Tăng tính liên kết, trải nghiệm để phát triển du lịch Hà Nội
Thủ khoa Du lịch luôn nỗ lực quảng bá văn hóa con người Việt Nam |
Trong buổi tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” ngày 9/7 nhằm triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều ý kiến về hạn chế của chính các địa phương.
Cụ thể, nói về những hạn chế của mảnh đất "2 vua" trong quá trình công nghiệp văn hóa, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai cho biết, đó là sự thiếu liên kết giữa các di sản, các di tích, các thiết chế văn hóa trên địa bàn như làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam... để tạo thành một chuỗi các sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch. Đó là sự manh mún, nhỏ lẻ thay vì liên kết lại tạo ra sức mạnh mềm.
Hà Nội có rất nhiều địa điểm, di tích, truyền thống văn hóa, làng nghề để có thể liên kết với nhau tạo thành chuỗi điểm đến cho du lịch phát triển |
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng khẳng định, hệ thống làng nghề và các di sản của Thủ đô cũng rất phong phú nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển, nhất là việc liên kết để tạo thành sản phẩm độc đáo.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ, ngành Du lịch Thủ đô sẽ nghiên cứu, quy hoạch, lập trình, thiết kế những tour lữ hành tham quan các di sản văn hóa là mục tiêu hướng đến của du lịch văn hóa, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia từ du lịch văn hóa.
Với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, những điểm đến du lịch văn hóa trọng điểm của Thủ đô như: Khu di tích Phủ Chủ tịch; Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Hương… đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch văn hóa di sản. Cùng với đó là những di sản kiến trúc, lối sống, lễ hội, văn hóa ẩm thực… độc đáo, hấp dẫn du khách bốn phương.
Hà Nội còn tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng có nghề của toàn quốc, trong đó tiêu biểu như: Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ... Từ các tiềm năng này, Hà Nội đang xây dựng thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng thu hút du khách.
Du lịch văn hóa là loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững; là một trong những dòng sản phẩm thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như Thủ đô Hà Nội.
Trong những năm vừa qua, ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu tích cực, từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn 2016-2019, TP tăng trưởng khách bình quân đạt 10,1%/năm, tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước, năm 2019 Hà Nội đón 28,945 triệu lượt khách bằng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, trong đó đón 7,025 triệu lượt khách quốc tế.
Định hướng du lịch Thủ đô phát triển đạt tỷ lệ đóng góp tổng hợp ngành du lịch vào GRDP thành phố phấn đấu đạt trên 10%. Do đó, ngành Du lịch Hà Nội xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao.
Bên cạnh đó, đơn vị tập trung triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn; Nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, làng cổ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Thủ đô bền vững, có giá trị kinh tế cao; Phát triển du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có bản sắc, vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.
Điều quan trọng là, các điểm này phải được kết nối với nhau, để du khách có một “hành trình di sản” nhằm có cái nhìn khái quát về văn hóa, sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội chứ không phải chỉ manh mún, lẻ tẻ vài điểm. Như vậy, vừa lãng phí tiềm năng, vừa không thể giới thiệu hết được những nét đẹp của văn hóa Thủ đô.
Hoạt động trải nghiệm vẽ tranh Kim Hoàng |
Đã có nhiều ý kiến về việc xâu chuỗi, liên kết các địa điểm du lịch tạo thành một chuỗi hành trình cho Hà Nội nhưng xem ra vẫn chưa có kết quả là mấy. Làng lụa Hà Đông đã thay da đổi thịt khác xưa nhưng nếu khách lẻ đến mua, may thì mua được lụa Vạn Phúc "xịn", giá vừa phải, chả may thì "vớ" phải "hàng Tàu" mà giá thì cắt cổ.
Trong khi đó, ngoại thành Hà Nội không thiếu những điểm "vệ tinh" chỉ cách trung tâm thành phố vài chục cây số, có thể hình thành một tuor du lịch trong ngày bằng ô tô, xe máy, thậm chí cả xe đạp. Chẳng hạn chùa Thầy với hệ thống chùa trên núi Sài Sơn, từng được chúa Trịnh Căn phác họa trong bài kí đề trên núi: "Như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa.
Động trên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải lụa".
Rồi chùa Tây Phương, một ngôi cổ tự mà niên đại xây dựng chỉ đứng sau chùa Dâu từng được KTS Nguyễn Cao Luyện đánh giá: "Chùa Tây Phương với những giá trị đặc sắc về nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng là một viên ngọc như phản chiếu cả nền kiến trúc cổ truyền Việt Nam". Hệ thống các pho tượng La Hán tài tình, tài hoa mang phong cách hiện thực cũng là một điểm nhấn vô cùng thú vị.
Bên cạnh đó, ngoài những địa điểm quá nổi tiếng như làng cổ Đường Lâm, chùa Hương, còn có những nơi như làng hoa Mê Linh có đền thờ Hai Bà Trưng, làng cổ Bát Tràng thì có thể kết nối tiếp với chùa Bổ Đà, một trong những trung tâm lớn của dòng Thiền phái Trúc Lâm, nơi lưu giữ mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam khắc trên gỗ thị.
Hay dọc dòng Tích giang, những ngôi làng còn mang nhiều dấu ấn cổ xưa với các nghề truyền thống như Cự Đà, Đa Sĩ cũng sẽ mang đến cho chính những người Việt nhiều bất ngờ, thú vị khi khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn nơi đây, chẳng cứ gì du khách nước ngoài.
Trước đây, những người khôi phục tranh Kim Hoàng còn mở các buổi thực hành vẽ tranh ngay tại địa phương nhằm thu hút những người yêu giá trị truyền thống, tăng tính trải nghiệm cho khách du lịch. Bên cạnh đó là nhiều hình thức du lịch trải nghiệm khác cũng được nhiều nơi khai thác, đưa vào sử dụng. Cùng với việc xâu chuỗi, tạo thành hệ thống, lập nhiều tour, tuyến cho khách lựa chọn thì việc tạo ra các hoạt động trải nghiệm tại địa phương cũng tạo thêm hứng thú cho khách tham gia.
Liên kết tốt các chuỗi điểm trong Hà Nội tốt thì vừa giúp chính ngành du lịch của Hà Nội phát triển, từ đó tăng tính kết nối với các vùng lân cận.
Tin rằng, khi dịch bệnh yên ổn, du lịch mở cửa mạnh mẽ trở lại, Hà Nội sẽ làm được những điều mình mong muốn để phát triển du lịch hơn nữa, tạo ra lợi nhuận cũng như góp phần gìn giữ, phát triển nét đẹp văn hóa Thủ đô.
Làm gì để phát triển các sản phẩm lưu niệm của Hà Nội? |
Hà Nội - điểm đến đậm nét văn hóa |