Tác giả “Vắt qua những ngàn mây” và hành trình khám phá vẻ đẹp Việt
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng và đại diện Chibooks tại buổi giao lưu, ra mắt sách "Vắt qua những ngàn mây" tại Hà Nội
Bài liên quan
Ca sĩ Đinh Trang ra mắt MV kỷ niệm 10 năm ca hát chuyên nghiệp
H’Hen Niê đòi làm “chú rể” tình cảm với “cô dâu” Tường Linh
Cùng phụ huynh và học sinh “Ứng phó với stress học đường”
Cuộc thi “Phù thủy không gian” có tổng giá trị giải thưởng 1 tỉ đồng
"Vắt qua những ngàn mây" là tập hợp những bài viết trong hành trình đi xuyên dải đất hình chữ S của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Ở mỗi vùng đất, từ miền phía Bắc Tổ quốc, băng qua dải đất miền Trung nắng gió, tới miền Nam sông nước, tác giả đều ghi lại những câu chuyện cuộc sống sinh động, nơi mỗi vùng đất đều có những đặc sản tạo nên nét đẹp riêng của mình, nơi con người hòa mình trong thiên nhiên, yêu mến và khao khát gìn giữ vẻ đẹp vốn có của quê hương đất nước.
Điểm đặc biệt của cuốn sách này không chỉ dừng lại ở việc khám phá phong cảnh đẹp của đất nước mà còn giúp độc giả khám phá được những nét đẹp văn hóa của từng vùng miền đất nước ta.
Đỗ Quang Tuấn Hoàng cho biết, trong các chuyến đi của mình, anh cảm nhận được rất nhiều điều. Chẳng hạn, ngoài cảnh quan môi trường sống đẹp, người Mông có văn hóa rất đặc sắc. Những trang phục của phụ nữ Mông là những chiếc váy đẹp nhất. Hay như tiếng khèn, người Mông có đến 360 điệu khèn khác nhau và diễn tả được hết trong tri thức bản địa.
Bìa cuốn sách "Vắt qua những ngàn mây" của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng |
Một điều quan trọng nữa, người Mông rất kiên cường và lãng mạn. Chẳng hạn ở cao nguyên đá Đồng Văn, 6 tháng mùa khô không có nước, người ta phải vét từng nhúm đất trong hốc đá để trồng lương thực, đập đá để trình tường nhưng chưa bao giờ than van mà biến cuộc sống của mình trở nên bài ca rất đẹp.
Ấn tượng sâu sắc nhất của tác giả trong những nét đẹp văn hóa đó ở các vùng miền mà anh đã đi qua trong cuốn sách.
Tác giả với tư cách là một nhà báo, một tour guider từng nhiều năm đưa khách nước ngoài du lịch khám phá các vùng miền núi phía Bắc chia sẻ rằng khách nước ngoài rất thích thú trước cảnh quan đẹp và văn hóa độc đáo của Việt Nam. Trong xu thế ngành du lịch thế giới, người ta thích đi theo từng nhóm nhỏ và ở rất lâu.
Ví dụ những khách người Nhật Bản tháng nào cũng sang Việt Nam ở nửa tháng, đi chụp ảnh, viết sách. “Tôi vừa dẫn một khách Thái Lan, hơn 1 năm nay tháng nào cũng sang để vẽ khắp các vùng đồng bào dân tộc. Một trong những giá trị so sánh của Việt Nam đấy chính là văn hóa đặc sắc mà rất nhiều người làm trong ngành du lịch mới chỉ khai thác vẻ ngoài ấy là cảnh quan. Chính vì thế tôi muốn đi vào hồn cốt của cảnh quan. Trong quá trình đi làm, tôi đã chắt lọc các tri thức bản địa để làm nên cuốn sách này”, Đỗ Quang Tuấn Hoàng tâm sự.
Tác giả cũng đề xuất những biện pháp để gìn giữ, phát triển văn hóa bản địa tránh bị tác động của văn hóa ngoại lai, đặc biệt vẫn phát triển được trong một xã hội hiện đại, nhanh, gấp, toàn cầu hóa như ngày nay.
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng |
Anh nhận định luôn luôn có sự xung đột với hai chiều hướng khác nhau trong làm du lịch. Nếu không có khách đến thì không quảng bá được văn hóa của mình. Nhưng khi có quá nhiều khách du lịch đến thì văn hóa, cảnh quan lại bị ồn ào pha tạp. Cách mà các anh làm là có năng lực từ chối, giảm bớt lượng khách để họ vừa trải nghiệm được văn hóa bản địa vừa tôn trọng đời sống của nhân dân địa phương.
Tác giả vốn là người yêu thích văn hóa trà, thậm chí từng mở tiệm trà, giới thiệu nhiều trà quý của dân tộc miền núi phía Bắc.
Anh chia sẻ: “Tôi làm trà từ năm 1997, mê uống trà rồi tìm hiểu những vùng trà ngon, đặt trà đi bán cho khách. Việt Nam là một trong những cái nôi của trà thế giới. Cái quan trọng nhất nhiều người quen nghĩ chỉ có Thái Nguyên mới có trà ngon. Vùng trà ngon là phải từ 800m so với mực nước biển trở lên, ở các vùng dân tộc người Tày, người Dáy, người Dao, Hà Nhì, Lô lô…
Độc đáo ở chỗ, không chỉ có những cây trà cổ thụ, người ta có cả nền văn hóa trà thể hiện ở chỗ họ uống trà hàng ngày, dùng trà làm thuốc chữa bệnh, trong đám cưới có những bài hát về trà. Nam nữ giao duyên hát với nhau cũng hát về trà. Các tri thức bản địa về làm trà sao cho ngon và ngay cả khi chết đi người ta cũng phải cúng trà cho người thân về với ông bà tổ tiên. Đó là những điều hết sức thú vị. Cùng với cây lúa thì có lẽ cây trà là cây gắn bó với con người suốt từ sinh ra đến lúc mất đi”.
Tác giả sẽ chia sẻ về kế hoạch sáng tác sắp tới. Theo đó, mỗi năm anh cố gắng viết một cuốn sách. Đỗ Quang Tuấn Hoàng tiết lộ anh đang chuẩn bị cho ra mắt hai cuốn về thổ cẩm và về các chợ. Đó cũng là sự chắt lọc từ các hành trình đi tìm những gì thú vị nhất để chia sẻ với độc giả.
Tại buổi ra mắt sách, Chibooks cũng phát động cuộc thi viết: Du ký khám phá văn hóa Việt với mục đích: Nhằm khơi gợi những khám phá về những giá trị văn hóa Việt tại nhiều vùng miền cho thế hệ trẻ.
Thời gian dự thi từ 17/8/2019 – 17/8/2021
Thể lệ cuộc thi:
Tác giả viết bài và gửi vể email: chibooks.xuatban@gmail.com
Thường xuyên truy cập Facebook Chibooks để biết thêm chi tiết.
Bản thảo chân thực, hấp dẫn, lôi cuốn về những chuyến hành trình của bạn, đủ độ dài để in thành một cuốn sách ít nhất 200 trang (tương đương 70.000 từ).
Các bản thảo đạt chất lượng sẽ được nhận in và trả nhuận bút.