Đầu tư thêm cầu vượt đi bộ và bài toán phát huy hiệu quả
Sẽ tháo dỡ Cầu bộ hành Gami Hội An nếu có nguy cơ mất an toàn giao thông Khi cầu bộ hành không dành cho người đi bộ... Bài 2: Nhiều người băng ngang đường, "phớt lờ" cầu bộ hành |
Đề xuất đầu tư thêm 29 cầu vượt cho người đi bộ
Nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân cũng như bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí đông dân cư, trường học, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông vừa báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất UBND thành phố Hà Nội danh mục đầu tư 29 cầu vượt cho người đi bộ trên địa bàn thành phố.
Nhiều học sinh phớt lờ cầu bộ hành, ngang nhiên sang đường trái quy định |
Theo Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Lê Hữu Hồng, danh mục cầu vượt cho người đi bộ được đề xuất đầu tư xây dựng phải bảo đảm các nguyên tắc: Các cầu vượt đã có văn bản chỉ đạo nghiên cứu, lập dự án của UBND thành phố; việc xây dựng các cầu vượt tại vị trí dự kiến đề xuất sẽ giải quyết được nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông; các cầu vượt theo kiến nghị của cử tri và kiến nghị của các quận, huyện, thị xã... Các vị trí đó phải phục vụ phần lớn nhu cầu đi bộ qua đường của người dân.
Vị trí dự kiến xây dựng cầu vượt đi bộ không trái với các quy hoạch được duyệt; phải đủ điều kiện về mặt bằng để bố trí trụ cầu, lề đường cho người đi bộ; đồng thời, không trùng với danh mục đầu tư các cầu vượt đang triển khai trên địa bàn thành phố...
Trên cơ sở các nguyên tắc trên, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đề xuất bổ sung 29 cầu vượt cho người đi bộ qua đường với tổng kinh phí dự kiến là 300,035 tỷ đồng.
Trong đó, có một số vị trí như: Cầu vượt trên phố Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy); các đường, phố Lê Quang Đạo, Châu Văn Liêm, Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm); đường Hoàng Minh Thảo đoạn trước cổng phụ Công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm); đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ); 2 vị trí trên đường Minh Khai (đoạn khu vực ngõ Hòa Bình 7 và lối sang Khu đô thị Times City quận Hai Bà Trưng)…
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 70 cầu vượt bộ hành ở các nút, các tuyến giao thông có mật độ lưu thông lớn và tại các khu vực gần bệnh viện, trường học.
Cầu vượt bộ hành, hầm đi bộ được xây dựng nhằm giúp cải thiện tình hình giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là người đi bộ khi qua đường.
Qua thực tiễn quản lý, khai thác cũng như đánh giá của người dân, các cầu vượt bộ hành đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc thực hiện mục tiêu từng bước kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Điển hình như các cầu trên phố Chùa Bộc tại cổng Học viện Ngân hàng; cầu trước cổng Bệnh viện Bạch Mai; cầu trên phố Tây Sơn trước cổng Trường Đại học Thủy lợi; cầu tại cổng trường Tiểu học Tân Mai...
Đồng bộ giải pháp, phát huy tác dụng cầu bộ hành
Thực tế đầu tư, khai thác cầu vượt đi bộ tại Hà Nội những năm gần đây cho thấy, có 3 lý do chính ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác gồm: Vị trí cầu vượt, ý thức của người đi bộ và công tác quản lý Nhà nước.
Nhiều cầu vượt hiện đại, khang trang nhưng vắng bóng người bộ hành, trong khi đó, cách vị trí cầu vượt không xa, nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm băng ngang đường. Nếu không kết hợp xử lý thật nghiêm các trường hợp người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ khó đạt hiệu quả sử dụng, đầu tư của cầu bộ hành.
Xử phạt người đi bộ sai luật trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) |
Bên cạnh đó, việc tổ chức hành lang ưu tiên cho người đi bộ còn chưa được hành động một cách quyết liệt, đâu đó vẫn còn việc lấn chiếm vỉa hè gián tiếp và trực tiếp đẩy người đi bộ phải đi xuống lòng đường, vô tình tạo thành một thói quen xấu đối với người dân.
Nhìn ra thế giới, thói quen đi bộ nói chung và thói quen qua đường đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Pháp... Tại các nước này, hệ thống đi bộ ngầm dưới lòng đất, kết nối các khu dân cư đông đúc với các bến tàu, điểm xe buýt để người dân tập thói quen đi bộ đúng nơi, đúng chỗ hằng ngày.
Vì thế, để đồng bộ sử dụng cầu bộ hành có hiệu quả, Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới giao thông, cầu vượt cho hợp lý, nghiên cứu đề án chỉnh sửa phù hợp mục đích sử dụng hơn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, thực hiện chế tài xử phạt một cách nghiêm minh để hình thành thói quen cho người đi bộ.
Theo Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn… Ngoài ra, người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, nếu người đi bộ vi phạm giao thông như: Băng qua đường, đi dưới lòng đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể đối diện với việc bị phạt tù từ 7 - 15 năm. |