Sự thật động trời phía sau động cơ công bố nước mắm chứa asen gây hoang mang dư luận
![]() |
![]() |
Nghi vấn về thế lực đứng đằng sau VINASTAS?
Thứ nhất, sau khi một số trang báo phản ánh nhiều loại nước mắm pha chế có thành phần chủ yếu là hóa chất, một nhà sản xuất nước mắm công nghiệp (nước mắm CN) liền có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị “chỉ đạo thanh tra toàn diện, đặc biệt là giới hạn ô nhiễm asen trong nước mắm”. Chỉ sau mấy ngày, VINASTAS tổ chức họp báo công bố kết quả nói trên.
Đã có rất nhiều vụ thực phẩm không an toàn bị phát hiện khiến NTD hoang mang nhưng có mấy khi thấy VINASTAS xuất hiện, chưa nói đến việc vào cuộc điều tra. Thậm chí có khi nghi ngờ hàng giả, hàng kém chất lượng người dân phản ánh nhưng VINASTAS chỉ ghi nhận rồi để đấy, không có xử lý hay phản hồi gì. Vậy mà không hiểu sao vụ nước mắm VINASTAS lại chủ động, xăm xắn vào cuộc quyết liệt và nhanh gọn đến thế?
Thứ hai là VINASTAS đi khảo sát và kiểm nghiệm chất lượng nước mắm khi chưa có sự đồng ý của các bên liên quan và cũng không có sự phối hợp của các ban ngành đơn vị nào khác. Sau khi có kết quả VINASTAS cũng vội vàng công bố khi không được sự thống nhất và đồng thuận của bất kỳ hội đồng hay hội thảo khoa học nào.
Điều này khiến dư luận nghi ngờ: Phải chăng VINASTAS thực hiện việc này theo một “đơn đặt hàng” nào đó? Việc VINASTAS tự kiểm nghiệm nước mắm rồi lên diễn đàn công bố theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) là lộn xộn và không được phép. Nếu như Hội vì quyền lợi NTD phát hiện ra vấn đề thì phải đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc xử lý việc đó.
![]() |
Quảng cáo của 2 hãng nước mắm sau khi VINATAS công bố kết quả khảo sát về asen
Việc VINASTAS công bố như vậy là vi phạm pháp luật, vì người công bố chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không là thẩm quyền của Bộ Y tế. Hội là Hội chứ sao lại làm thay cơ quan quản lý Nhà nước được?
Thứ ba là để làm bất cứ việc gì cũng cần phải có kinh phí, nhất là việc khảo sát và kiểm nghiệm hơn trăm mẫu nước mắm thì chắc chắn phải cần số tiền lớn. Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký VINASTAS thừa nhận có nhà tài trợ để thực hiện cuộc khảo sát nhưng khẳng định Hội không nhận bất cứ đồng nào của doanh nghiệp!?
Thứ tư là, VINASTAS thừa biết asen hữu cơ vốn an toàn còn asen vô cơ thì mới độc nhưng vẫn gom lại rồi nói chung chung là hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định. Việc đưa thông tin mập mờ tất yếu gây hiểu nhầm và hoang mang trong dư luận. Đặc biệt VINASTAS còn nhấn mạnh nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng asen càng lớn. Hệ quả là hàng loạt nhãn hiệu nước mắm truyền thống có độ đạm cao bị hạ uy tín.
Lúc này thì rõ ràng lợi thế sẽ thuộc về các thương hiệu nước mắm CN chỉ có một chút độ đạm, còn lại là các thành phần pha chế. Điều này khiến dư luận đặt ra mối nghi ngờ có bàn tay của các ông lớn ngành nước mắm CN đứng đằng sau vụ việc này?
Vụ việc này có quá nhiều sự bất thường và còn được “tiếp tay” bởi truyền thông cẩu thả khiến sự việc càng trở nên tai hại. Chính Bộ trưởng Bộ Truyền thông & Thông tin Trương Minh Tuấn đã tiết lộ:“Tôi còn nghe nói có thể những người tổ chức chiến dịch truyền thông này bảo với nhau rằng chỉ cần thông tin ban đầu đó tồn tại trên báo điện tử vài ngày, sau đó dù có bị gỡ bỏ thì cũng đã đạt được mục đích gây sợ”. Ông cho rằng chứng tỏ ở đây đã có sự câu kết vì lợi ích cá nhân và rất cần các cơ quan Nhà nước vào cuộc điều tra.
Nước mắm CN “cười”, nước mắm truyền thống “khóc” sau công bố của VINASTAS
![]() |
Bộ trưởng Bộ Truyền thông & Thông tin Trương Minh Tuấn
Sau khi thông tin xấp xỉ 100% nước mắm độ đạm cao chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép lan truyền trên khắp các mặt báo, không chỉ người tiêu dùng (NTD) hoang mang mà ngành sản xuất nước mắm truyền thống cũng bị đẩy vào cơn điêu đứng. Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm phản ánh, các siêu thị, các nhà phân phối đang yêu cầu giải trình, giải thích cho từng khách hàng, chưa kể một số khách hàng đòi trả lại nước mắm đã mua. Thậm chí, có siêu thị còn tuyên bố tạm ngừng bán một số mặt hàng nước mắm truyền thống và chờ nhà sản xuất cung cấp giấy kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Điểm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất kinh doanh nước mắm Hưng Thịnh, cho biết đã có kẻ gian không biết từ đơn vị nào đi đến các chợ, nhà phân phối để phát tờ rơi tuyên truyền nước mắm truyền thống nhiễm asen. Ông Điểm lo sợ nếu thông tin này lan truyền ra ngoài thế giới có thể giết chết ngành nước mắm truyền thống bởi ông và nhiều doanh nghiệp khác có xuất khẩu mặt hàng nước mắm. Chính vì thế nhiều hiệp hội nước mắm lớn đã chính thức có đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành yêu cầu làm rõ về thông tin nước mắm chứa asen.
Trong khi nước mắm truyền thống điêu đứng như vậy thì nước mắm CN lại tỏ ra vui mừng “ra mặt” sau vụ việc này, bởi theo danh sách được tiết lộ thì hầu hết các loại nước mắm CN đều đạt quy định về asen. Bằng chứng là chỉ 2 ngày sau khi danh sách nước mắm chứa asen không đạt chuẩn được tiết lộ thì đã có 2 thương hiệu nước mắm CN tung ra thị trường đoạn quảng cáo với tuyên bố "đạt chuẩn an toàn thạch tín".
![]() |
Thông thường một chiến dịch PR quảng cáo cho một sản phẩm nào đó phải mất khá nhiều thời gian để lên ý tưởng và thực hiện. Vậy mà chỉ trong thời gian có 2 ngày, thương hiệu nước mắm CN kia đã kịp tung ra quảng cáo nhanh chóng lại đúng vào thời điểm này hẳn là phải có kế hoạch và sự chuẩn bị từ trước đó?!
Đây là chiêu đánh gục đối thủ khá bất ngờ và tinh quái của nước mắm CN. Bởi trong số hơn 200 triệu lít nước mắm được tiêu thụ trên thị trường mỗi năm thì có đến 76% là nước mắm CN (nước mắm truyền thống chỉ chiếm 24%).
Bằng những lời quảng cáo hoa mỹ cùng hình ảnh hấp dẫn trên truyền hình, cộng với khẩu vị vừa vặn, ngon ngọt do đã được pha chế, giá cả lại phải chăng nên nước mắm CN đã “lấy lòng” được hầu hết NTD. Khi đã tạo được lòng tin của NTD, nước mắm CN bắt đầu tấn công thị trường bằng chiêu tiếp thị sản phẩm. Vào bất kể siêu thị hay cửa hàng tạp hóa nào của Việt Nam, ở khu vực gia vị nước chấm đập ngay vào mắt NTD là các nhãn hiệu nước mắm CN đủ chủng loại.
Ít ai biết rằng nước mắm được ẩn dưới tên gọi nước chấm mục đích là để lấp liếm độ đạm quá thấp. Nhiều khi độ đạm được in ở rất nhỏ 1 góc trên vỏ chai nước mắm khiến NTD không để ý. Nước mắm CN lại được pha chế ngon miệng và hợp khẩu vị với nhiều người. Chính vì vậy nước mắm CN ngày càng được “chắp cánh” vươn xa lớn mạnh, còn nước mắm truyền thống thì ngày càng kiệt quệ và thu hẹp thị phần!
Cục Quản lý cạnh tranh cho hay sẽ vào cuộc điều tra nếu doanh nghiệp mắm truyền thống khởi kiện. Nếu như vậy, sẽ làm rõ được động cơ, truy ra sự câu kết, xác định mức độ sai phạm và hậu quả của của sai phạm để xử lý nghiêm minh và thông báo đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ có sự công khai, minh bạch mới xóa tan được nỗi hoang mang, sợ hãi của người dân, mới cứu được ngành sản xuất nước mắm truyền thống khỏi cơn điêu đứng.
Linh Anh
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả

Phú Yên lập tổ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại,hàng giả

Thu giữ 11 tấn thực phẩm "bẩn" tuồn vào thị trường

Đà Nẵng: Xử phạt hai cơ sở bán hàng hiệu giả, buộc tiêu hủy

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh "dẹp loạn" hàng giả

Hà Quảng (Cao Bằng): Thu giữ 656kg nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc

Lãnh đạo UBND TP Hội An yêu cầu cấp dưới kiểm điểm trách nhiệm

Trùng Khánh và Hà Quảng (Cao Bằng): Thu giữ 1.128 kg nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc

Huyện Nhơn Trạch rà soát nhầm đất dân là đất công
