Tạo dựng thói quen, nếp đọc sách cho học sinh
Ngày hội sách và văn hoá đọc: Mở sách – Mở tương lai |
Lan tỏa sách và văn hóa đọc đến học sinh
Trong thời đại của công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc đọc sách đang dần trở nên xa lạ với học sinh. Tuy nhiên, đọc sách lại có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình học tập và phát triển bản thân. Do đó, việc xây dựng văn hóa đọc sách sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục và giúp các em học sinh có những trải nghiệm tuyệt vời.
Học sinh Trường THCS Thành Công hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 |
Nhằm tạo ra một môi trường học tập thân thiện với sách trong trường học, thời gian qua, Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên tổ chức các hoạt động đọc sách cho học sinh. Trong mỗi lớp học, nhà trường đều xây dựng tủ sách để khuyến khích học sinh đọc trong thời gian nghỉ.
Bên cạnh đó, để tăng sự hứng thú đọc sách của học sinh, Ban Giám hiệu Trường THCS Thành Công cũng chỉ đạo tăng cường một số hoạt động ngoài trời như: Hoạt động vẽ tranh minh họa cho bìa cuốn sách em yêu, sân khấu hóa các tác phẩm có giá trị, giới thiệu sách hay trước toàn trường hàng tháng…
Theo bà Trần Thị Quỳnh Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công, hoạt động đọc được học sinh tham gia khá đông đảo, tuy nhiên còn một số con ngại đọc sách nhiều chữ, chỉ thích đọc truyện tranh. Do đó, các hoạt động đọc sách đều phải hướng học sinh đến với các sách có giá trị văn chương và thực tiễn sâu sắc, hấp dẫn.
“Hiện nay, nhà trường đang xây dựng thư viện hiện đại với các hoạt động phong phú để học sinh vào đọc sách và tham gia các hoạt động. Các tiết học ở thư viện được thiết kế hấp dẫn. Điều này giúp học sinh có cơ hội đọc sách, tìm hiểu thêm kiến thức ngoài sách giáo khoa; Đồng thời để giáo viên có thêm tư liệu tra cứu khi giảng dạy”, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công cho biết.
Tủ sách miễn phí tại Thư viện yêu thương (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) |
Còn đối với Trường THCS Thanh Quan (quận Hoàn Kiếm) cũng có nhiều phong trào đọc sách rất đáng khích lệ. Mỗi tháng một lần, trường sẽ tổ chức 1 tiết giới thiệu sách dưới sân trường và trao thưởng, tặng quà cho phần giới thiệu sách hay nhất.
Đồng thời, các hoạt động trải nghiệm đọc sách cũng được trường ưu tiên. Điển hình trong Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2023 được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh khối 7 và khối 8 tham gia.
Trực tiếp dẫn học sinh tham gia các hoạt động thực tế về đọc sách, cô Nguyễn Phương, giáo viên môn Nghệ thuật chia sẻ: “Trường THCS Thanh Quan luôn nêu cao tinh thần đọc sách của học sinh, tạo điều kiện hết mức để học sinh có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm liên quan đến sách và văn hóa đọc. Là giáo viên mình cũng rất vui khi học sinh hứng thú với những hoạt động về sách như thế này”.
Theo khảo sát, hiện nay nhiều trường trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm), Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa), THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân), Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên)… Ban Giám hiệu các nhà trường đã xây dựng các thư viện xanh, thư viện thân thiện.
Cùng với đó, vị trí đặt tủ sách cũng được nhà trường quan tâm, như kê tủ sách ở hành lang, khuôn viên trường học để mỗi ngày có nhiều học sinh dễ dàng nhìn thấy sách và đọc.
Xây dựng thói quen đọc sách ngay từ gia đình
Thực tế, việc xây dựng văn hóa đọc sách cho học sinh không chỉ giúp cải thiện kỹ năng đọc và hiểu sách, mà còn giúp các em phát triển trí tuệ, tăng cường khả năng tư duy, trau dồi kiến thức và mở rộng tầm hiểu biết. Đọc sách cũng giúp nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và văn hóa, giúp các em trở thành những công dân có trình độ và có kiến thức.
Chị Nguyễn Thúy Giang (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân mình làm trong ngành giáo dục nên mình rất hiểu tầm quan trọng của việc đọc sách. Ngay từ khi các con còn nhỏ, mình đã hướng cho con đến đọc sách, nhất là sách liên quan đến kỹ năng sống. Bây giờ mạng Internet phát triển, nhiều bạn ít đọc sách hẳn nhưng con mình vẫn giữ được thói quen đọc sách”.
Hoạt động trải nghiệm về văn hóa đọc thu hút nhiều học sinh. |
Theo nhà văn, nhà báo Phạm Hồng Tuyến, đối với học sinh hiện nay, đọc sách không phải việc bắt buộc nhưng là điều kiện cần và đủ để các em phát triển tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn. Bởi đôi khi, đọc sách không dừng lại ở việc đọc mà còn chia sẻ, chữa lành cho những tâm hồn đang tổn thương.
“Để gìn giữ và phát huy văn hóa đọc, trước hết xuất phát từ gia đình rồi lan tỏa ra cộng đồng. Ở nhà, bố mẹ có thể hướng dẫn và đọc sách cùng con để rèn thói quen, nếp đọc sách. Đọc sách là hành trình dài, mỗi ngày tích lũy một chút, học sinh mới dần thích và yêu sách hơn.
Từ năm 2021, ngày 21/4 trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, những ngày này hoạt động đọc và bán sách được tổ chức rầm rộ. Nhưng đây là hoạt động hiệu quả trong thời gian ngắn, mang tính hình thức. Để “giữ lửa” văn hóa đọc cần những hoạt động định hướng mang tính lâu dài hơn như xây dựng thư viện sách miễn phí, câu lạc bộ đọc sách, tổ chức đọc sách theo kế hoạch hàng tuần, hàng tháng...”, bà Phạm Hồng Tuyến cho biết thêm.
Hiện nay, có một số sách kém chất lượng, biên soạn cẩu thả, kiến thức lạc hậu và ngôn từ phản cảm, thiếu tính giáo dục trà trộn vào thị trường, khiến nhiều bạn đọc quay lưng, người trẻ kém hứng thú trong việc "nghiền ngẫm" sách. Vì vậy, các nhà biên soạn, xuất bản nên chú trọng hơn trong việc kiểm chứng thông tin, nội dung trước khi sách được in ấn và đến tay người đọc, nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách, từ đó lan tỏa và phát triển văn hóa đọc một cách bền vững.