Tâm huyết, trách nhiệm góp phần xây dựng các quyết sách hợp lòng dân
Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm Tập trung trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm cho Đại hội thành công |
Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, chuyển từ quản lý sang phục vụ
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV được coi là kỳ họp “lịch sử” khi xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đi gần nửa chặng đường, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 - được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng "tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn".
Để triển khai nhiệm vụ này, ngay ngày đầu của kỳ họp, Quốc hội đã thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Quốc hội cũng đã quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định ngày bầu cử ĐBQH khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ Hà Nội |
Trong nửa đầu kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào nhiều dự án luật quan trọng được cử tri và Nhân dân quan tâm. Nổi bật là các dự án: Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công chức, viên chức (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Hình sự (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND…
Một số Nghị quyết được Quốc hội xem xét như: Nghị quyết về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân…
Thảo luận tại tổ Hà Nội với tư cách là đại biểu Quốc hội sinh hoạt tại Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thể chế pháp luật là động lực, nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Đó là lý do vì sao các kỳ họp của Quốc hội thời gian gần đây dành nhiều thời gian để sửa đổi các quy định của pháp luật. Đây cũng là một khối lượng công việc rất lớn tại kỳ họp thứ 9, song mới chỉ là sửa đổi một số điều, chưa phải là sửa đổi một cách tổng thể để phù hợp với thực tiễn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng phải sửa đổi các luật để quản lý xã hội, Tổng Bí thư cho rằng, trước tiên phải sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đúng quy trình. Trong đó, Nghị quyết số 66-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là hướng đến mục tiêu quan trọng đó.
![]() |
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tổ |
Cùng với đó là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật; đồng thời, tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật; chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, bị động sang chủ động. Việc xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao nhằm phục vụ sự phát triển của đất nước...
Đưa tâm tư, tiếng nói cử tri tới nghị trường Quốc hội
Thảo luận tại tổ, các ĐBQH đoàn TP Hà Nội trên phương diện công tác của mình đã có những đóng góp tâm huyết, xác đáng vào các dự án luật. Nhiều đại biểu thẳng thắng nêu lên các quan điểm, chính kiến, khiến các buổi thảo luận tổ diễn ra sôi nổi. Trong đó, về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị làm rõ vai trò của cấp tỉnh trong giai đoạn kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp, cần có cơ chế để cấp tỉnh cử cán bộ trực tiếp xuống xử lý công việc, hoặc đưa nhiệm vụ từ cấp xã lên tỉnh xử lý, để giảm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và xã hội.
Hay khi góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, đại biểu Bùi Hoài Sơn đã nhấn mạnh: "Không chỉ miễn học phí, người dân kỳ vọng trường lớp phải tốt hơn, thầy cô yên tâm giảng dạy và nội dung chương trình phù hợp với năng lực học sinh" - Đây cũng chính là những tâm tư, "tiếng lòng" của cử tri và Nhân dân.
Các ĐBQH cũng đề nghị quan tâm các cháu là con người lao động tự do như phụ hồ, bán hàng rong, giúp việc gia đình; mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội cho đối tượng khác như giáo viên, cán bộ y tế; ưu tiên các chính sách giữ chân người tài trong hoạt động công vụ... khi thảo luận về các dự án luật liên quan.
Đáng lưu ý, nhiều ý kiến thẳng thắn, có tính phản biện cao tạo dấu ấn, lan toả trong dư luận.
Đơn cử như thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về mức khoán chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đại biểu, một dự án luật xây dựng mới là 18 tỷ đồng; luật sửa đổi, bổ sung một số điều có nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân là 9 tỷ đồng, con số thực sự rất lớn.
![]() |
ĐBQH Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ |
Chỉ ra các công việc cụ thể trong xây dựng pháp luật, đại biểu cho rằng có những công việc có thể khoán để hỗ trợ, khuyến khích cán bộ làm tốt hơn. Thế nhưng có những việc cần cơ chế để giám sát, kiểm soát, bảo đảm việc chi phù hợp, hợp lý; tạo ra hiệu quả thiết thực cho chất lượng của các văn bản được xây dựng.
ĐBQH Nguyễn Phương Thủy nhận định, hỗ trợ về tài chính để yên tâm công tác là điều cần thiết, nhưng cũng không phải chỉ có những người làm công tác xây dựng pháp luật hay thi hành pháp luật mà cán bộ, công chức nói chung đều cần phải được quan tâm. "Có chế độ thì tốt nhưng chế độ phải làm sao phù hợp và hợp lý, phải chứng tỏ được hiệu quả khi áp dụng”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy thẳng thắn góp ý.
Theo dõi kỳ họp qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Lê Duy Hoành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Kỳ họp lần này của Quốc hội quyết sách nhiều nội dung lớn quan trọng của đất nước, chúng tôi rất phấn khởi, nhưng phấn khởi hơn khi các ĐBQH luôn quan tâm, truyền tải những mong mỏi, kiến nghị của cử tri, Nhân dân tới Quốc hội, dù đó là những điều tưởng như nhỏ nhặt". Ông Hoành cũng cho biết rất mong chờ phiên chất vấn diễn ra vào tháng 6 tới đây.
Công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội và thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân. Tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Kỳ họp. Với tinh thần này, thời gian còn lại của kỳ họp, Quốc hội chắc chắn sẽ hoàn thành chương trình đề ra, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và niềm tin, kỳ vọng của cử tri, Nhân dân.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm và làm việc tại Ai Cập

Bộ Chính trị yêu cầu hoàn tất sắp xếp cấp xã trước 15/7, cấp tỉnh trước 15/8/2025

Việc phát huy truyền thống đoàn kết Việt Nam - Campuchia - Lào cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết

Cấp xã chỉ được giao việc mà không giao tiền thì bất khả thi

Lễ an táng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Quảng Ngãi

Linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về đến sân bay Chu Lai

Tạo thuận lợi nhất cho tất cả người yêu nước cùng đóng góp và chia sẻ niềm tự hào về đất nước

428 đoàn dự lễ tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại TP Hồ Chí Minh

Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
