Tết xưa - Tết nay luôn là niềm háo hức
Đáp ứng y tế phục vụ bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn Lan toả bản sắc văn hoá Tết truyền thống với Happy Tết 2024 |
Nhiều giá trị đáng quý
Theo tư liệu lịch sử, người Việt xưa thường tổ chức lễ Tết từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Tết Nguyên đán trong văn hóa Việt Nam không chỉ đánh dấu sự chuyển giao giữa các năm Âm lịch mà còn chứa đựng nhiều giá trị tâm linh và văn hóa đáng quý… Tất cả tạo nên không khí hạnh phúc, đoàn kết, khiến Tết Nguyên đán trở thành khoảnh khắc đáng nhớ, ý nghĩa cho mọi nhà.
Là người đã trải qua Tết Nguyên đán ở thập niên 60 đến nay, bà Lê Thị Tuyết Lan, 62 tuổi (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tết Nguyên đán thời nay đã có nhiều sự khác biệt với ngày xưa, nhất là trong cách đón Tết của thế hệ trẻ hiện nay, vì thời thế thay đổi, kinh tế - xã hội phát triển.
Không ít người bảo rằng, Tết không còn vui chủ yếu do chúng ta đã quá tuổi để cảm nhận niềm vui rồi, hay nói chính xác hơn đó là những niềm vui vô tư của trẻ con ngày Tết. Ngày xưa vui vì mình bé nhất nhà, trách nhiệm chỉ mỗi ăn, ngủ, học, chơi. Còn bây giờ, nhiều người cảm thấy Tết là một thời gian căng thẳng do áp lực kinh tế, kỳ vọng xã hội, chẳng hạn như tặng quà, thăm hỏi người thân…”.
Tết là thời gian để nghỉ ngơi, sum vầy nên ai cũng mong chờ |
Tuy nhiên, theo bà Lan, dù thế nào đi nữa thì Tết xưa hay Tết nay đều là món quà, thời gian nghỉ ngơi được chia đều cho tất cả. Qua mỗi cái Tết, chúng ta càng vỡ lẽ hơn về sự hữu hạn của đời người.
Nhớ lại 25 năm về trước, khi mới là cô bé 10 tuổi, chị Hoàng Nguyệt (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn không quên ký ức mỗi lần Tết đến.
“Hồi bé, mình chỉ mong đến Tết Nguyên đán để được mặc quần áo mới và ăn những bữa cơm ngon hơn hằng ngày. Đó là những bữa cơm có thêm thịt, cá, dần dà những cái Tết có nhiều thịt hơn. Mình được ăn nào thịt lợn, cá trắm nấu đông, giò mỡ, giò nạc, canh miến nấu măng, dưa hành. Mình nhớ buổi tối sát ngày tất niên lại ngồi cùng mẹ bên bếp củi nấu bánh chưng. Rồi mùng một Tết ra nhà văn hoá thôn chơi cù, chơi bi, ô ăn quan cùng các bạn trong làng”, chị Nguyệt chia sẻ.
Tận hưởng Tết theo cách riêng
Chị Hoàng Nguyệt thuộc thế hệ 8X. Ngay bản thân chị cảm nhận và có cách đón Tết rất khác theo thời gian. Chị Nguyệt chia sẻ thêm: “Với mình, Tết Nguyên đán bây giờ là thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả nên mình đặt mua tất cả đồ ăn, thức uống phụ vụ cho 3 ngày chính Tết. Mỗi năm, mình và gia đình đều du xuân đến một địa điểm du lịch nào đó trong nước hoặc nước ngoài để khám phá, tận hưởng cuộc sống hiện đại. Tết nay có sự khách biệt rất lớn so với Tết xưa nhưng với mình đều có những nét đẹp riêng và tuỳ theo cách chúng ta tạo dựng”.
Giới trẻ ngày này có cách tận hưởng Tết của riêng mình |
Bạn trẻ Lê Nhật Linh, 24 tuổi (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) rất yêu Tết vì đó là dịp để cô được quây quần bên gia đình, bạn bè và tận hưởng kỳ nghỉ Tết theo cách của riêng mình. Linh kể, cô thường tự tay trang trí nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn và đi chơi với bạn bè. Năm nay, Linh đã quyết định tổ chức một buổi tiệc Tết cùng nhóm bạn thân của.
Cô chia sẻ: “Mình sẽ chuẩn bị một số món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, thịt kho và mứt Tết; mua một số pháo bông để cùng bạn bè đốt vào đêm giao thừa. Nghĩ đến khoảnh khắc đấy thôi, mình đã cảm thấy rất hạnh phúc khi được chia sẻ niềm vui với những người thân yêu. Mình cũng đã dự định làm rất nhiều điều trong Tết Nguyên đán như: Đi lễ chùa; về quê thăm ông, bà; đi chơi và về ra mắt gia đình người yêu nữa”.
Theo cô gái “2k”, không phải ai cũng đón Tết theo cách truyền thống, nhất là các bạn trẻ. Nhiều người coi Tết là thời gian đặc biệt để tận hưởng cuộc sống theo cách riêng. Cách đón Tết Nguyên đán ngày nay rất đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sở thích cá nhân, truyền thống gia đình và văn hoá của mỗi dân tộc, vùng miền.
“Dù thế nào đi nữa, mình vẫn luôn hào hứng và háo hức mỗi mùa Tết đến. Sắp tới đây, mình và mọi người sẽ có kỳ nghỉ Tết dài, thời gian đó tha hồ để tận hưởng sự thanh nhàn, ấm cúng và sung túc”, Nhật Linh bày tỏ.