Suy ngẫm từ bài thơ "Có thể thế chăng"?
Có thể thế chăng?
Nguyễn Hồng Vinh
Anh sẽ đến tận cùng sông gặp bể
Tìm em nơi có những cánh buồm
Và leo lên đỉnh Phanxipăng giữa mùa gió tuyết
Đón em về, sưởi bằng trái tim anh
Anh bỏ bữa, quên ăn
Thấy quanh mình chỉ là hoang hoải
Chắc em đang vít rượu cần cùng bạn
Còn anh như lạc vào hang sâu giá lạnh
Chung quanh xào xạc lá rừng
Lẽ nào đời chỉ còn dấu chấm?!
Có thể là nay mai
Kỷ niệm đẹp đôi ta thuộc về quá vãng
Có thể là trên chặng đường tìm trốn
Em gặp lại người bạn vong niên?
Họ đưa em đến rừng hoa sắc màu vô tận?
Cái hữu hạn đã thành vô hạn
Cái vô hạn lại như bị đóng khung
Bao ước vọng nâng giấc đời anh
Bỗng tan vụn vì bóng em xa ngái!
Như giông bão nối nhau, đến lúc cũng phải ngưng
Dẫu khổ đau trên thế gian này mãi còn hiện hữu
Ta vẫn cần sẻ chia
Anh vững tin tình yêu chúng mình trở lại!...
Tháng 7/2023
Xem một số báo điện tử và báo giấy cũng như trên truyền hình, tôi được đọc, được nghe nhiều bài của PGS. TS. nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Với nhiều mảng mầu, nhiều đề tài, nhưng có lẽ nhiều hơn tất cả vẫn là thơ về tình yêu, thật đa dạng: Tình yêu con người, lứa đôi, yêu cha mẹ con cái, yêu thiên nhiên, đất nước… Bàn về cái yêu trong thơ anh Hồng Vinh, xin trích lại lời của Bạch Cư Dị, nhà thơ đời Đường, nổi tiếng của Trung Quốc: “Thi giả căn tình, mưu ngôn hoa thanh nghĩa thực”.
Tức là mọi thính giả, độc giả khi chiêm ngưỡng bài thơ, đầu tiên người ta tìm chữ tình trong đó, rồi sau mới đến mưu ngôn (lời là mầm) hoa thanh (âm thanh như hoa) và nghĩa thực: Tức kết quả của bài thơ mang lại cho ta, cho cộng đồng những gì. Tôi không theo cách bình riêng rẽ về một bài thơ, mà nhân bài thơ Có thể thế chăng, vừa đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô, tôi muốn nói nhiều hơn một chút về Tình yêu trong thơ anh.
Qua nhiều bài trong các tập thơ đã xuất bản, ta thấy anh vốn có một tiềm chất và một khối tố chất đáng trọng chứa chất trong tâm hồn yêu thương bất tận của mình. Hầu như anh luôn luôn kỳ vọng và khao khát cháy lòng với những gì anh nghĩ và viết, nên được nhiều người đón nhận bằng cả trái tim đam mê nghệ thuật. Anh quả là một con người mạnh mẽ và tràn đầy nhiệt huyết với nàng thơ. Thật vi diệu qua câu thơ: Và leo lên đỉnh Phan xi Phăng giữa mùa gió tuyết / Đón em về, sưởi bằng trái tim anh!
Thật lãng mạn và chứa đựng chất men tình trong từng câu, từng chữ. Bằng một giọng thơ nhẹ nhàng, không cầu kỳ, không hoa mỹ, nhưng dễ dẫn dụ bao người đọc đồng cảm, sẻ chia. Anh đã thật sự thành công khi đưa triết lý cuộc đời vào thơ một cách hồn nhiên và thuyết phục: Cái hữu hạn đã thành vô hạn/ Cái vô hạn lại như bị đóng khung. Tình yêu lứa đôi vốn chỉ diễn ra ở người con trai và người con gái (cái hữu hạn), nhưng nếu người con gái lại đang đi với người bạn vong niên tới một vườn hoa sắc màu vô tận (cái vô hạn). Mà chính tình yêu của người con trai dành cho người con gái mênh mông như biển cả. Hóa ra “cái vô hạn” lại bị đóng khung! Vì cô ta đang đi theo người khác.
Theo tôi, đây là hình tượng đắt giá trong bài thơ mà tác giả đã khéo léo sử dụng cặp phạm trù triết học (hữu hạn - vô hạn), khái quát được tâm trạng có phần chán chường của nhân vật “tình” mà người đọc có thể sẻ chia trong cuộc đời này. Tình yêu là thứ men say đắm nhưng cũng có lúc đậm, lúc nhạt, lúc nét, lúc nhòa. Tuy nhiên nếu có lòng tin và sự khoan dung thì kết cục (Thực): Ta vẫn cần sẻ chia / Anh vững tin tình yêu chúng mình trở lại. Đọc biết bao nhiêu bài thơ Tình yêu của anh Hồng Vinh, dẫu tình tiết bài thơ có ly kỳ đến đâu và ở trạng huống nào, dù thời bình cũng như thời chiến, thì phần kết vẫn luôn hướng tới sự lạc quan, truyền lửa yêu thương và hy vọng tới nhiều lớp người.
Chính vì thế, mà tình yêu trong thơ anh luôn tồn tại ý nghĩa tuyệt vời của cái đẹp, thông qua việc cho và nhận trong cuộc đời, khi cuộc sống này còn hiện diện nhiều nỗi đau và sự đổi chác trong tình yêu. Mê đắm trong tình yêu là điều đáng quý, nhưng thơ Hồng Vinh không hạ thấp phẩm giá con người. Trái lại, nó làm cho tâm hồn thanh cao cơ sở của tình yêu được bền chặt và thăng hoa. Trong bài thơ này, tôi nể phục cách Hồng Vinh dùng chữ và biến hóa ngôn từ hợp với hoàn cảnh và tâm trạng. Do vậy đã thực sự cảm hóa người đọc.
Tôi nhớ lại, khi Nguyễn Hồng Vinh còn đảm nhiệm nhiều công tác của Đảng, Nhà nước giao cho, như Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương… anh đã có hàng trăm bài chính luận sắc sảo và nhiều tập thơ cảm hóa người đọc. Phải chăng vì lẽ đó, nhiều nhạc sĩ đã chọn hàng chục bài thơ của anh để phổ nhạc? Cùng với 4 tập chính luận mang tên GIỮ LỬA đã xuất bản với hơn 2.000 trang được nhiều nhà khoa học phân tích đánh giá cao là một ví dụ điển hình về sức đọc, sức viết của Nguyễn Hồng Vinh. Giờ đây đã xấp xỉ bát thập, anh vẫn đam mê viết chính luận và làm thơ.
Tôi thành tâm chúc anh có thêm những mùa trái ngọt!
Hà Nội, tháng 7/202