Start-up khơi dậy niềm đam mê và sáng tạo của con trẻ
Thỏa sức sáng tạo
Không sách vở, không lý thuyết, không áp đặt, tại xưởng sáng tạo Creative Gara (ở phố Tây Sơn, Hà Nội) các em nhỏ từ 3 - 15 tuổi sẽ là những thợ mộc chính hiệu. Các em sẽ lên ý tưởng, tự tay thiết kế, thực hiện các công đoạn láng mịn gỗ, dán keo… để hoàn thành sản phẩm của mình.
Ban đầu, Creative Gara có 3 nhóm lớp chính. Thứ nhất, đó là các buổi trải nghiệm cho những nhóm lớp, trường với một chủ đề nhất định để học sinh có trải nghiệm về lao động hay sáng tạo khoa học kỹ thuật. Mỗi dịp cuối tuần, xưởng sẽ lên sẵn chủ đề, các bạn nhỏ ham thích chủ đề nào thì tự do đăng ký.
Ngoài ra, Creative Gara còn có một lớp học đặc biệt nữa, đó là “mộc nhí” kéo dài từ 4 - 8 buổi về mộc cơ bản như: Tạo hình, đóng đinh, cưa, chà nhám trên các sản phẩm thuyền, giá sách, xe tăng, khung dệt…
Anh Phạm Quý Phúc đang say sưa hướng dẫn các bạn nhỏ tại xưởng sáng tạo Creative Gara (Ảnh tư liệu Creative Gara) |
Hiện nay, với ý tưởng muốn trang bị cho các bé tâm thế và phương pháp học tập mới để sẵn sàng hoà nhập với thời đại 4.0 như sự xuất hiện của robot tự động hóa, AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (vạn vật kết nối)... Creative Gara tiếp tục đưa đến khóa học kỳ thú Steam Box High School với hình thức giáo dục STEAM.
Tại lớp học, các em nhỏ được trao hộp STEAM BOX với các công cụ, nguyên liệu sẵn sàng cho việc nghiên cứu, sáng chế từ đó tìm hiểu kiến thức khoa học, vật lý, toán học... qua thực hành sáng chế. Qua đó, các em nhỏ sẽ được thể hiện sáng tạo, là thợ mộc STEAM, kỹ sư, kiến trúc sư, là nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật độc đáo từ gỗ…
Việc dạy học theo quy trình thiết kế công nghệ tại Creative Gara không chỉ giúp học sinh thực hành kỹ năng như những kỹ sư thực thụ trong các bộ phận làm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mà quan trọng hơn còn giúp các em cảm thấy tự tin hơn vào bản thân khi tự giải quyết được những vấn đề phức tạp.
Khởi nghiệp ở tuổi 36
Chia sẻ về quá trình thành lập và phát triển xưởng sáng tạo Creactive Gara, anh Phạm Quý Phúc cho biết: “Trước đây làm về sách khoa học cho trẻ con, được tiếp cận các tài liệu cho các bé, tôi nhận thấy ngoài việc học lý thuyết thì cần phải có nhiều trải nghiệm thực hành, từ đó kiến thức mới được học sinh ghi nhớ lâu. Tuy nhiên, ý tưởng lúc đó còn rất “mơ hồ”, bởi tôi không biết sẽ sử dụng nguyên liệu, công cụ nào để thực hiện.
Sau một thời gian mày mò, tôi thấy ở Việt Nam nguyên liệu làm mộc rất dễ tìm, nhiều người làm mộc có tay nghề cao để học hỏi. Ban đầu, tôi mua các dụng cụ về “nghịch ngợm” đục, cưa, bào... Không ngờ khi thấy bố làm như vậy, con trai tỏ ra rất thích thú, tò mò và cũng muốn làm theo”.
Ý tưởng ban đầu của anh Phúc chỉ là muốn tạo ra môi trường vui chơi lành mạnh, bổ ích, thêm yêu lao động và hiểu biết về khoa học kỹ thuật cho chính con trai của mình. Tuy nhiên, do nhu cầu của các bậc phụ huynh có con nhỏ khá lớn nên đến đầu năm 2016, xưởng sáng tạo Creative Gara chính thức được thành lập.
Tại Creative Gara, các bạn nhỏ khám phá công việc của một thợ mộc đích thực, vận dụng kiến thức khoa học, toán học và vật lý để sáng tạo ra các sản phẩm của chính mình (Ảnh tư liệu Creative Gara) |
Khởi nghiệp ở tuổi 36, anh Phạm Quý Phúc cũng đã gặp không ít khó khăn. Mô hình xưởng sáng tạo này vốn kén về kỹ thuật, trước khi ra được một sản phẩm thì anh Phúc phải nghiên cứu xem các bạn nhỏ sẽ làm như thế nào, phải đặt mình vào vị trí của các bạn ý để có thể tính toán các thao tác, trong khoảng thời gian hoàn thiện bao lâu.
Trên thị trường những sản phẩm như thế vẫn còn rất mới mẻ nên anh Phúc cùng với nhóm của mình phải nghiên cứu kỹ. Nhóm start-up cũng tranh luận với nhau xem làm chủ đề là gì, có ý nghĩa như thế nào cho các bạn nhỏ để có thể đưa ra được một sản phẩm.
Anh Phúc từng công tác tại các nhà xuất bản lớn, rồi cũng thành lập công ty nhưng có thể nói Creative Gara là dự án mà anh dành trọn vẹn thời gian cũng như tâm huyết. “Đến khi bước vào tuổi 35 - 36, tôi mới hiểu nếu không tập trung thì với nguồn lực và trí tuệ của mình sẽ không làm được một cái gì đó tử tế. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ việc với mức thu nhập ổn định để dồn mọi tâm huyết vào dự án này. Rất may, vợ và gia đình không phản đối”, anh Phúc cho biết.
Ngoài ra, anh Phúc cũng tự nhận mình may mắn khi gặp được những người bạn, cộng sự không những có chuyên môn mà còn chung niềm đam mê và tâm huyết.
Đối với anh Phúc niềm hạnh phúc không chỉ là chứng kiến sự say mê và háo hức của các em nhỏ khi tự tay làm ra các sản phẩm mà còn là mà còn tạo dựng được thương hiệu Creative Gara.
“Tại đây, chúng tôi mang đến niềm vui về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và giáo dục toán học cho trẻ em thông qua các hoạt động thực tiễn thú vị và sinh động… Các kỹ sư nhí có cơ hội thiết kế, xây dựng, thử nghiệm và tinh chỉnh những sáng tạo của riêng mình trong một môi trường an toàn và vui vẻ”, anh Phúc nói.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg |