Màu hoa phượng - màu khát vọng của lứa đôi
Gian nan tìm hạnh phúc Hạnh phúc là thấu cảm và sẻ chia Nguyễn Hồng Vinh nhắn nhủ "Tơ sen mãi kết tình ta" Sen ngát hương đời Những tiếc nuối gửi mùa hoa năm cũ |
BÂNG KHUÂNG NGẮM PHƯỢNG
Nguyễn Hồng Vinh
Chiều đứng trên sân thượng
Ngắm hàng phượng công viên
Cánh phượng hồng đang rơi
Còn phượng vàng bung nở
Có phải “em” thay “chị”?
Níu công viên lung linh
Có phải em “trải thảm”?
Ghế đá mềm nhớ nhung
Nuối tiếc mùa phượng qua
Thời phổ thông cuối cấp
Thư gửi em từng xấp
Sao hồi âm biệt tăm?!
Hết năm đầu sinh viên
Anh lên đường ra trận
Túi cánh hồng em tặng
Theo dặm dài hành quân
Chiến trường lùi vào trong
Băng qua đầm hoa súng
Mảnh đạn sạt bên sườn
Hình em, quên đau đớn…
Cả một đời người lính
Phượng đỏ và phượng vàng
Lục bình trôi tím ngát
Hiện hình từng trang văn…
Tháng 6/2023
Lời bình của Cao Văn
Đã có bao người viết về hoa phượng, trong đó có ca khúc nổi tiếng “Thành phố hoa phượng đỏ” với màu hồng rực rỡ trên thành phố Hải Phòng rộn ràng sức sống. Nhưng với bài thơ Bâng khuâng ngắm phượng của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, tác giả tập trung khai thác mối quan hệ của con người với sắc phượng giữa thiên nhiên đầy nắng gió.
Lòng người và cỏ cây đang có sự đồng điệu tạo nên cảm hứng thi ca dào dạt. Vào một chiều mùa hạ, đứng trên tầng cao ngắm hàng cây công viên, thấy “cánh phượng hồng đang rơi”, nhưng phượng vàng lại “đang bung nở”, làm tâm hồn tác giả bỗng xao xuyến, bâng khuâng. Nỗi niềm ấy hình như đã hằn sâu ký ức của tác giả ở thời trai trẻ trong những năm tháng đã qua?!
Ở khổ thơ thứ 2, tác giả sử dụng câu hỏi tu từ với hình tượng nhân cách hóa, diễn tả những cánh phượng rơi “như trải thảm” ghế đá công viên: Có phải “em” thay “chị”? / Níu công viên lung linh / Có phải em “trải thảm”? / Ghế đá mềm nhớ nhung”. Hình tượng "mềm nhớ nhung" là ví von đắt giá, nói thay tâm trạng của những lứa đôi khi cảm xúc dâng trào, cần tìm đến ghế đá để sẻ chia, tình tự…
Khổ thơ thứ 3 nói sự tiếc nuối của tuổi học phổ thông cuối cấp, những cánh thư viết tay đã gửi đi cứ dài theo năm tháng nhưng không có bất cứ một hồi âm?! Điều ấy làm cho nhiều chàng trai băn khoăn, nghi ngại. Phải chăng tình yêu tuổi học trò không được đón nhận? Đây không phải là hiện tượng hiếm hoi của nhiều bạn trẻ đã trải qua một thời mơ mộng, thầm yêu trộm nhớ, nhưng rụt rè, e ấp. Có lẽ tác giả cũng đang nói thay cho chính mình?!
Khổ thơ tiếp theo đã “hóa giải” những bâng khuâng, chờ đợi khi vào năm cuối sinh viên, chàng trai nhận được: “Túi cánh hồng em tặng” lúc anh lên đường nhập ngũ. Và chính “túi hồng” ấy đã gói ghém tình cảm của em theo anh suốt dặm dài hành quân, trở thành giá trị tinh thần lớn lao để anh vượt qua đau đớn khi “mảnh đạn sạt bên sườn”.
Cả một đời lính, anh đau đáu nghĩ đến màu hoa phượng và bóng dáng em. Đây cũng chính là cảm hứng để anh sáng tạo những trang thơ văn ngời sáng tình yêu đôi lứa, vượt qua nhung nhớ, thương đau trong cuộc chiến tranh tàn khốc, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước ta.
Có thể nói, tác giả bài thơ đã thành công khi mượn sắc màu loài hoa đặc trưng ở miền Bắc và ở vùng đồng bằng Nam Bộ mênh mông “lục bình trôi tím ngát” để diễn tả sức mạnh của tình yêu lứa đôi, tình yêu Tổ quốc.
Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ, hình ảnh trong trẻo, giản dị, gần gũi của người từng trải, đã một thời ở Trường Sơn lửa máu, nhưng đến nay, vẫn giữ được hồn thơ trẻ trung, giàu sức tưởng tượng, sát với tâm trạng của những cặp gái trai một thời chinh chiến, mang lý tưởng, lẽ sống cao đẹp của lớp lớp thanh niên Việt Nam - cội nguồn sức mạnh vượt qua đạn bom, vượt qua cái chết, để có hòa bình hôm nay!
Theo tôi, giá trị tư tưởng của bài thơ nằm ở đoạn kết thúc này với nghệ thuật “gói vấn đề” khéo léo bằng hình tượng sắc màu của hoa, mang sức gợi sâu vào sự lắng đọng lâu bền trong lòng người đọc.
Cảm ơn tác giả Nguyễn Hồng Vinh đã cho tôi cảm nhận được bóng dáng và tâm trạng mình trong đó.