Tết Đoan ngọ và những câu chuyện thú vị của giới trẻ
Người dân Hà Nội sắm đồ cúng cho Tết Đoan Ngọ |
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ. Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày 5/5 Âm lịch. Tết Đoan Ngọ còn có cái tên khác là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ bắt đầu giữa trưa. Trong Hán Việt, Đoan có nghĩa là mở đầu, còn Ngọ là giờ buổi trưa, Dương là mặt trời.
Tết Đoan ngọ năm nay thật đặc biệt với nhiều bạn trẻ |
Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau. Theo đó, một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi.
Lão ông còn bảo thêm: “Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn sẽ trị được chúng”. Dân chúng biết ơn định cảm tạ nhưng ông lão đã đi đâu mất.
Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày 'Tết diệt sâu bọ', có người gọi là 'Tết Đoan Ngọ', vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ của ba miền |
Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5. Cách trừ sâu bọ trong người như sau: Mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Rồi bước chân ra khỏi giường ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Fanpage Chuyện của Hà Nội chia sẻ những cảm xúc đặc biệt về ngày Tết Đoan ngọ: Vào ngày này nếu là khi còn bé, sẽ bị mẹ gọi dậy thật sớm, đánh răng rửa mặt rồi ngồi vào bàn ngay ngắn cùng cả nhà. Mẹ chia rượu nếp cẩm từ chiếc liễn to vào từng chén con con, bóc vải thiều hồng xếp lên đĩa nhỏ, bày thêm mận hậu đỏ lừ và xắt bánh gio thành từng miếng nhỏ xinh, rưới mật mía vàng ươm. Bữa sáng ngày Tết Đoan Ngọ lúc nào cũng đặc biệt và đáng mong chờ nhất trong năm.
Gia đình làm nông từ thời các cụ, nên Tết Đoan Ngọ còn có ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu. Mấy năm xa nhà, nếu không có ai nhắc thì cũng quên mất ngày tháng, cũng chẳng bao giờ nhớ giết sâu bọ là như thế nào. Chỉ khi vùng dậy từ cơn muộn làm, phóng xe ra đường thấy mọi người tấp nập đi mua rượu nếp, hoa quả, đồ thắp nhang, lòng thấy lạc lõng vô cùng. Cô đơn giữa thành phố không phải là cảm giác chuyện tình cảm vừa mới rạn vỡ, mà là khoảnh khắc ai ai cũng tấp nập trên đường đông rồi phóng xe về với mái ấm, riêng mình chẳng biết đi đâu bây giờ. Năm nay mọi người đón Tết Đoan Ngọ như thế nào?
Fanpage Chuyện của Hà Nội bày tỏ cảm xúc thú vị trong ngày này |
Trần Hoài Thu, sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương xúc động chia sẻ về ngày Tết Đoan ngọ: "Còn nhớ ngày bé ở nhà, vào buổi sáng sớm của ngày Tết Đoan ngọ, bà nội gọi dậy từ sớm, đưa cho mình quả mận rồi dẫn ra mình cái cây to nhất trong vườn để làm nghi thức "giết sâu bọ". Bà cầm tay mình gõ gõ quả mận vào thân cây rồi đọc bài thần chú gì đó. Khi nào bà đọc xong thì mới được ăn. Nội bảo làm thế để đuổi sâu bọ trong người đi, không bị đau bụng, không bị còi cọc nữa.
Năm nào cũng vẫn một nghi thức đó. Mình cá rằng, trong trí óc non nớt của một đứa trẻ lúc bấy giờ sẽ chẳng biết vì sao lại gọi là Tết đoan ngọ, hay tại sao lại là ngày "giết sâu bọ". Khoảnh khắc ấy mình thấy Nội giống như một bà tiên trong chuyện cổ tích, có phép thuật đuổi được sâu bọ trong người mình ra và ban cho mình thêm sức mạnh vậy.
Mấy năm nay đi học xa nhà, chẳng còn biết ngày Tết Đoan ngọ là gì nữa. Nhưng cứ đến ngày này lại thấy nhớ Nội ghê gớm. Sáng trước khi đi làm tranh thủ gọi về nhà. Nội bảo Nội vẫn đang chờ mình về "giết sâu bọ" với Nội. Mình chỉ cười rồi nói lí nhí trong điện thoại: "Năm nay con cũng mua mận rồi, chỉ thiếu là không được ở cạnh Nội thôi!"".
Lang thang Hà Nội gửi lời chúc đến cộng đồng mạng nhân ngày Tết Đoan ngọ |
Trương Hồng Nhung, sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế Quốc dân gửi lời chúc tới mọi người: “Vào ngày Tết Đoan Ngọ, chúc mọi người có một ngày tết vui vẻ, quây quần bên những người thân yêu và thưởng thức bánh tro, cơm rượu nếp nhé. Gửi đến tất cả mọi người những lời chúc sức khỏe, bình an chân thành nhất!”.
Cùng với những câu chuyện thú vị, cộng đồng mạng còn chia sẻ rất nhiều hình ảnh về mâm cỗ cúng của ngày Tết Đoan ngọ năm nay.
Các bạn trẻ cùng nhau khoe các mâm cỗ cúng ngày Tết Đoan ngọ |