Sống bất an bên dòng sông ô nhiễm và sạt lở nghiêm trọng
Ô nhiễm và sạt lở nghiêm trọng
Sông Nhuệ tức Nhuệ Giang là một con sông nhỏ, phụ lưu của sông Đáy. Sông dài khoảng 76 km, chảy ngoằn ngoèo qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Điểm bắt đầu của sông Nhuệ là cống Liên Mạc, lấy nước từ sông Hồng trong địa phận quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) và điểm kết thúc của nó là cống Phủ Lý khi hợp lưu vào sông Đáy gần thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Sông chảy qua các quận, huyện, thị trấn gồm các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông; các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên của thành phố Hà Nội; huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam và cuối cùng đổ vào sông Đáy ở khu vực thành phố Phủ Lý.
Điểm sạt lở của sông Nhuệ ăn sâu vào đường đi tại khu vực xã Tả Thanh Oai
Dòng sông này từ nhiều năm trở lại đây đã bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng. Anh Nguyễn Văn Long, ở thị trấn cầu Diễn, Nam Từ Liêm cho biết, mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông Nhuệ rất kinh khủng. Nước sông lúc nào cũng đen ngòm, đặc quánh. Chưa hết, ruồi, muỗi và các loạt côn trùng ở đây rất nhiều luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do nước, rác thải sinh hoạt của các hộ dân và một số cơ sở sản xuất xả trực tiếp ra sông.
Không những ô nhiễm, nhiều đoạn con sông này chảy qua đã bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến an toàn của người dân. Đoạn sông Nhuệ chảy dọc địa bàn xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) gần 9 km. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bên bờ sông diễn ra thường xuyên, hiện có 4 cung sạt khá nghiêm trọng. Thứ nhất, đoạn sông từ cống X40 qua ngõ 12 đường Tả Thanh Oai dài 250m, bị sạt lấn vào gần mép đường. Đoạn tiếp theo từ bia Truy Viễn Đàn của dòng họ Ngô đến trạm bơm Đại Thanh dài 200m, mặt đường có biểu hiện lún nứt. Liền đó, đoạn từ giếng Miếu Ông đến ngõ 38 dài khoảng 100m, sạt lấn vào gần mép đường, mặt đường chưa bị nứt.
Tiếp đến đoạn từ ngõ Đình, thôn Nhân Hòa đến trường Tiểu học Tả Thanh Oai dài 350m (tương ứng K23+150 đến K23+500) là bị sạt lở nghiêm trọng nhất. Tại đây, những bụi tre, cây cối đã nghiêng hẳn về phía sông Nhuệ do bờ bị sạt lở. Nhiều cung sạt ăn sâu vào mái, sát vào mép đường khiến mặt đường bị lún nứt. Đây chỉ là một trong rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng đang diễn ra tại sông Nhuệ. Các điểm sạt lở khác hiện vẫn đang diễn ra tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai; phường Kiến Hưng, quận Hà Đông...
Thành phố vào cuộc
Trước tình hình trên, ngày 26/10, UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho ý kiến về đầu tư xây dựng công trình xử lý chống sạt lở bờ hữu sông Nhuệ qua khu vực thôn Mậu Lương, xã Kiến Hưng, quận Hà Đông. Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được văn bản của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ về việc phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình xử lý chống sạt lở bờ hữu sông Nhuệ qua khu vực thôn Mậu Lương, xã Kiến Hưng, quận Hà Đông.
Cụ thể, công trình được nghiên cứu ban đầu xử lý 350m bờ sông Nhuệ bị sụt sạt. Đơn vị tư vấn thiết kế đã khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng công trình đề xuất xử lý 341m bờ sông Nhuệ. Phương án xây dựng, xây dựng tuyến kè theo hình thức mái nghiêng bằng đá lát khan dày 30cm trong các ô tạo bởi các khung bê tông cốt thép; chân kè xếp rọ đá, đáy rọ đóng cọc tre gia cố để giữ ổn định và chống trượt mái. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 14,64 tỷ đồng từ ngân sách thành phố; thời gian thực hiện trong 2 năm (2016 - 2017).
Về việc trên, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính căn cứ quy định về lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí kế hoạch vốn dự án cải tạo, sửa chữa sử dụng nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách thành phố và quy định của pháp luật có liên quan, rà soát, đề xuất, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Trước đó, ngày 24/10, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 6120/UBND-KT cho ý kiến về việc xử lý chống sạt lở bờ hữu sông Nhuệ thuộc địa bàn xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả kiểm tra và đề xuất xử lý chống sạt lở bờ hữu sông Nhuệ trên địa bàn xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Trong đó nhấn mạnh, để đảm bảo ổn định công trình đê điều, công trình văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, không để xảy thiệt hại về tính mạng và hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân trong khu vực sạt lở, trên cơ sở thống nhất kiến nghị của đoàn kiểm tra liên ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện Thanh Oai, UBND xã Mỹ Hưng phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời báo cáo diễn biến các đoạn sạt lở đê (bờ) hữu sông Nhuệ qua địa bàn thôn Quảng Minh và thôn Đan Thầm xã Mỹ Hưng; có phương án đảm bảo an toàn chống lũ trong mùa mưa năm 2016 khi chưa được đầu tư.
Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ phối hợp với UBND huyện Thanh Oai, UBND xã Mỹ Hưng theo dõi chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời báo cáo diễn biến các đoạn sạt lở đê (bờ) hữu sông Nhuệ qua địa bàn thôn Quảng Minh và thôn Đan Thầm xã Mỹ Hưng; có phương án đảm bảo an toàn chống lũ trong mùa mưa năm 2016 khi chưa được đầu tư; phối hợp với người dân địa phương chặt cây cối trong khu vực sạt lở.
Đồng thời, thành phố Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư thực hiện dự án Xử lý cấp bách chống sạt lở đê (bờ) hữu sông Nhuệ qua địa bàn thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng đoạn từ cống tiêu tại vị trí khoảng K25+650 đến rãnh tiêu nước từ trong khu dân cư ra sông, vị trí khoảng K25+750, chiều dài sạt lở khoảng 100m và đoạn qua khu vực đình, chùa Đan Thầm, xã Mỹ Hưng, thời gian hoàn thành xong trước ngày 30/4/2017.
Trước sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố Hà Nội trong thời gian qua, hi vọng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở đê ( bờ) sông Nhuệ, để người dân được yên tâm sinh sống.
Thanh Hà