Tập trung vào yếu tố con người để nâng cao chất lượng phục vụ
Sáng 13/12, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính TP Hà Nội”.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo |
Chỉ ra những tồn tại gắn với trách nhiệm của từng cấp, ngành
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh khẳng định, những năm qua, công tác cải cách hành chính tiếp tục được TP Hà Nội xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt, điều hành toàn diện, đồng bộ các nội dung cải cách hành chính, từ cải cách thể chế, thủ tục hành chính đến cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Từ năm 2019 đến nay, việc triển khai khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc TP (30 quận, huyện và 22 sở, ngành) được Hà Nội triển khai thường xuyên, liên tục. Thông qua đó, các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc TP nắm bắt được nhu cầu, kỳ vọng của người dân để có những giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung cấp dịch vụ của mình nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân và tổ chức.
Hiện có nhiều phương pháp, cách thức, công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; trong đó, Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh phát biểu tại Hội thảo |
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Hội thảo nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành TP trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị; đánh giá thực trạng, phân tích kết quả Chỉ số SIPAS của TP những năm gần đây; làm rõ mặt mạnh cần phát huy, mặt yếu cần khắc phục và chỉ ra nguyên nhân những tồn tại gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị.
"Thông qua các tham luận tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng báo cáo, kiến nghị, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội, báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND TP để chỉ đạo, điều hành.
Đồng thời phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân vào quá trình thực thi và giám sát việc thực thi chính sách, góp phần đẩy mạnh, nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô thời gian tới"- Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định.
Chưa hài lòng với vị thế và điều kiện hiện có
Tại Hội thảo, các ý kiến đại điểu đã làm rõ thêm những hạn chế, khó khăn trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính TP và đưa ra giải pháp trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh phát biểu tại Hội thảo |
Từ góc nhìn doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng: Sự phát triển kinh tế Thủ đô thời gian qua là kết quả hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó, nổi bật động lực thể chế và khai thác các nguồn lực tư nhờ cải thiện môi trường đầu tư. Chỉ số cải cách thủ tục hành chính ngày một nâng cao, các ngành thường xuyên rà soát loại bỏ những nội dung bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi kỳ vọng TP Hà Nội sẽ phát huy được thành quả và tạo đột phá cho sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới. Nhất là phát triển kinh tế với những đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, nền công vụ hiện đại, đổi mới công tác cán bộ, công chức thực sự vì cộng đồng doanh nghiệp, người dân để tạo nên bước ngoặt lớn”- ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Cù Ngọc Trang, kết quả này chưa làm TP hài lòng với vị thế và điều kiện mà TP đang có. Nguyên nhân có thể thấy được một phần do TP Hà Nội là địa bàn đông dân cư (10 triệu dân và khoảng hơn 350 nghìn doanh nghiệp), số lượng đơn vị hành chính của cấp huyện nhiều, số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết hàng năm lớn (trung bình từ 3,5 - 4 triệu hồ sơ/năm). Do đó, yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng phục vụ trong việc giải quyết thủ tục hành chính cũng cao hơn nên việc cải cách thủ tục hành chính của Hà Nội có thể nhận thấy sẽ phức tạp hơn.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo |
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chỉ rõ, quy trình thủ tục hành chính đòi hỏi nhiều thủ tục và tài liệu, gây ra sự bất tiện và tốn thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan chức năng.
Thông tin về quy trình, thủ tục và chính sách của các cơ quan, đơn vị không được cung cấp một cách rõ ràng và đầy đủ, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc hoàn thành các yêu cầu cần thiết. Một số cán bộ, công chức còn hạn chế về năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ và cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc chuyên môn được giao, dẫn đến kết quả đạt được còn hạn chế… đã dẫn đến việc người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị.
Chú trọng nhân tố con người
Đề xuất giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam đề nghị tiếp tục nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước, cụ thể các Sở, cơ quan ngang Sở, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quy chế công khai, minh bạch trên cơ sở các quy định pháp luật về công khai, minh bạch đối với lĩnh vực quản lý, thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng phát biểu tại Hội thảo |
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng cho rằng, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp, có hiệu quả. Chất lượng của cán bộ, công chức hành chính là yếu tố cơ bản, quyết định tới hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, nên việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này cần thực hiện thường xuyên.
Do đó, cần có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với Nhân dân. Bên cạnh đó, TP tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, như hệ thống máy tính, các phần mềm tích hợp, hệ thống trực tuyến để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch đơn giản, nhanh, giảm thiểu chi phí đi lại.
Với những đặc thù của quận và công tác chuyển đổi số hiện nay, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất giải pháp xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường trên cơ sở ghép các Bộ phận một cửa của các phường có địa giới hành chính liền sát nhau và chọn một phường có trụ sở bảo đảm về diện tích, thuận lợi về giao thông để đặt trụ sở Trung tâm.
Trung tâm này sẽ có chức năng là cơ quan đầu mối tập trung thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính và trả kết quảgiải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; tham mưu các giải pháp cải cách thủtục hành chính, hiện đại hóa hành chính.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải kết luận Hội thảo |
Tiếp thu các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong thời gian tới TP sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm những giải pháp đột phá, hiệu quả để nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức.
Trong đó, TP sẽ ưu tiên nội dung người dân, tổ chức quan tâm, kỳ vọng sự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền TP; bảo đảm sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân vào hoạt động quản lý của các cấp chính quyền.
Thành phố cũng sẽ tập trung rà soát, đưa một số nội dung chính sách thiết yếu, đặc thù vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kênh phản ánh, kiến nghị để cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân…