Tết xa nhà của du học sinh
Nguyễn Bá Bình và các bạn đón Tết xa nhà
Bài liên quan
Bất ngờ với gói quà Tết độc đáo của con dâu trưởng
Xuân tình nguyện của tuổi trẻ Hà Đông
Chọn xe tầm giá 500 triệu đồng cho gia đình chơi Tết
Hà Nội: Gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo
Tết Canh Tý 2020 là lần thứ ba Nguyễn Bá Bình, du học sinh ở trường Đại học quốc tế Kyushu (Nhật Bản), không về Việt Nam sum vầy cùng gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Bình chia sẻ: “Năm nay, Tết Nguyên đán “rơi” vào tháng 2 Dương lịch. Thời điểm đó, mình vẫn có lịch học kín. Thêm vào đó, mình và đa số du học sinh đều đi làm thêm để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt nên Tết là “thời điểm vàng” với thu nhập cao hơn hẳn ngày thường. Buồn nhất là thời điểm áp Tết và khoảnh khắc giao thừa. Ở nơi xa, mình chỉ biết gọi điện về để cảm nhận, nhìn thấy mọi người quây quần bên nhau mà ứa nước mắt”.
Xuân năm nay, Bình đã quen với Tết xa quê. “Mình sẽ cùng nhóm bạn Việt Nam tổ chức đón Tết Dương lịch bởi lúc đó mọi người được nghỉ nhiều và không khí Tết bên này cũng náo nhiệt. Mọi người phân công nhau mua sắm đồ làm tiệc tất niên và sắm sửa quần áo. Tết Âm lịch chúng mình khá bận rộn với lịch làm thêm đồng thời vẫn đi học bình thường nên chỉ có thể tranh thủ gọi điện về lúc giao thừa chúc Tết gia đình”, Bình kể.
Cũng nhiều năm đón Tết xa nhà như Bình, Nguyễn Thị Diệu Thúy, du học sinh chuyên ngành Văn hóa ở Trung Quốc nhớ lần đầu tiên đón Tết xa quê hương. Thúy cảm thấy cho dù mọi thứ có đủ đầy, sung túc nhưng vẫn thiếu cảm giác thân thuộc của Việt Nam. “Bên này, bạn bè người Việt vẫn tụ tập, quây quần ăn với nhau bữa cơm sum họp như ở quê. Chỉ khác, đó là khoảnh khắc không ai nhìn vào mâm cơm, mỗi người quay đi một góc gọi điện về cho gia đình với những giọt nước mắt nhớ nhà”, Thúy nhớ lại.
Tết xa nhà luôn mang lại những cảm xúc buồn, vui lẫn lộn với du học sinh. Ở Singapore, dịp Tết Nguyên đán, học sinh sẽ được nghỉ hai ngày. Số ngày nghỉ ít và thường rơi vào kỳ thi giữa kỳ nên đây cũng là một trong các lý do các du học sinh Việt Nam không về nước đón Tết.
Nguyễn Văn Mạnh (sinh viên năm 3, ngành Khoa học máy tính, Đại học Quốc gia Singapore) chia sẻ: “Đây là năm thứ ba, mình đón tết tại Singapore. Ngoài lịch học, một lý do khác khiến chúng mình không về nước dịp Tết là chi phí đi lại khá cao. Việc đặt vé dịp này khá căng và giá cao gấp ba lần so với ngày thường. Ngoài ra, không ít bạn chọn ở lại là để trải nghiệm Tết tại Singapore”.
Đa phần các du học sinh không về nước sẽ tụ họp lại cùng nhau nấu ăn, chuẩn bị mâm cỗ đón Tết. Ngoài ra, các bạn còn tham gia nhiều hoạt động đón năm mới như lễ hội hoa đăng được tổ chức tại khu người Hoa (Chinatown), lễ hội Singapore River Hongbao, lễ hội đường phố Chingay… Các bạn cũng cùng thức để đón giao thừa, gọi điện về chúc Tết những người thân trong gia đình và bạn bè. Nhiều bạn còn thức nguyên đêm để xem Táo quân qua “livestream” trên Facebook.
“Mình học tại Singapore đã 8 năm mà chỉ về Việt Nam đón Tết được ba lần. Người dân ở đây có truyền thống tặng nhau những trái quýt to tượng trưng cho sự may mắn. Du học sinh thường được chủ nhà, bạn học người Singapore mời về nhà đón Tết, ăn món gỏi cá Yu Sheng. Đây là món ăn truyền thống của người dân Singapore vào dịp Tết. Món gỏi này có nhiều nguyên liệu khác nhau, tượng trưng cho một điều may mắn. Trước khi ăn, mọi người sẽ trộn các nguyên liệu với nhau, sau đó họ dùng đũa tung thức ăn lên và hô lời chúc tụng, mong ước cho năm mới”, Thu Hiền (sinh viên ngành Tài chính, Đại học Quốc gia Singapore) kể.
Vào dịp Tết, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore thường tổ chức buổi gặp mặt giao lưu đón Tết cho cộng đồng người Việt. Ở đó, các bạn cũng được thưởng thức đầy đủ hương vị Tết như bánh chưng, giò chả, mứt, gian hàng trò chơi dân gian và chương trình văn nghệ xuân…
Thời điểm Tết, nhiều bạn cũng đặt ra các mục tiêu, mong ước cho năm mới như đạt thành tích tốt trong học tập, gặt hái nhiều thành công trong công việc mới. Điều quan trọng nhất mà đa phần các bạn đều mong ước chính là năm sau sẽ được đón Tết cùng gia đình.