Tăng cường năng lực thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá
Bộ Y tế đề xuất ban hành Nghị quyết về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
FCTC là Công ước quốc tế đầu tiên về sức khỏe, công cụ kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất của thế giới, được thương thảo dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cho đến nay, khoảng 182 quốc gia tham gia và Việt Nam đã phê chuẩn Công ước FCTC từ năm 2004.
Ngày 11/11/2004, Việt Nam phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO. Tham gia FCTC, các quốc gia đều cam kết quyết tâm bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc lá.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Bộ Y tế) |
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Từng có ý kiến cho rằng, nếu Bộ Y tế cấp phép cho thuốc lá mới, thì sẽ có nguồn thu không hề nhỏ từ việc thuốc lá làm gia tăng số lượng người bệnh đến các cơ sở y tế - nguồn thu cho các bệnh viện. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu, nhất quán đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng".
Phó Vụ trưởng Đinh Thị Thu Thủy cũng cho biết thêm, Bộ Y tế luôn thận trọng và lưu ý khi làm các chính sách pháp luật có sự mâu thuẫn lợi ích y tế công cộng và liên quan đến lợi ích doanh nghiệp. Đặc biệt các chính sách liên quan đến kiểm soát thuốc lá vì Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.
"Hiện nay Bộ Y tế đang tham gia xây dựng một số chính sách, đó là đề nghị sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng đó, trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại thuốc lá mới, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, nhất là giới trẻ, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Hiện đã có 13/15 bộ, ngành được lấy ý kiến đã bày tỏ nhất trí.
Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, thể hiện rõ sự đấu tranh bảo vệ lợi ích y tế công cộng với lợi ích nhóm, lợi ích doanh nghiệp, ngành công nghiệp thuốc lá"- bà Đinh Thị Thu Thủy nói.
Thuốc lá điện tử nhắm tới giới trẻ
Tại hội thảo, các chuyên gia y tế công cộng của Việt Nam và thế giới cũng đề cập về "Thuốc lá nung nóng và sự thật về chiến lược của ngành Công nghiệp thuốc lá"; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực thi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại các quốc gia.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Bộ Y tế |
Chia sẻ tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam) cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên toàn cầu, với 8 triệu ca tử vong mỗi năm và 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động (64% là nữ; 165.000 ca là trẻ em dưới 5 tuổi).
"Chúng ta đang đối mặt vấn đề nghiêm trọng đó là giới trẻ có hành vi mới là sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, các sản phẩm này không chỉ chứa nitcotine là chất độc mà còn là môi trường để kẻ xấu trộn ma túy tổng hợp", bác sĩ Tuấn Lâm nhấn mạnh.
Về Công ước FCTC, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nêu rõ công ước này khuyến cáo các quốc gia tăng cường nhận thức của ngành công nghiệp thuốc lá; hạn chế và ban hành quy tắc ứng sử khi tương tác với công nghiệp thuốc lá; cấm các ưu đãi dành cho ngành công nghiệp thuốc lá. Ngành công nghiệp thuốc lá không thể là đối tác trong bất kỳ sáng kiến nào liên quan tới việc xây dựng, triển khai chính sách y tế công cộng.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: Bộ Y tế |
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Tại Việt Nam, qua tổng hợp của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy, tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trong đó, nhiều người đã nhập viện ngay từ lần đầu tiên sử dụng, với các triệu chứng: Dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp...
Đáng lo ngại, các nghiên cứu gần đây cho thấy, nhóm người sử dụng thuốc lá mới chủ yếu là giới trẻ.
Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh trong độ tuổi 13-15 đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cũng cao ở nhóm tuổi từ 15 - 24 (7,3%).
Thực tế, hơn 60 năm qua, ngày càng nhiều người hút thuốc hơn, ít người bỏ thuốc hơn, đồng thời gây ra nhiều ca tử vong hơn.
“Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khỏe, đặc biệt là thế hệ trẻ, chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng chúng trước khi quá muộn”, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết.