Tập đoàn UOB mở rộng quy mô kinh doanh ngân hàng bán lẻ tại khu vực ASEAN
Theo đó, mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup có tổng giá trị tài sản ròng khoảng 4 tỷ đô la Singapore và cơ sở dữ liệu khách hàng khoảng 2,4 triệu người tính vào ngày 30 tháng 6 năm 2021, tạo ra thu nhập khoảng 0,5 tỷ đô la Singapore trong nửa đầu năm 2021. Ngoại trừ các chi phí giao dịch một lần, việc sáp nhập dự kiến được mong đợi sẽ tích lũy ngay lập tức vào thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của UOB.
UOB dự định chuyển các nhân viên thuộc mảng ngân hàng tiêu dùng gia nhập tập đoàn như một phần của việc sáp nhập. Việc sáp nhập dự kiến sẽ tiếp tục củng cố và phát triển các thương hiệu của UOB tại khu vực ASEAN.
Tổng số tiền dự tính cho việc sáp nhập dự kiến sẽ được tính toán dựa trên tổng số tiền thực thu tương đương với 915 triệu đô la Singapore cộng với giá trị tài sản ròng của mảng Ngân hàng Tiêu dùng khi hoàn thành việc sáp nhập. Việc sáp nhập dự kiến sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn thặng dư của UOB và ước tính làm giảm tỷ lệ CET1 của UOB là 70 điểm cơ bản trở thành 12,8%, dựa trên tình trạng vốn của UOB tính vào ngày 30 tháng 9 năm 2021. Việc ảnh hưởng đến tỷ lệ CET1 dự kiến không lớn và sẽ phù hợp với các quy định pháp luật.
Việc hoàn thành sáp nhập ở mỗi quốc gia sẽ tùy thuộc vào việc có được các phê duyệt theo quy định pháp luật phù hợp tại từng quốc gia và tại Singapore. Uớc tính việc sáp nhập sẽ hoàn thành vào giữa năm 2022 đến đầu năm 2024, tùy thuộc vào tiến độ và kết quả của quá trình phê duyệt theo quy định. Citigroup sẽ hỗ trợ UOB và các công ty con của UOB trong quá trình chuyển đổi khách hàng và nhân viên của mảng Ngân hàng Tiêu dùng sang UOB để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc (CEO) Tập đoàn UOB, cho biết “Việc sáp nhập mảng kinh doanh bán lẻ của Citigroup tại các thị trường trọng điểm của Tập đoàn UOB là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam là một cơ hội tuyệt vời đến đúng thời điểm. UOB tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của khu vực Đông Nam Á và chúng tôi đã có sự cam kết, chọn lọc và kiên nhẫn trong việc tìm kiếm các cơ hội phù hợp để phát triển.
Tùy thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý, chúng tôi mong đợi việc tích hợp danh mục đầu tư chất lượng, đồng thời tạo ra giá trị cho việc mở rộng cơ sở khách hàng, nhân viên và các bên liên quan khác. Việc sáp nhập kinh doanh, cùng với việc nhượng quyền tiêu dùng trong khu vực của UOB, sẽ tạo thành một tổ hợp mạnh mẽ giúp mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh của Tập đoàn UOB và nâng cao vị thế của chúng tôi như một ngân hàng hàng đầu trong khu vực ASEAN”.
Chiến lược bán lẻ của UOB bao gồm việc khai thác sự thịnh vượng ngày càng tăng ở thị trường Đông Nam Á, thu hút và phục vụ khách hàng thông qua nền tảng ngân hàng kỹ thuật số, UOB TMRW, đồng thời đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng thông qua phương pháp tiếp cận đa kênh khi khách hàng tiếp tục tăng trưởng dài hạn về tài sản. Việc sáp nhập dự kiến sẽ mở rộng hệ sinh thái đối tác của UOB và dự kiến sẽ tăng gấp đôi cơ sở khách hàng bán lẻ hiện tại của UOB tại cả bốn thị trường, đẩy nhanh mục tiêu phát triển cơ sở khách hàng nhanh hơn 5 năm.
Tập đoàn UOB mong muốn được chào đón các khách hàng và nhân viên của Citigroup và sẽ cập nhật tiến độ của việc sáp nhập dự kiến đến các khách hàng và nhân viên trong những tháng tiếp theo.
Credit Suisse (Singapore) Limited đóng vai trò là cố vấn tài chính cho Tập đoàn UOB trong thương vụ sáp nhập dự kiến và Allen & Overy LLP (Singapore) đóng vai trò là cố vấn pháp lý.