Xử lý hơn 3.900 học sinh vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm
Xử lý nghiêm tình trạng thanh thiếu niên vi phạm giao thông Xử lý nghiêm các “điểm đen” vi phạm trật tự an toàn giao thông Tăng cường trao đổi thông tin về xử lý vi phạm giao thông |
Quá trình thực hiện kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho lứa tuổi học sinh, cơ quan chức năng xử lý trên 4.300 trường hợp vi phạm, phạt tiền khoảng 2,1 tỷ đồng và tạm giữ 2.210 phương tiện.
Qua phân tích hành vi vi phạm, có một trường hợp vi phạm nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ là 2 trường hợp, chở quá số người trên xe máy là 6 trường hợp.
Bên cạnh đó, chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy là 749 học sinh, 31 tài xế vượt đèn đỏ và hơn 3.900 học sinh vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm.
Đáng chú ý, trong một tháng qua lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động xử lý 242 chủ xe và người liên quan vì có hành vi giao xe hoặc để người không đủ điều kiện điều khiển.
Lực lượng chức năng xử lý học sinh vi phạm giao thông |
Cũng theo Phòng CSGT, trong 30 ngày qua 15 tổ công tác 141 đã bắt giữ và bàn giao cơ quan công an xác minh để xử lý đối với 40 phương tiện, 42 người trong độ tuổi học sinh (dưới 18 tuổi) điều khiển xe chạy tốc độ cao, lạng lách, rú ga, nẹt pô, không sử dụng biển kiểm soát, không đội mũ bảo hiểm, xe không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, Công an TP Hà Nội tiếp tục duy trì triển khai các tổ công tác 141 hóa trang tuần tra vào những ngày cuối tuần trên địa bàn các quận trọng điểm. Qua đó, các lực lượng bắt giữ và bàn giao cơ quan công an 214 phương tiện với 231 đối tượng có các hành vi vi phạm điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga, có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng.
CSGT và các lực lượng cũng xử lý hơn 6.200 tài xế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thông qua hệ thống camera giám sát, các tổ tuần tra lập biên bản đối với 152 tài xế vi phạm bị "mắt thần" bắt lỗi; gửi thông báo phạt nguội cho 600 trường hợp vi phạm khác.
Bên cạnh việc xử lý vi phạm, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức 147 buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đến trên 134.900 học sinh và trên 11.230 giáo viên các cấp học; ký cam kết bảo đảm an toàn giao thông với trên 43.900 học sinh; xây dựng 45 mô hình cổng trường an toàn giao thông; trao tặng trên 1.120 mũ bảo hiểm và nhiều vật phẩm khác cho các em học sinh.
Trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền, giáo dục, lực lượng áp dụng chế tài xử lý linh hoạt, bảo đảm các quy định về quyền trẻ em, không làm ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi. Cùng với việc tạm giữ xe vi phạm đối với những trường hợp chưa đủ tuổi lái xe theo quy định, tổ công tác sẽ mời phụ huynh, người giám hộ lên trụ sở để xử phạt. Việc này nhằm nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của gia đình trong giáo dục ý thức chấp hành pháp luật; đồng thời nhắc nhở phụ huynh không giao xe máy cho con sử dụng, từ đó góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, hậu quả.
Cùng với đó, tại các trường học, nhà trường không tổ chức trông phương tiện là xe máy, xe mô tô… cho học sinh điều khiển xe nhưng không đội mũ bảo hiểm… Việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường là một trong những điều kiện tiên quyết, quan trọng, quyết định để ngăn chặn hiệu quả đối với tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về giao thông.
Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh và các bậc phụ huynh cũng như thực hiện hiệu quả Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các điểm trông giữ xe quanh khu vực cổng trường, yêu cầu ký cam kết không trông giữ xe cho các cháu học sinh và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.