI cho đoàn viên, thanh niên

“Miss & Mister” ĐH Công nghiệp "gọi tên" Đoàn Thị Hương, Lê Gia Bảo

AI trở thành “trợ thủ” đắc lực của sinh viên

"Cán bộ số” hiểu công nghệ, giỏi ứng dụng, tiên phong đổi mới

Tuổi trẻ Đắk Lắk chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm

Thực hiện 517 công trình, phần việc trong Tháng Thanh niên 2025

Gen Z và hành trình học tập không chỉ... để thi
