Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo thành công của dịch vụ công
Việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực hành chính và dịch vụ công, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Bài liên quan
65 dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG năm 2020
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 mang lại nhiều thuận lợi cho tổ chức, công dân
Quý II, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, cấp BHYT
Người dân sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, hạn chế tối đa lây nhiễm do Covid-19
Bắt đầu thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia
Trên 23 triệu lượt truy cập tìm hiểu và thực hiện dịch vụ công quốc gia
Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh dịch Covid-19
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có Thư ngỏ về việc sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Thư ngỏ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và người dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.
Sau gần 4 tháng đi vào hoạt động (từ ngày 9/12/2019), đến nay đã tích hợp đăng nhập một lần từ Cổng dịch vụ công quốc gia tới 13 Bộ, ngành; 63/63 địa phương; 5 tập đoàn, ngân hàng thương mại. Có 14 Bộ, ngành; 63/63 tỉnh, thành phố đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 104 nghìn tài khoản đăng ký; 27,7 triệu lượt truy cập; trên 4,3 triệu lượt hồ sơ đồng bộ trạng thái phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng |
Đặc biệt, đã có trên 23 nghìn hồ sơ xử lý thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ 8 nhóm dịch vụ công tại thời điểm khai trương, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 228 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã được vận hành, phục vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công.
Các Bộ, ngành, địa phương đã chuẩn hóa, công khai 6.982 thủ tục hành chính, trong đó cắt giảm, bãi bỏ 584 thủ tục hành chính hết hiệu lực, trùng lặp; xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa 10.000 câu hỏi và trả lời các vướng mắc thường gặp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Sau khi sử dụng dịch vụ, nhiều ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp đã đánh giá rất cao tính ưu việt của Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trọng tâm của công tác cải cách thủ tục hành chính là tăng cường hình thức giao dịch trực tuyến để giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và chính những người thực hiện với nhau.
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần cắt giảm tối đa những thủ tục không thực sự cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa theo hướng chỉ đạo của Thủ tướng. Cụ thể là tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ, thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hồ sơ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết, cũng như tiếp tục thực hiện chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Đặc biệt, những thủ tục liên quan tới kinh tế, đầu tư, thương mại cần phải được tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp dồn sức sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời.
Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điển hình như Bộ Công thương vừa trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP cắt giảm, đơn giản hóa thêm 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý.
Phát huy tính ưu việt của Cổng dịch vụ công quốc gia
Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19” và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị các cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hãy truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng ký tài khoản và thực hiện theo hướng dẫn tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực xây dựng hạ tầng vận hành chính quyền điện tử, trở thành địa phương tiên phong tham gia Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần xây dựng chính phủ điện tử. Sự nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ đó cũng được người dân, doanh nghiệp tin yêu, đánh giá cao.
Chia sẻ về những tiện ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chị Trần Thị Minh Hải (ở 24 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Tôi vừa thực hiện xong thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch tại UBND xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Trước khi làm, tôi nghĩ việc này rất khó và không thể thực hiện được. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn, tôi đã ở nhà đăng nhập các thông tin để nộp hồ sơ qua mạng internet nên giảm được thời gian đi lại, chỉ cần một lần duy nhất đến trụ sở UBND xã để lấy kết quả”.
Tương tự, anh Bùi Văn Hiệp (Công ty cổ phần Tư vấn quản lý dự án Việt Nam) cho hay, việc đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến cũng dễ dàng khi anh thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Anh Hiệp nói: "Tôi chỉ cần thao tác điền thông tin khoảng 10 - 15 phút là xong, bao gồm cả việc tải các tài liệu đính kèm là bản scan, ảnh chụp tài liệu gốc. Vì gần nhà nên tôi đã tự đến bộ phận “Một cửa” của Sở Xây dựng Hà Nội lấy kết quả, nếu đăng ký trả kết quả tại nhà thì mình sẽ không phải đi lại lần nào.
Ưu điểm của nộp hồ sơ qua mạng là nếu hồ sơ chưa đủ thì cán bộ sẽ phản hồi để mình bổ sung trực tuyến luôn chứ không phải đến tận nơi như trước đây nộp bản giấy. Việc này giúp tôi tiết kiệm nhiều thời gian và công sức đi lại”.
Việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực hành chính và dịch vụ công |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành gây nhiều hệ lụy như vậy, việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia một lần nữa cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực hành chính và dịch vụ công.
Theo đó, người dân, doanh nghiệp không phải đến trụ sở cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp, tiếp xúc trực tiếp với cán bộ giải quyết mà chỉ cần lập một tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia là có thể giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công ở nhiều Bộ, ngành, địa phương khác nhau.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp sinh sống, học tập hoặc làm việc ở Hà Nội nhưng có thể làm thủ tục đổi giấy phép lái xe ở các địa phương rất xa mà không phải về tận nơi như trước. Doanh nghiệp một lúc, một lần có thể thực hiện xong thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại đến 63 địa phương. Đây chính là giải pháp góp phần thực hiện giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc hưởng ứng của cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thời gian qua, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm do dịch Covid-19 gây ra.