Tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực của cán bộ cơ sở
Quan tâm đến công tác bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, cử tri Trần Đình Lương kiến nghị TP quan tâm các di tích trên địa bàn, thành lập ban quản lý di tích, bố trí hướng dẫn viên chuyên nghiệp, sớm đầu tư mở rộng khu di tích theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Cử tri cũng đề nghị TP có phương án quản lý và sử dụng tuyến kênh B3. Hiện kênh đang bị bồi đắp, lấn chiếm, xả thải ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Việc nạo vét hàng năm chỉ được thực hiện một lần và chỉ dừng lại ở việc với bèo. Ngoài ra cử tri cũng đề nghị TP làm rõ mốc giới trong việc quản lý kênh, có phương án nạo vét hàng năm.
Các cử tri cũng kiến nghị TP nhân rộng các mô hình tiên tiến về sản xuất nông sản sạch, xây dựng các điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung. Theo cử tri Nguyễn Văn Mạnh (xã Thanh Đa), hiện nay 1/3 các xã của huyện Phúc Thọ đang phát triển ngành sản xuất nghề mộc, cơ khí, thu nhập mỗi thợ 200-300 ngàn đồng/ người và nhu cầu người dân làm nghề vẫn rất cao. Cử tri đề nghị TP tiếp nhận tờ trình, các sở ngành sớm phê duyệt đưa nghề sản xuất mộc, cơ khí ra khỏi khu dân cư, xem xét điểm sản xuất tập trung để vừa phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dânvừa đảm bảo môi trường.
Cũng theo cử tri, 6 thánh đầu năm, công tác cấp quyền sử dụng đất của huyện cơ bản hoàn thành, đã thực hiện vượt chỉ tiêu với đất ở lần đầu, tuy nhiên với các cơ sở di tích tôn giáo thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều khó khăn. Đến nay, trong 199 cơ sở di tích tôn giáo mới có 1 đơn vị được cấp quyền sử dụng đất, rất ảnh hưởng đến việc xây dựng tôn tạo đến di tích hiện nay.
Các cử tri cũng đề nghị TP có những chính sách để cải tạo, xây mới các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo cử tri xã Thanh Đa, toàn xã có 3 điểm trường với 10 phòng học với tổng số các cháu trên 500 cháu, bình quân mỗi lớp trên 50 cháu. Đây là vấn đề trăn trở của cán bộ nhân dân xã.
Ông Lê Đình Bình, cử tri xã Võng Xuyên phản ánh, xã có 5 trường học, trong đó có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường trung học. Hiện nay, trường mầm non Võng Xuyên A đã xuống cấp nghiêm trọng, phải đóng cửa, dồn lớp sang Mầm non Võng Xuyên B khiến số học sinh mỗi lớp hơn 50 học sinh. Ông Bình mong muốn lãnh đạo TP quan tâm cải tạo xây dựng hệ thống trường học trên địa bàn, nhất là khi Võng Xuyên là xã NTM điểm của thành phố.
Bày tỏ quan tâm tới công tác cán bộ, ông Đỗ Văn Giang, cử tri xã Ngọc Tảo cho rằng, hiện nay tổ chức chưa tìm được cán bộ tốt mà cán bộ đang phải đi tìm tổ chức. Do vậy, trong công tác cán bộ phải chú trọng tìm người có tài, có tâm. Người cán bộ phải thực sự vì người dân, quyết tâm làm, không vì thành tích.
Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã thông báo với cử tri kết quả tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế -xã hội của TP trong 9 tháng năm 2017. Trong những kết quả đó có sự đóng góp của huyện Phúc Thọ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện tăng cường phân cấp phân quyền cho các xã, thị trấn nhằm phát huy sự chủ động sáng tạo, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho cán bộ cơ sở. Song song với việc tăng cường phân cấp, phân quyền góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của các cấp, các ngành, thành phố đang tập trung cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính hiệu quả, thân thiện hơn, văn minh hơn và phục vụ cho người dân tốt hơn. Thành phố đã chỉ đạo kiên quyết đối với cán bộ đảm nhiệm vị trí tiếp dân phải được đào tạo, học cách ứng xử văn minh, có trách nhiệm. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, lãnh đạo các xã, thị trấn huyện Phúc Thọ phải tự kiểm điểm lại xem có còn tình trạng người dân ra trụ sở xã làm thủ tục hành chính phải mất tiền mới được giải quyết hay không. Nếu còn tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải xử lý thật nghiêm.
Bí thư Thành ủy cũng cho biết, thành phố đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết nối hạ tầng, đẩy mạnh đô thị hóa ở các huyện ngoại thành. Việc thực hiện đô thị hóa cũng đã được thực hiện khác trước đây, không theo “vết dầu loang” ra từng huyện, mà triển khai công tác quy hoạch ở các đô thị vệ tinh trước, tạo điều kiện cho các đơn vị ngoại thành đô thị hóa nhanh hơn. TP đang dồn vốn và tìm mọi nguồn lực về vốn để triển khai hạ tầng giao thông, lấp kín các vành đai, các tuyến đường xuyên tâm… Đến nay đã cơ bản hoàn thiện hệ thống quy hoạch và đang tiếp tục triển khai, phấn đầu hết nhiệm kỳ này hoàn thiện hệ thống quy hoạch.
Về các kiến nghi của cử tri liên quan đến việc quy hoạch điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp, theo Bí thư đây là định hướng ưu tiên của thành phố. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng xem hồ sơ huyện gửi lên, bằng mọi cách thành lập các cụm công nghiệp, không để các cơ sở sản xuất trong làng xã gây ô nhiễm môi trường.
Trả lời kiến nghị về việc đầu tư xây dựng sửa chữa các cơ sở giáo dục mầm non, Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ, hiện TP Hà Nội có 2662 cơ sở trường học từ mầm non cho tới THPT. Hiện nay, thành phố vẫn đang thiếu các trường học bởi sức ép của việc tăng dân số tự do, tới đây Ủy ban sẽ có chương trình báo cáo HĐND TP, đề xuất đầu tư cho các trường. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị huyện xem xét những điểm trường xuống cấp, quá tải phải rà soát, quy hoạch , định hướng đầu tư đảm bảo sĩ số và chất lượng học tập cho các cháu...
Về công tác cán bộ, Bí thư nhấn mạnh, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, HĐND các cấp cũng như chính quyền TP đều có quan điểm rất rõ ràng về 5 “rõ” : Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả để trên cơ sở đó đánh giá cán bộ. Những xử lý vừa qua của TP Hà Nội với những trường hợp sai phạm cho thấy thành phố rất quan tâm và chú trọng vấn đề này. Thành phố đã ban hành các quy định mới về đánh giá tổ chức đảng cấp trên cơ sở, tới đây sẽ đổi mới để đánh giá cán bộ chính xác gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức. Bí thư Thành ủy mong bà con cử tri tiếp tục giám sát hoạt động của hệ thống chính quyền và hệ thống Đảng để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác cán bộ…