Start-up mô hình doanh nghiệp xã hội hướng đến nữ giới tiếp tục gọi vốn thành công
Từ trái qua phải: CEO Jupviec.vn Phan Hồng Minh, đại diện Quỹ châu Á và IBL ký kết thỏa thuận dự án "Ứng dụng công nghệ Blockchain trong việc giải quyết các vấn đề của người lao động"
Bài liên quan
Các start-up chuyên "săn đầu người", tuyển dụng nhân sự trực tuyến nhận vốn đầu tư "khủng"
Cơ hội vàng cho start-up đồ ăn “ship” tận nơi
Ra mắt nền tảng gọi vốn mới dành cho thanh niên
Dòng vốn mới cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Start-up thương mại điện tử cần có nguồn vốn dồi dào
Các start-up công nghệ chung tay phòng chống dịch bệnh nCoV
Bảo vệ lao động "phái yếu" bằng nền tảng công nghệ
Ở Việt Nam, đời sống các gia đình, nhất là tại các đô thị ngày càng được cải thiện. Nhu cầu lao động giúp việc gia đình ngày càng gia tăng. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam đa số là phụ nữ di cư từ nông thôn ra thành thị, có trình độ học vấn khá thấp. Nhiều người chưa được đào tạo kỹ năng, thiếu tính chuyên nghiệp, quyền và lợi ích chưa được đảm bảo.
Từ bỏ công việc có thu nhập ổn định, anh Phan Hồng Minh quyết định khởi nghiệp với Jupviec.vn. Đây là ứng dụng kết nối nhu cầu tìm việc của các nữ lao động phổ thông cần việc làm ổn định và nhu cầu tìm người giúp việc tin cậy của các gia đình.
Jupviec ra đời năm 2012 và từng bước đưa mô hình này vào cộng đồng. Ngày đầu thành lập, Jupviec.vn không có vốn, nhân sự lại mỏng, đã từng có thời gian Phan Hồng Minh và các thành viên trong công ty phải đi phát tờ rơi ở các chung cư vào buổi tối để tìm khách hàng. Đến nay hình thành một công ty có chỗ đứng trên thị trường là vô vàn nỗ lực xuất phát từ niềm đam mê mãnh liệt và quyết tâm theo đuổi sứ mệnh thay đổi cuộc sống phụ nữ Việt Nam của CEO trẻ Phan Hồng Minh.
Start-up ứng dụng Jupviec chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình bao gồm: Giúp việc theo giờ, giúp việc sáng đến tối về, vệ sinh công nghiệp sau xây dựng... |
Trong năm đầu tiên họ mới kết nối được 50 người giúp việc với 500 khách hàng. Năm 2015 tăng lên khoảng 200 người với 3.000 khách hàng. Thời điểm đó, Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (CAV) đã đánh giá mô hình này tiềm năng, rót vốn tiếp tục ươm tạo và thúc đẩy Jupviec phát triển.
Jupviec có các dịch vụ cung cấp người làm theo khung giờ và theo công việc đăng ký, người giúp việc toàn thời gian trong ngày, người làm dịch vụ vệ sinh sau xây dựng cho các tòa nhà chung cư, khu đô thị mới, cao ốc văn phòng và các hộ gia đình...
Mô hình Jupviec hướng tới là không ngừng tối ưu hóa dịch vụ để hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống của phụ nữ Việt Nam, khi mô hình nhận được hỗ trợ là động lực lớn.
Nhà đầu tư của Jupviec lần này là STI, đơn vị sở hữu những tên tuổi như Tập đoàn Truyền thông 24H, công ty dịch vụ việc làm Siêu Việt, chuỗi xe Anycar, chuỗi cắt tóc nam 30Shine… Hiện STI đã đầu tư hơn 20 công ty tại 4 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.
Được biết, với khoản đầu tư từ STI, Jupviec sẽ đẩy nhanh quá trình đào tạo nhân viên giúp việc, tăng chất lượng dịch vụ cho khách hàng, nâng cấp hạ tầng công nghệ để cải thiện trải nghiệm cho cả hộ gia đình lẫn nhân viên. Jupviec cũng mở thêm các dịch vụ mới gồm: Diệt khuẩn, làm vệ sinh nhà, vệ sinh sofa, vệ sinh điều hòa, là quần áo.
Nhớ lại về những ngày tháng đầu tiên khởi nghiệp cùng Jupviec.vn, CEO Phan Hồng Minh chia sẻ phần lớn thời gian đầu tiên trong quá trình khởi nghiệp của anh là để “nghe phàn nàn” đến từ cả nguồn cung dịch vụ (đội ngũ lao công) cho đến nguồn cầu (khách hàng).
Thực tế, để xây dựng được Jupviec.vn, đội ngũ nhân sự của công ty này đã phải giải quyết rất nhiều vấn đề hóc búa.
Phan Hồng Minh chia sẻ, thời gian đầu, ban giám đốc công ty đã phải vào từng khu chợ, xóm trọ để tìm hiểm về nhu cầu của người giúp việc. Đến khi có được đội ngũ lao động rồi, công ty lại giải quyết từ vấn đề hướng dẫn lao động sử dụng ứng dụng cho tới giải quyết các vấn đề liên quan đến thái độ và nguyên tắc phục vụ.
Kinh doanh hướng tới cộng đồng
Con số Jupviec đạt được hiện vẫn còn rất nhỏ trong thị trường dịch vụ rộng lớn này. Phan Hồng Minh, CEO và là người sáng lập Jupviec, cho biết: "Thị trường vô cùng lớn, có rất nhiều người cần việc và người cần tìm người giúp việc. Mục tiêu của chúng tôi là cải tiến công nghệ, tăng tính tự động hóa để tăng chất lượng dịch vụ, giới thiệu thêm các dịch vụ mới và mở rộng hoạt động ra các tỉnh, thành".
Trước đó, giúp việc được xem là nghề không đòi hỏi chuyên môn cao, chưa có quy chuẩn để đánh giá là một khó khăn lớn. Do đó, khác với các mô hình kinh doanh khác, đối tượng của Jupviec đa số là phụ nữ ở khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, rất nhiều người ở các làng quê nghèo, ít có cơ hội học tập. Trong khi phía có nhu cầu thuê người giúp việc đa số có công việc với thu nhập tốt, cần có thời gian để tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội.
Thay vì mỗi gia đình chi trả trọn gói cho người làm mà vẫn khó tìm được người phù hợp, thông qua kết nối các nguồn lực, nhiều hộ tìm được người làm, đồng thời nhiều phụ nữ dễ dàng tìm thêm việc làm vào lúc rảnh rỗi để tăng thu nhập.
Mô hình Jupviec gây dựng đã góp phần thay đổi ngành giúp việc truyền thống, đưa quan điểm hiện đại về nghề vào dịch vụ, hướng thị trường theo cách chuyên nghiệp hơn.
Jupviec đi theo xu hướng dịch vụ giúp việc theo giờ với ưu điểm đặc thù của nền kinh tế chia sẻ là tiết kiệm chi phí, giảm tính phụ thuộc và thuận tiện cho khách hàng. Mô hình online kết hợp offline đã giúp họ tối ưu hóa nguồn lực và chi phí, đảm bảo phát triển ở quy mô lớn vẫn đáp ứng được chất lượng theo cách thức nhanh nhất mọi lúc và mọi nơi.
Bằng việc áp dụng công nghệ trong tuyển dụng, đào tạo và quản lý người lao động, họ tạo ra mô hình theo nhu cầu, giải quyết những khó khăn cụ thể ở các gia đình. Người lao động được sàng lọc và đào tạo đủ tiêu chuẩn trước khi cung ứng.
Jupviec cung cấp cho họ những kiến thức cơ bản về giúp việc gia đình, từ nấu ăn cơ bản, phân loại áo quần, cách chăm sóc trẻ... cho đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử chuyên nghiệp hơn, xử lý tình huống và tác phong làm việc hiện đại phù hợp với công việc cụ thể khách hàng yêu cầu, từ hộ gia đình đến dịch vụ tại các tòa chung cư, khu đô thị, cao ốc văn phòng...
CEO Phan Hồng Minh chia sẻ "Thách thức lớn thì cơ hội lớn. Sứ mệnh của chúng tôi là "thay đổi cuộc sống phụ nữ Việt Nam". Quan trọng nhất là sự kiên định với mục tiêu đề ra cùng thời gian đủ dài cho mô hình kinh doanh đã chọn lựa".