Tại sao linh vật con ong lại xuất hiện trong lễ hội Trung thu thành cổ Sơn Tây?
Không khí Trung thu cổ truyền tràn ngập thị xã Sơn Tây |
Núi vàng sinh mật ngọt
Ôm sát hồ nước ngọt Đồng Mô rộng lớn, xã Kim Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) có đặc điểm địa lý độc đáo với mặt nước mênh mông và mảng xanh bát ngát. Từ lợi thế đó, nghề nuôi ong đã nảy nở và phát triển khá mạnh mẽ tại địa phương này.
Ông Vũ Huy Nam - Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn cho hay, nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã có cách đây hơn 30 năm nhưng ở thời điểm đó chỉ dừng lại ở các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ, tự phát.
Đến năm 2007, nhận thấy giá trị kinh tế cao nên các hộ dân trong xã Kim Sơn đã thành lập câu lạc bộ nuôi ong lấy mật với 11 thành viên.
Mô hình đèn Trung thu với linh vật con ong của xã Kim Sơn |
Cũng từ lúc đó, nghề nuôi ong ở Kim Sơn phát triển mạnh, chỉ trong thời gian ngắn, câu lạc bộ có thêm hàng chục hộ thành viên đăng ký tham gia, nâng số lượng lên hơn 4.000 đàn ong, chủ yếu là giống ong nội, sản lượng mật đạt khoảng 35.000 - 40.000 lít/năm.
Cùng với sự giúp đỡ của các sở, ban ngành thành phố, thị xã Sơn Tây cũng đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Mật ong Kim Sơn”.
Ngoài ra, đầu năm 2018, Tổ liên kết hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn được thành lập với 30 hộ thành viên. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 80 - 200 đàn, cho lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Chính vì thế, con ong đã trở thành niềm tự hào đối với người dân Kim Sơn, cũng là biểu tượng cho sự trù phú của vùng đất này.
Với lý do như vậy, người dân Kim Sơn đã đưa hình tượng linh vật con ong lên xe trưng bày đèn Trung thu với tên gọi “Chắp cánh ước mơ” để tham gia vào lễ hội rực rỡ của thị xã Sơn Tây.
"Hoà cùng niềm vui chung của Nhân dân thị xã tại Trung thu thành cổ 2023, xã Kim Sơn cũng muốn đem tới nét riêng, độc đáo", ông Vũ Huy Nam chia sẻ và cho biết thêm, sự xuất hiện của linh vật con ong tại lễ hội Trung thu thành cổ càng thêm ý nghĩa, càng thêm gần gũi với người dân.
Đa dạng sản phẩm dịch vụ, du lịch
Cuối tháng 5 vừa qua, thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn) được lựa chọn là nơi diễn ra lễ khai mạc năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2023. Điều này phần nào thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo thị xã Sơn Tây và thành phố Hà Nội đối với xã Kim Sơn.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã công nhận 7 điểm du lịch nông nghiệp gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá và điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín), điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) và cuối cùng là điểm du lịch thôn Lòng Hồ xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).
Đây là những “địa chỉ vàng” ven đô cho các trường học, người dân thành phố, khách du lịch ghé thăm và trải nghiệm.
Nuôi ong kết hợp với làm du lịch tại xã Kim Sơn |
Được biết, điểm du lịch thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn) có diện tích đất tự nhiên 90ha với khung cảnh còn gìn giữ được nhiều nét hoang sơ, giáp hồ Đồng Mô thơ mộng, giáp tỉnh lộ 88, dễ dàng cho việc di chuyển của du khách từ trung tâm thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành khác.
Hiện tại, bên cạnh điểm du lịch Lòng Hồ, xã Kim Sơn cũng đang khai thác hàng loạt các sản phẩm du lịch như thăm quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, thảo dược, check-in, chụp ảnh khám phá vẻ đẹp quanh hồ Đồng Mô.
Một khu nghỉ dưỡng bên hồ Đồng Mô mới được đưa vào khai thác tại xã Kim Sơn |
Về tương lai phát triển của du lịch Sơn Tây, Bí thư Thị ủy Trần Anh Tuấn cho biết: "Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế, thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch; Khai thác hiệu quả giá trị của các di tích".
Mục tiêu là xây dựng thị xã Sơn Tây trở thành một cực tăng trưởng phía Tây Bắc, một trung tâm lớn về du lịch văn hóa của Thủ đô; Lấy các giá trị văn hóa là nguồn động lực nội sinh quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững.