Tăng tốc triển khai thu phí tự động không dừng
Tiến độ triển khai chậm
Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng thay thế Quyết định 07/2017 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, sau nhiều chỉ đạo, đốc thúc, đến nay hệ thống thu phí tự động không dừng nhiều nơi vẫn ì ạch, thậm chí có nguy cơ “vỡ trận”, nếu cơ quan quản lý nhà nước thiếu mạnh tay trong triển khai các giải pháp.
Dự án thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, Dự án giai đoạn I (BOO1) có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án này do Công ty VETC triển khai thực hiện. Đến nay đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm thu phí. Còn 4 trạm trên các tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chưa thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư.
Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn II (BOO2) gồm 33 trạm do Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện.
Ông Võ Anh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp - Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho biết: Theo kế hoạch, năm 2020 chúng tôi sẽ vận hành 33 trạm với điều kiện sớm được bàn giao mặt bằng, hạ tầng cũng như toàn bộ hệ thống để liên danh mới có thể tiếp nhận. Đây là một khó khăn mà sắp tới chúng tôi phải nhờ sự vào cuộc của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ để các liên doanh này sẽ nhanh chóng tiếp cận được các trạm BOT.
Tăng tốc triển khai thu phí tự động không dừng |
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, giai đoạn 1 của dự án thu phí tự động không dừng thực hiện tại tổng số 44 trạm. Tuy nhiên, đến nay cả nước mới có khoảng 900.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện được dán thẻ thu phí không dừng. Trong khi đó, tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng cũng rất thấp, đạt khoảng 20%.
Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người dùng thấp là do chưa có sự kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông vài tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Tổng cục sẽ sớm xử lý vấn đề này. Khi đó chủ phương tiện sẽ không lo để nhiều tiền trong tài khoản giao thông mà không được hưởng lãi. Thay vào đó, chủ phương tiện có thể chủ động chuyển số tiền theo nhu cầu sử dụng vào tài khoản giao thông.
Ngoài lý do trên, nhiều phương tiện sau khi được Công ty TNHH Thu phí tự động - VETC dán thẻ Etag miễn phí lần đầu nhưng sau đó bán phương tiện thì chủ xe sau không đăng ký lại, do phải tốn phí.
Bên cạnh đó, theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc VETC, có một bất cập là những khách hàng sử dụng dịch vụ đi vào làn ETC thì cần được ưu tiên nhưng lại đang bị vướng các khách hàng khác đi trước không đúng làn.
Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ cũng đang có hướng xử lý bằng chế tài xử phạt, để tăng ý thức của người tham gia giao thông, tăng lượng sử dụng dịch vụ ETC”.
Tập trung, nỗ lực hết sức để hoàn thành
Để hệ thống thu phí tự động không dừng có thể cơ bản hoàn thành trong năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tập trung, nỗ lực hết sức để triển khai hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Thọ cho rằng, do thu phí tự động không dừng liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và nhiều lĩnh vực vượt thẩm quyền xử lý của Bộ Giao thông Vận tải nên sẽ khó có thể hoàn thành đúng tiến độ nếu không có sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư BOT, ngân hàng tài trợ vốn, nhà cung cấp dịch vụ và người dân.
Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ cũng đang có hướng xử lý bằng chế tài xử phạt, để tăng ý thức của người tham gia giao thông, tăng lượng sử dụng dịch vụ ETC |
Đi vào giải pháp cụ thể, thiết thực, giúp chủ phương tiện thấy được những lợi ích từ chủ trương thu phí tự động không dừng, nhận được sự hưởng ứng, cộng hưởng từ chính các chủ phương tiện, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại có giải pháp kết nối liên thông tài khoản cá nhân với tài khoản giao thông, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc trả sau để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng.
Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương yêu cầu các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gương mẫu dán thẻ và tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng đối với tất cả các phương tiện do mình quản lý để tăng cường hiệu quả hệ thống thu phí tự động không dừng.
Bên cạnh đó, Bộ tiến hành xử phạt xe không dán thẻ cố tình đi vào làn thu phí không dừng; Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ủng hộ và sử dụng dịch vụ; Triển khai thu phí tự động không dừng là giải pháp tối ưu, minh bạch hóa thu phí tại các trạm thu phí hoàn vốn BOT.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí do địa phương quản lý đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung đôn đốc các nhà cung cấp dịch vụ thu phí, các nhà đầu tư BOT thực hiện đúng các nội dung Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Quyết định 19/2020.
“Bộ Giao thông vận tải sẽ phối với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xử lý các vướng mắc liên quan đến việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do VEC quản lý, đảm bảo sớm triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Thọ cho biết.