Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh phục hồi các ngành kinh tế
Trên 25.000 doanh nghiệp thành lập mới
Báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Cùng với công tác phòng, chống dịch, TP luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Kinh tế của Thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý III. Theo cập nhật mới nhất từ Tổng Cục thống kê, GRDP 6 tháng đầu năm của TP đạt 6,02%; 9 tháng đạt 1,44% (do tác động của dịch bệnh, GRDP quý III tăng trưởng âm 6,89%), quý 4 tăng 6,69% và GRDP cả năm của thành phố là 2,92%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng khoảng 1,9-2,4%.
Một số lĩnh vực phục hồi tốt sau thời kỳ giãn cách xã hội: Sản xuất công nghiệp, xây dựng (trung bình 6 tháng đầu năm đạt 7,64%; Quý III là - 6,79%; Quý IV đạt 8,04% và ước cả năm đạt 3,85%); Dịch vụ (trung bình 6 tháng đầu năm đạt 5,87%; Quý III là - 7,66%; Quý IV đạt 6,84% và ước cả năm đạt 2,71%); Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (đạt 3,46%)... đóng vai trò quan trọng thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại kỳ họp |
Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán Trung ương giao và các cấp, các ngành của TP sẽ nỗ lực, cố gắng để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất chỉ tiêu được giao. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 84.734 tỷ đồng, đạt 87,2% dự toán Trung ương giao, trong đó chi đầu tư phát triển là 38.887 tỷ đồng (đạt 84,3% dự toán thành phố giao và đạt 93,3% dự toán trung ương giao), chi thường xuyên là 45.437 tỷ đồng (đạt 95,9% dự toán); Cân đối ngân sách được giữ vững.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ. TP có trên 25.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 345 nghìn tỷ đồng.
TP đã thành lập “Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021”, “Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do COVID-19”; Thực hiện kế hoạch tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng...
Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, TP đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước. Thực hiện gia hạn, miễn, giảm trên 25,6 nghìn tỷ đồng cho khoảng 212,84 nghìn lượt doanh nghiệp, người nộp thuế.
Đến nay, TP đã hỗ trợ cho trên 5,1 triệu lượt người dân, hộ kinh doanh với số tiền hỗ trợ là trên 6.000 tỷ đồng; Trong đó, MTTQ các cấp của TP đã hỗ trợ trên 966 tỷ đồng. Ngân sách TP tiếp tục bổ sung 500 tỷ đồng vào nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP để hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi… Thành phố đã hỗ trợ, giải quyết việc làm cho trên 160 nghìn lao động; hỗ trợ học nghề cho trên 1.200 người; Tổ chức 160 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng được trên 10.000 lao động. Trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 57.000 người.
Thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như tuyên truyền phòng, chống COVID-19. Triển khai quét mã QR, khai báo y tế điện tử; Thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4; Triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn thành phố (đã có trên 99% tổ chức, doanh nghiệp thông báo phát hành hóa đơn điện tử)... nhờ đó đã đảm bảo tiến độ công việc trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.
Thành phố đã hoàn thành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về CNTT trong giai đoạn 2021-2025: Phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử, Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng.
Thành phố cũng đã hoàn thành phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử (với tổng diện tích 2.710ha) và một đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung, 2 đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị, 19 đồ án đang thẩm định...
Hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm, phát triển, tổ chức giao thông đảm bảo an toàn, thông suốt. Thành phố đã nhận bàn giao và vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; Triển khai 97 dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông; Mở mới 14 tuyến xe buýt; Bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt...; Đã hoàn thành 6 dự án nhà ở thương mại, 2 dự án nhà ở xã hội, 5 dự án tái định cư; Tiếp tục triển khai, hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh với gần 300.000 cây xanh các loại, trong đó có trên 100.000 cây đô thị...
Công khai minh bạch các thông tin quản lý, điều hành
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế, như: Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn chưa được kịp thời, còn lúng túng; Công tác tổ chức triển khai phòng, chống dịch COVID-19 tại một số địa bàn đôi khi còn bị động, chưa quyết liệt; Tâm lý chủ quan, lơ là của một số bộ phận cơ quan, đơn vị, người dân trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là khi đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19; Hệ thống y tế, nhất là y tế cấp cơ sở cần tiếp tục được tăng cường; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp...
Hà Nội đẩy nhanh phục hồi kinh tế (Ảnh minh họa) |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, cùng với việc thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, UBND TP đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, UBND TP sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp... từng bước hình thành chính quyền số, phát triển đô thị thông minh.
TP cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp tục tận dụng có hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh gắn với triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ, thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối.
Thành phố cũng thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách; Quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngày từ đầu năm; Đồng thời tháo gỡ khó khăn đối với các dự án ngoài ngân sách, tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư từ người dân và doanh nghiệp; Đa dạng hóa mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng thời, TP nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thực hiện bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Tiếp tục rà soát, quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa; Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cũng đề cập đến giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập và tích hợp các quy hoạch chuyên ngành của thành phố vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; Triển khai thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và hoàn thành xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2040; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, các trục xuyên tâm, kết nối liên vùng...