Startup cần có tư chất tự lực, tự cường, tự phát triển
Tiếp nối thành công của Diễn đàn Khởi nghiệp lần I và II, ngày 9/11, báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp lần thứ III với chủ đề "Hệ sinh thái Khởi nghiệp: Mô hình và hiệu quả thực tiễn"
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, thời gian gần đây, phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo đang được các bạn trẻ đón nhận và triển khai sôi động, tích cực trên cả nước. Rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã ra đời. Ngoài sự thành công của một số doanh nghiệp điển hình thuộc thế hệ thứ nhất (hình thành từ khoảng những năm đầu 2000) như Vinagames, VC Corporation (hay Vatgia) và các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) thuộc thế hệ thứ hai (hình thành từ khoảng những năm 2010)…thì thế hệ thứ ba là thế hệ doanh nghiệp nổi bật trong 2-3 năm gần đây trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục,nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giải trí, truyền thông.
Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ
Để nhân rộng quy mô và phát triển hơn nữa số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo Thứ trưởng cần phải xây dựng môi trường thuận lợi cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Việt Nam được đánh giá là nơi rất có tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Hiện tại, các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã đầy đủ và đang hỗ trợ tích cực cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Có thể thấy, trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã có đầy đủ các thành phần cho sự phát triển, với các DN khởi nghiệp chất lượng tốt, quỹ đầu tư mạo hiểm có uy tín, các cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoặc cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp với số lượng và chất lượng không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa thực sự phát huy được tiềm năng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp vẫn đang hoạt động rời rạc mà chưa có sự gắn kết, thiếu các cơ chế để huy động và phát triển các tiềm năng của hệ sinh thái.
Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy các nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như xây dựng hoàn chỉnh mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp cần sự vào cuộc không chỉ của chính phủ, các tổ chức khởi nghiệp mà còn cần đến rất nhiều từ nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi trước với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quá trình khởi nghiệp. Chính những doanh nghiệp đã thành công này sẽ quay trở lại đào tạo, bồi dưỡng chia sẻ kinh nghiệm, đầu tư vốn cho những doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Thêm vào đó công tác thông tin, tuyên truyền cũng rất quan trọng để cung cấp kiến thức, thông tin, tạo lập “văn hóa thất bại”. Tỷ lệ thành công ở khởi nghiệp tuy thấp nhưng chúng ta phải biết chấp nhận thất bại, qua thất bại mới đến thành công. Tư duy đó cần đưa vào lớp trẻ, vào những người mới khởi nghiệp.
“Điều quan trọng nữa trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST là phải xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các vùng miền với trọng tâm là các vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các trường Đại học trong cả nước. Thông qua đó giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Vùng và cả nước” – Thứ trưởng nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho hay, trong 2 năm qua các hoạt động khởi nghiệp ở nước ta đã có nhiều khởi sắc. Điều này thể hiện rõ quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Đảng trong việc xây dựng môi trường thuận lợi, nhằm tạo làn sóng khởi nghiệp cùng tinh thần doanh nhân mạnh mẽ trong xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch LP Group cho rằng, năm 2017 là năm “bản lề” cho việc thay đổi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Startup và các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Để Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, ông Lộc chỉ ra 3 nút thắt cần tháo gỡ nhanh. Một là ở góc độ quản lý, Nhà nước chỉ nên giữ vai trò điều phối và giám sát, trao quyền quyết định cho thị trường, để cộng đồng Startup chủ động tìm kiếm các hỗ trợ.
Hai là Chính phủ nhanh chóng thúc đẩy quá trình ban hành chính sách hỗ trợ và hướng dẫn thực thi toàn diện.
Ba là bản thân Startup cần có tư chất tự lực, tự cường, tự phát triển. Startup Việt cũng cần đặt trong mối tương quan về năng lực cạnh tranh và sức mạnh với Startup khu vực để có thể sánh bước và chứng minh với khách hàng, nhà đầu tư về khả năng thành công của mình.