Đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân
Không ngừng cải thiện
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược được đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các địa phương cần xác định đầu tư tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Mới đây nhất, ngày 5/5, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 169/TB-VPCP kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tại phiên họp thứ tư. Theo đó, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu một số chỉ tiêu; Trong đó, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, phấn đấu năm 2023 đạt trên 85%, đến năm 2025 đạt 95%; Tỷ lệ giải quyết đúng hạn thủ tục hành chính đạt trên 90%...
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội |
Để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hành động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2022) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022) vừa được công bố tháng 4 vừa qua, chỉ số PAR Index năm 2022 của thành phố Hà Nội có sự bứt phá ngoạn mục, đạt 89,58%, vươn lên xếp vị trí thứ 3 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 7 bậc so với năm 2021).
So với năm 2021, có 5/8 chỉ số nội dung tăng là: “Cải cách thể chế” đạt 94,33% (tăng 6,73%); “Cải cách tổ chức bộ máy” đạt 94,05% (tăng 4,14%); “Cải cách chế độ công vụ” đạt 87,72% (tăng 3,72%); “Cải cách tài chính công” (tăng 3,18%); “Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố” đạt 88,63% (tăng 6,07%). Có 3/8 chỉ số nội dung giảm là “Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính” đạt 93,89% (giảm 5,16%); “Cải cách thủ tục hành chính” đạt 94,16% (giảm 5,76%); “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” (giảm 5,85%).
Theo phân tích của Sở Nội vụ, kết quả năm 2022 tăng vượt bậc là do điểm thẩm định tăng từ 61,98% lên 62,87% (tăng 0,89% so với năm 2021), điểm điều tra xã hội học (không bao gồm Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS) tăng từ 17,85% lên 18,59% (tăng 0,74% so với năm 2021).
Trong năm 2022, thành phố đã tập trung triển khai các nội dung cải cách hành chính theo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; Đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra tại kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021.
Thành phố đã tổ chức thành công hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính năm 2022 và hội nghị nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Tại đây, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chỉ đạo, khuyến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, duy trì, cải thiện Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS của Hà Nội.
Đặc biệt, Hà Nội đã duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cải thiện, nâng cao chỉ số PAR Index, chỉ số SIPAS do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Tổ trưởng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra cải cách hành chính, trong đó, tập trung vào các những nội dung bị đánh giá thấp, những nội dung liên quan tới đời sống dân sinh.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của thành phố vẫn còn một số tồn tại, như: Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện, chưa vận hành chính thức cũng gây khó khăn cho các đơn vị trong việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Việc thực hiện số hóa tại bộ phận "một cửa” các sở, ngành và bộ phận "một cửa” của UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra do thiếu hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử của Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan...
Để cải thiện các chỉ số còn thấp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ 2 ngày sau khi Chỉ số PAR Index năm 2022 được công bố, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên họp thứ nhất.
Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp thứ nhất |
Báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số quý I/2023 của thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, 100% cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính (CCHC), lồng ghép với kiểm tra công vụ và sớm triển khai kiểm tra.
Về nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023, Ban Chỉ đạo thành phố tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thành phố chỉ đạo triển khai hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ còn chậm muộn trong quý I/2023 và hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ đã được đề ra trong quý II/2023 tại các kế hoạch CCHC năm 2023 của UBND thành phố; Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội. Đồng thời, thành phố tăng cường kiểm tra việc thực hiện CCHC, kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra việc thực hiện và công khai hằng tháng kết quả nhiệm vụ của trung ương, thành phố giao.
Tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Trần Sỹ Thanh ghi nhận kết quả đạt được, đồng thời đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu giúp thành phố để có các giải pháp khắc phục kết quả các chỉ số về cải cách hành chính cao hơn. Trong đó, phân công phân nhiệm rõ ràng và có tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Văn phòng UBND thành phố đánh giá lại việc phân cấp ủy quyền vừa qua để từ đó sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, tiếp tục đưa ra các quy trình xử lý công việc tốt hơn, tránh những “lực cản” trong cải cách hành chính, làm sao để công tác cải cách hành chính của thành phố mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP lưu ý về công tác phối hợp giữa các đơn vị sở ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, nhất là công tác trao đổi thông tin giữa các cá nhân, đơn vị. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đơn vị phải lập lại quy chế làm việc, công tác phối hợp giữa các sở ngành, quận, huyện, để ngày một nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng phục vụ của các cơ quan, đơn vị.