Tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh
Nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh có chất lượng, những năm gần đây, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thạch Thất cũng như Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Thạch Thất đã xây dựng kế hoạch, triển khai truyền thông khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các xã trên địa bàn.
Các phương pháp khám sàng lọc được triển khai thực hiện tại trạm gồm: Siêu âm sàng lọc các dị tật thai nhi trước sinh được thực hiện 3 lần vào các tuần thai 12 - 14 tuần, 16 - 22 tuần và 32 tuần; xét nghiệm sàng lọc trẻ sơ sinh bằng cách lấy máu gót chân khi trẻ mới sinh để xét nghiệm sàng lọc các bệnh bẩm sinh.
TTYT huyện Thạch Thất tổ chức tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh cho 35 cán bộ y tế của Bệnh viện Thạch Thất, TTYT, trạm y tế các xã thị trấn. |
Xét nghiệm sàng lọc sơ sinh bằng phương pháp lấy máu gót chân là xét nghiệm sàng lọc bệnh bẩm sinh hiệu quả. Thông qua xét nghiệm lấy máu gót chân bố mẹ có thể biết được trẻ có mắc bệnh nguy hiểm nào không để tìm phương án điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa những hệ lụy xấu cho sức khỏe của trẻ.
Lấy máu gót chân là phương pháp dùng kim chích 1 - 2 giọt máu ở chân trẻ sơ sinh rồi thấm vào giấy chuyên dụng, để khô, sau đó bắt đầu xét nghiệm và sẽ có kết quả trong một thời gian nhất định. Mục đích của xét nghiệm này nhằm phát hiện sớm những bệnh liên quan đến nội tiết hay rối loạn di truyền từ khi bé chào đời.
Xét nghiệm lấy máu gót chân dành cho bé sơ sinh 2 - 7 ngày tuổi. Thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện xét nghiệm là khi bé đủ 24 giờ sau sinh vì như vậy sẽ sớm có kết quả và cũng như sớm có biện pháp bảo vệ bé hiệu quả.
Với những bé sinh non hoặc thiếu cân thì nên thực hiện xét nghiệm này trước ngày thứ 20. Nếu trẻ phải truyền máu sau sinh thì có thể lấy máu xét nghiệm sau thời gian 3 tháng.