Tăng cường xử lý vi phạm giao thông bằng camera
Công an Hà Nội xuyên đêm bắt giữ gần 30 “quái xế” Xử lý nghiêm các “điểm đen” vi phạm trật tự an toàn giao thông Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình và nhà trường |
Vi phạm giao thông chỉ vì quay clip đăng mạng xã hội
Nhắc đến vi phạm giao thông ở lứa tuổi thanh niên, nhiều người từng rất bức xúc khi xem clip hai thanh niên không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu ở khu vực quận Long Biên (Hà Nội), khi đi ngang qua xe máy của một phụ nữ đi cùng chiều, hai thanh niên này lạng lách trước mũi xe, người ngồi sau giơ chân đạp vào người phụ nữ khiến người này suýt ngã. Điều đáng nói đây không phải là những trường hợp hiếm gặp khi tham gia giao thông.
Lực lượng chức năng xử lý thanh niên vi phạm giao thông |
Ra đường, va chạm giao thông, thay vì hòa giải, đỡ nhau đứng dậy, hỏi han, xem xét thỏa thuận bồi thường, nhiều người lại sử dụng biện pháp "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", đấu khẩu với nhau. Không ít vụ việc đáng tiếc đã xảy ra từ những hành vi trên dẫn đến người nhập viện, kẻ vào nhà giam.
Đáng nói, đối tượng vi phạm giao thông ngày càng trẻ hóa. Biết mình sai nhưng vẫn vi phạm, nhiều học sinh còn tháo biển số xe như một cách đối phó khi bị lực lượng chức năng kiểm tra. Thậm chí, có trường hợp còn chống đối và thách thức khi bị yêu cầu dừng xe. Các hình thức vi phạm giao thông cũng ngày càng diễn biến phức tạp.
Hai thanh niên (sống tại xã Tà Lại, huyện Mộc Châu, Sơn La) không đội mũ bảo hiểm, lấy lá sen che mặt rồi đi xe với tốc độ cao để quay clip |
Đơn cử, ngày 27/11, hai thanh niên sinh năm 2007 (sống tại xã Tà Lại, huyện Mộc Châu, Sơn La) không đội mũ bảo hiểm, lấy lá sen che mặt rồi đi xe với tốc độ cao để quay clip. Hành vi nguy hiểm này xuất phát từ trào lưu sử dụng những chiếc lá sen to được khoét hai lỗ mắt rồi đắp lên mặt để tạo cảm giác như đang đeo một chiếc mặt nạ tự nhiên, sau đó đi xe không đội mũ bảo hiểm và quay clip up lên mạng xã hội nhằm câu view, câu like.
Lực lượng chức năng đã triệu tập 2 thanh niên trên và lập biên bản xử lý vi phạm đồng thời tuyên truyền, giáo dục và yêu cầu những thanh niên trên cam kết không tái phạm và chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, trong tháng 11/2024, cơ quan chức năng xử lý trên 4.300 trường hợp vi phạm, phạt tiền khoảng 2,1 tỷ đồng và tạm giữ 2.210 phương tiện; Trong đó, chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy là 749 học sinh, 31 tài xế vượt đèn đỏ và hơn 3.900 học sinh vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm.
Ghi nhận hình ảnh vi phạm làm căn cứ xử lý
Theo kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới năm 2024 của UBND TP Hà Nội, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật, an toàn giao thông cho mỗi trường học thì UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo công an cấp quận, huyện, thị xã chủ trì phối hợp các lực lượng kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra trước cổng trường học |
Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học để ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo viên và học sinh.
Chị Nguyễn Thị Hiền (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Việc lắp camera ở cổng trường học để giám sát là việc cần thiết vì nhiều học sinh đi xe điện không đội mũ bảo hiểm, thậm chí còn chở 3, phóng nhanh vượt ẩu rất nguy hiểm, thậm chí có em đi xe máy phân khối lớn đi học".
Cùng quan điểm với chị Hiền, anh Lê Hoài Nam (Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội) cho rằng, việc lắp đặt camera giám sát đặc biệt ở khu vực cổng trường giúp các học sinh ý thức hơn về nề nếp, kỷ cương, phụ huynh cũng yên tâm hơn.
Thực tế thời gian qua, một số trường trên địa bàn Hà Nội đã triển khai việc lắp camera ở cổng trường và đạt được hiệu quả tích cực. Đơn cử, tại Trường THCS Phú Diễn A (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), từ năm 2021, nhà trường đã đầu tư hệ thống camera giám sát trong trường và ngoài cổng trường, nhờ đó học sinh và phụ huynh yên tâm hơn. Bên cạnh việc giám sát học sinh qua hệ thống camera, nhà trường còn tổ chức những buổi tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức của học sinh và phụ huynh học sinh.
Tương tự, tại Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) có hơn 3.000 em học sinh, đã triển khai lắp hệ thống camera được gần 10 năm. Trước đây, cả phụ huynh và học sinh đều rất lo lắng vì tuyến đường đều tắc dù chưa đến giờ tan học. Từ khi được xây mới lại, trường đã chủ trương lắp đặt hệ thống camera xung quanh khu vực trường, tại cổng trường kết hợp với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của phụ huynh, học sinh khi chờ đón con em mình.
Trường không chỉ bố trí lắp camera ở ngoài cổng trường và các khu vực xung quanh trường mà còn lắp ở khu vực hành lang, sân chơi, các phòng chức năng… giúp phụ huynh yên tâm hơn khi giao con em cho nhà trường.
Theo các chuyên gia, việc lắp camera gần trường học là giải pháp nâng cao ý thức chấp hành trật tự an toàn giao thông tốt nhất hiện nay. Thực tế từ công tác xử lý phạt nguội bằng hình ảnh đã cho thấy rất nhiều hiệu quả tích cực trong việc thay đổi ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, trong đó có các em học sinh.