Tại xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội: Ai “bảo kê” cho đất đang tranh chấp được xây dựng?
|
Một mảnh đất có nguồn gốc rõ ràng từ năm 1939 nhưng lại xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng từ hàng chục năm nay, do việc giải quyết chậm chạp của chính quyền các cấp...
Trong đơn gửi báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Đăng Chỉnh ở xóm Biêu, Thôn Vĩ, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) cho biết, bố ông là Nguyễn Đăng Chấn (bí danh là Nguyễn Đăng Đổng) có mua một mảnh đất ao từ ngày 19/8/1939 của ông Đào Văn Đôn với diện tích 300m2.
Theo tài liệu mà ông Chỉnh cung cấp, đến nay vẫn còn tờ văn khế mua bán đất giữa ông Chấn (bố ông Chỉnh) với ông Đôn, người xã Cao Bộ, tổng Đồng Dương, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ (nay là xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Trong tờ giấy mua bán này nêu rõ, ông Đào Văn Đôn có mảnh đất ao số 8273, do thiếu tiền chi tiêu nên bán đứt cho người cùng xã là ông Nguyễn Đăng Đổng (tức ông Chấn) theo giá tiền 8 đồng bạc (thời điểm mua bán đất). “Kể từ sau ngày lập văn khế, người mua nhận đất ao làm tài sản riêng của mình. Nước có luật pháp, cho nên lập văn khế này để theo đó mà thi hành”, nội dung tờ văn khế năm 1939 viết.
Ông Chỉnh cũng cho biết thêm, trong quá trình sử dụng mảnh đất này từ khi mua cho đến khi bố ông mất không hề xảy ra tranh chấp với bất kì ai. Đến ngày 10/11/1984, ông Chấn đã di chúc toàn bộ diện tích 708m2 đất, bao gồm cả 300m2 đất ao trên cho con trai là ông Chỉnh sử dụng. Tờ di chúc này có chứng thực, con dấu của UBND xã Cao Viên lúc đó.
Cũng theo bản đồ địa chính năm 1985, mảnh đất này vẫn mang tên ông Nguyễn Đăng Chấn. Do bận công việc và nghĩ đất là của mình nên ông Chỉnh chưa đi đăng kí yêu cầu cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến năm 1988, ông Nguyễn Đăng Tuất, là em con chú của ông Chỉnh đã ngang nhiên lấp ao mà không có sự đồng ý của gia đình ông Chỉnh nên mới xảy ra việc tranh chấp.
“Mảnh đất này đã có đầy đủ các giấy tờ mua bán, di chúc, bản đồ địa chính nhưng không hiểu sao chính quyền lại giải quyết chậm chạp như vậy. Trong thời gian gần đây, gia đình ông Tuất ngang nhiên lấp đất, đổ gạch để xây dựng nhà kiên cố. Khi các con tôi sang can ngăn, cho rằng đất đang có tranh chấp không được xây dựng thì gia đình ông Tuất đã nhiều lần còn hành hung con tôi. Những lần đó, chúng tôi đều báo lên công an xã Cao Viên và có sự chứng kiến của rất nhiều người”, ông Chỉnh cho biết.
Tuy nhiên, một sự việc khiến ông Chỉnh bức xúc là không hiểu sao, việc tranh chấp đất đai xảy ra từ năm 1988 nhưng đến năm 1997, mảnh đất này tại tờ bản đồ địa chính lại đổi chủ từ Nguyễn Đăng Chấn sang Nguyễn Đăng Tuất. “Đây là việc làm mà tôi khẳng định có sự khuất tất của cán bộ chính quyền”, ông Chỉnh bức xúc.
Việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Đăng Chỉnh và ông Nguyễn Đăng Tuất kéo dài và được UBND xã Cao Viên nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không thành. Mới đây, căn cứ vào việc xác minh, báo cáo của Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Thanh Oai đã ra quyết định số 1361/QĐ-UBND về việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa gia đình ông Nguyễn Đăng Chỉnh với gia đình ông Nguyễn Đăng Tuất. Theo nội dung Quyết định này, thửa đất đang tranh chấp có nguồn gốc do ông Chấn mua từ năm 1939. Sau đó gia đình đã họp và giao cho ông Nguyễn Đăng Tý (là chú ruột của ông Chỉnh và bác ruột của ông Tuất) sử dụng. Nhưng do ông Tý không có con trai nên giao lại cho ông Nguyễn Đăng Tỵ (bố ông Tuất) sử dụng và phải thờ cúng ông Tý. Ông Nguyễn Đăng Tỵ và con trai Nguyễn Đăng Tuất sử dụng đến khi ông Tỵ chết thì ông Tuất tiếp tục sử dụng.
|
Mảnh đất đang tranh chấp nhưng đã được gia đình ông Tuất kè rào để xây nhà
Trong nội dung quyết định này, UBND huyện Thanh Oai cũng căn cứ hiện trạng sử dụng đất gồm sân gạch và một bể nước được gia đình ông Tuất xây dựng và sử dụng từ năm 1989. Căn cứ vào các nội dung trên, UBND huyện đã bác bỏ đề nghị đòi quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Đăng Chỉnh.
Sau khi nhận được Quyết định này, ông Chỉnh bức xúc cho biết: "Việc UBND huyện Thanh Oai ban hành quyết định này không hề căn cứ vào một giấy tờ, văn bản nào, thực tế ra sao. Như giấy tờ bố tôi mua bán với ông Đôn từ năm 1939, di chúc năm 1984 có chứng thực của UBND xã Cao Viên, bản đồ địa chính năm 1985. Việc UBND huyện căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất năm 1989 của ông Tuất có sân gạch và một bể nước lại càng vô lí. Vì việc tranh chấp đất chúng tôi xảy ra từ năm 1988, chính ông Phan Lý, nguyên Chủ tịch UBND xã Cao Viên đã xác nhận vấn đề này. Những tờ giấy mời của UBND xã Cao Viên gửi cho chúng tôi lên để hòa giải việc tranh chấp từ những năm 1988 đến nay vẫn còn được lưu giữ. Việc UBND huyện cho rằng đã có cuộc họp gia đình để giao đất cho chú tôi là ông Tý hoàn toàn là lời khai của một phía. Đến nay không có một văn bản, giấy tờ gì thể hiện hợp pháp việc giao đất này".
Để làm rõ nội dung về việc này, chúng tôi đã có buổi làm việc với Phòng TN-MT huyện Thanh Oai. Khi chúng tôi đề nghị được xem các căn cứ để Phòng TN-MT báo cáo lên cho UBND huyện ra Quyết định 1361 ngày 6/8/2014 thì đại diện phòng này cho hay: “Vụ việc hiện vẫn chưa có kết quả giải quyết cuối cùng nên chúng tôi không thể cung cấp hồ sơ. Còn việc gia đình ông Tuất xây dựng trên diện tích đang tranh chấp là trái pháp luật. Thẩm quyền giải quyết việc này thuộc UBND xã Cao Viên. Theo luật hiện hành, gia đình ông Chính vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện”.
Thanh Hà
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hủy bỏ Quyết định giao đất sai quy định tại xã Phước Hòa

Công ty Thang máy Hitachi Việt Nam bị phạt

Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lên tiếng về lô sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê bình đoàn kiểm tra liên ngành số 3

Đẩy mạnh phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo

Gian lận trong đấu thầu, một doanh nghiệp bị phạt 200 triệu đồng

Chuyển đất rừng phòng hộ để làm Cảng thủy nội địa Đông Phong

Nhiều sai phạm tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ III

Hải Dương: Hàng loạt trạm trộn bê tông, asphalt hoạt động không phép
