Sớm áp dụng cơ chế đặc thù trong xử lý vi phạm giao thông
Chính thức xử lý vi phạm trật tự giao thông từ phản ánh của người dân Cần thiết lập lại trật tự thị trường vận tải hành khách Thêm 5 tổ công tác đặc biệt xử lý vi phạm giao thông |
Hơn 800 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 6 tháng
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, số vụ tai nạn giao thông và người bị thương còn tăng, tạo gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội.
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông |
Cùng với đó, ý thức của người tham gia giao thông chưa có chuyển biến lớn; vẫn còn tình trạng sử dụng rượu bia, chất cấm khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 805 vụ tai nạn giao thông làm 339 người chết, 688 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2023, tăng 227 vụ (chiếm 39,27%), tăng 8 người chết (2,42%) và tăng 301 người bị thương (77,78%).
Các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 94.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), phạt tiền trên 180 tỷ đồng, tạm giữ trên 35.000 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên 21.000 trường hợp.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, các Tổ công tác 141 của Công an thành phố đã phát hiện 502 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bàn giao 564 đối tượng cho các đơn vị chức năng điều tra, giải quyết; đồng thời, phát hiện, xử lý 2.151 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thực tế, nguyên nhân vẫn còn tồn tại nghiêm trọng các vi phạm trật tự an toàn giao thông xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông cũng như nhiều quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông chưa đủ tính răn đe và phù hợp với thực tế.
Nâng mức xử phạt hành vi vi phạm cao gấp đôi
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II; phương hướng, nhiệm vụ quý III/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu một số giải pháp trọng tâm trong quý III/2024.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiểm tra một xe khách tại Bến xe Mỹ Đình (Ảnh: Tuấn Lương) |
Theo đó, thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ, nghiên cứu nâng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như: Vi phạm nồng độ cồn, chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, quá tốc độ quy định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu, với việc Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, tới đây thành phố sẽ trình nâng mức xử phạt hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông với mức được phép cao gấp đôi so với mức chung trên toàn quốc.
Theo Điều 33 Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. |
Việc tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông được coi là cần thiết để nâng cao tính răn đe và kiềm tỏa các hành vi vi phạm. Nếu chế tài xử phạt nghiêm khắc, người vi phạm khi đối diện với hành vi vi phạm nào đó sắp xảy ra sẽ có sự đắn đo, suy nghĩ.
Điều này có thể thấy rõ với hành vi sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông. Sau khi chế tài xử phạt đối với hành vi này được nâng lên rất cao trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì những “ma men sau tay lái” đã giảm hẳn. Thậm chí, trong thời gian đầu khi lực lượng chức năng ra quân thực hiện Nghị định này, nhiều quán bia, quán nhậu đã rơi vào tình trạng vắng vẻ một cách không ngờ. Dịch vụ xe ôm, taxi đưa đón người đi nhậu cũng “ăn nên làm ra” một cách đáng kể.
Đây chính là ví dụ điển hình cho thấy tác động tích cực của chế tài xử phạt đối với thái độ hành vi của người vi phạm. Tuy nhiên, bên cạnh chế tài xử phạt, yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự hiệu quả của công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nằm ở công tác thực thi pháp luật của lực lượng chức năng.
Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và cả người không tham gia giao thông (người bán hàng trên vỉa hè) cần được ưu tiên; đồng thời quản lý tốt phương tiện để phòng ngừa nguy cơ gây tai nạn giao thông; tập trung cải thiện và quản lý tốt cơ sở hạ tầng.
Với các giải pháp đồng bộ cùng những cơ chế đặc thù quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) khi có hiệu lực thi hành sẽ giúp kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vi phạm, từ đó bảo vệ tốt hơn tính mạng, sức khỏe của người dân, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.