Sử dụng đồ nhựa dùng một lần: Cần thay đổi nhận thức để bảo vệ tương lai
Vấn đề xuất phát từ nhận thức
Do mức giá rẻ lại tiện lợi sử dụng, đa phần các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng đồ uống, siêu thị tiện ích nhỏ lẻ đều sử dụng sản phẩm dùng một lần như hộp xốp, túi nilon, ly cốc, ống hút để đựng thực phẩm.
Việc sử dụng tràn lan đồ nhựa sử dụng một lần, trong đó có túi nilon có tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật…
Bên cạnh đó, các loại rác thải nhựa từ đất liền ra biển thông qua hệ thống nước thải hoặc bão sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương. Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.
Việc sử dụng tràn lan đồ nhựa sử dụng một lần, trong đó có túi nilon có tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác |
Theo kết quả nghiên cứu hành vi người tiêu dùng nhựa sử dụng một lần do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các đơn vị đồng hành thực hiện mới đây cho thấy: Túi nilon được sử dụng nhiều nhất với mức độ trung bình 3,5 chiếc/người/ngày, tiếp đến là chai nhựa với số lượng trung bình 1 chai/người/ngày và ống hút là 0,7 chiếc/người/ngày và hộp xốp 0,6 chiếc/người/ngày.
So sánh theo địa bàn, kết quả nghiên cứu cho thấy nơi nào có chương trình giảm thiểu túi nilon, phân loại rác từ nguồn do chính quyền địa phương phát động nơi ấy có số tiêu thụ lượng túi nilon thấp hơn. Cụ thể, tại xã Tân Hiệp (thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) là nơi có chương trình “Không sử dụng túi nilon” đã duy trì trong suốt 10 năm qua. Số lượng túi nilon sử dụng bình quân/người ở xã này là 0,3 chiếc/người/ngày, trong khi con số này ở địa phương không có chương trình nào là 3,9 chiếc/người. Còn ở những địa phương trong vòng 3 năm qua có chương trình phân loại rác từ nguồn hoặc giảm thiểu túi nilon, con số này là 3,4 chiếc/người.
Khu vực đô thị tiêu dùng nhiều túi nilon hơn khu vực nông thôn. Cụ thể là ở đô thị, số túi nilon là 3,8/túi/người trong ngày, con số này ở nông thôn là 3,2 túi/người. Không có sự khác biệt giữa nam và nữ về số lượng túi nilon được tiêu thụ trong ngày (tại thời điểm khảo sát).
Chia sẻ về thói quen sử dụng nhựa dùng một lần, chị Thu Hà (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Những suất cơm bình dân, bún, phở với giá 30.000 - 40.000 đồng/suất nên vật liệu đóng gói phải chọn loại rẻ nhất. Nhiều quán còn đựng bún, bánh phở, rau sống, nước canh trong túi nilon, khi mở ra thấy mùi nhựa nồng nặc”.
Biết là có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các quán ăn đều sử dụng loại này, người tiêu dùng cũng đành “tặc lưỡi”. Có những người cẩn thận mang cặp lồng đi mua đồ ăn, song chủ nhà hàng vẫn sử dụng túi nilon để đựng gia vị, rau sống, đồ ăn kèm”.
Gia tăng các hệ lụy đối với sức khỏe người sử dụng
Thời gian qua, các tổ chức môi trường quốc tế cũng như nhiều quốc gia đang kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nilon. Muốn làm được điều này, trước hết, chúng ta phải bắt đầu từ việc giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần và thay vào đó, tập thói quen dùng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: Túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy, túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần…
Bên cạnh đó, việc tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường.
Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác. Việc tái chế này đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Ví dụ, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, đựng các đồ dùng khác hoặc làm đồ trang trí như ống cắm bút, chậu hoa…
Mỗi người, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 hiện nay |
Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014), các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là các địa phương có biển, để triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường biển.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” với nhiều hoạt động truyền thông ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa và khuyến khích người tiêu dùng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương (Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: “Mặc dù phần đông người dân nhận thấy tình trạng ô nhiễm chất thải rắn trong môi trường sống xung quanh, nhưng rất nhiều người chưa sẵn sàng sử dụng vật liệu thay thế túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa dùng một lần”.
Việc gia tăng tình trạng sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong những năm qua đã khiến lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra môi trường ngày càng lớn, trong khi việc quản lý, thu gom, xử lý rác chưa kịp thời, nên hiện tượng đốt rác thải nhựa, túi nilon còn rất phổ biến. Những vật liệu này được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, trong đó có dioxin và furan là những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và đặc biệt là có nguy cơ gây ung thư.
Để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, mỗi người, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 hiện nay. Mọi người cần duy trì thói quen sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường khi đóng gói thực phẩm và đưa phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” lan tỏa rộng rãi.