“Thần nông” trẻ thời công nghệ số: Việc khó tạo người tài
Bài 115: “Thần nông” trẻ của làng Bát Tràng |
Nhằm góp phần nhân rộng đội ngũ các nhà nông trẻ, giỏi thời 4.0 Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu loạt bài viết “Thần nông" trẻ thời công nghệ số: Việc khó tạo người tài” minh chứng cho khát vọng của người trẻ Việt quyết không để cái nghèo đeo bám, vững vàng làm giàu ngay chính trên quê hương, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bài 1: "Đánh thức" những vùng quê...
Để góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều chương trình, phong trào, hoạt động thiết thực. Từ những hoạt động này thể hiện rõ khát vọng của những người trẻ thay đổi diện mạo quê hương.
Biến thôn, bản nghèo thành nơi đáng sống
Hơn 10 năm qua, phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” được Trung ương Đoàn triển khai rộng khắp, trở thành phong trào sôi động của tuổi trẻ cả nước, thu hút đông đảo thanh niên và Nhân dân tham gia.
Bí thư Trung ương Đpàn Ngô Văn Cương thăm các gian hàng sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên nông thôn |
Phong trào đã cổ vũ, động viên, hướng dẫn thanh niên thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh; Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; Phát triển sản xuất đã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho thanh niên. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của phần lớn thanh niên và cư dân nông thôn được nâng cao. Vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn được phát huy và nâng lên về chất…
Hằng năm, mỗi thanh niên trồng và chăm sóc ít nhất 1 cây xanh; Có ít nhất 50% mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong tổng số mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu do thanh niên làm chủ. Mỗi huyện đoàn hỗ trợ thanh niên xây dựng ít nhất 1 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 100% các hợp tác xã nông nghiệp của thanh niên làm chủ được ứng dụng chuyển đổi số. 100% thanh niên sản xuất nông nghiệp được tập huấn, trang bị kiến thức về chuyển đổi số (tập trung vào truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử). Mỗi tỉnh, thành đoàn hỗ trợ xây dựng ít nhất 3 mô hình “Làng quê đáng sống”. |
Từ phong trào, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo, mạnh dạn của thanh niên cũng như hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn; Triển khai các chương trình như “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), chương trình phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng... Qua đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hằng năm, Tháng Thanh niên hay Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Trung ương Đoàn đều phát động “Ngày cao điểm chung tay xây dựng nông thôn mới”. Hoạt động này đã có những tác động thiết thực, huy động nguồn lực xã hội lớn, làm mới hàng nghìn kilômét đường nông thôn, thắp sáng đường thôn bản, xây mới hàng nghìn cây cầu dân sinh, nhà văn hóa thôn...
Công trình thắp sáng đường quê của các cấp bộ Đoàn góp phần xây dựng Nông thôn mới |
Nhiều mô hình lan tỏa rộng khắp như: “Con đường bích họa”, “Thắp sáng đường quê”, “Tuyến đường kiểu mẫu”, “Giữ sạch cánh đồng quê hương”… đã được đoàn viên, thanh niên thực hiện góp phần xây dựng Nông thôn mới, tạo nên những miền quê đáng sống.
Hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật
Ngoài khuyến khích mỗi cấp bộ Đoàn, mỗi đoàn viên thanh niên nông thôn có việc làm cụ thể để xây dựng thôn, bản trở thành “Làng quê đáng sống”. Trung ương Đoàn và các Tỉnh, Thành đoàn có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho những thanh niên ở lại lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình, như: Tư vấn hỗ trợ kiến thức, giới thiệu mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hỗ trợ vốn thông qua nguồn vốn 120, vốn ủy thác, vốn ưu đãi khác…
Nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn được hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Đoàn |
Đoàn cũng khuyến khích tổ chức đoàn tham mưu cấp ủy chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan để giới thiệu vốn cho đoàn viên thanh niên nông thôn khởi nghiệp, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình. Từ sự hỗ trợ này, nhiều thanh niên nông thôn đã vươn lên làm giàu, tận dụng nguồn tài nguyên bản địa.
Sinh ra ở xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội), từ nhỏ anh Nguyễn Đình Tuệ đã bị mê hoặc bởi những nét tinh xảo của nghề khảm trai truyền thống. Niềm đam mê cùng sự hỗ trợ vốn vay của Đoàn giúp anh vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu trên quê hương.
Tốt nghiệp trung học phổ thông anh Tuệ lên đường đi bộ đội. Những năm tháng trong quân ngũ đã rèn giũa cho anh tính cẩn thân, kiên trì và kỉ luật. Xuất ngũ trở về địa phương anh hăng hái tham gia công tác Đoàn và tìm kiếm các cơ hội lập nghiệp. Khi đó, bố mẹ anh Tuệ đang phát triển trang trại theo mô hình VAC và muốn anh nối nghiệp. Tuy nhiên, anh lại muốn gắn bó với nghề khảm trai.
Đoàn luôn đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp |
Bắt đầu lập nghiệp khó khăn nhất của anh Tuệ là nguồn vốn. May mắn anh được Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ vay vốn thông qua ngân hàng chính sách. Điều này giúp anh Tuệ gây dựng thành công cơ sở khảm trai làm giàu cho bản thân, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Trong thời gian nuôi con nhỏ, chị Phạm Bích Kiều (Quy Nhơn, Bình Định) làm bột ngũ cốc dinh dưỡng rồi rao bán trên mạng xã hội được nhiều người đặt mua. Đến năm 2020, chị Kiều xây nhà xưởng, đăng ký kinh doanh hộ gia đình về ngành nghề sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng… Chị nhập hạt ngũ cốc từ các công ty có uy tín để đảm bảo chất lượng, sau đó rửa sạch, phơi khô, rang rồi đem xay bột để pha chế thành các loại bột ngũ cốc dinh dưỡng.
Quá trình lập nghiệp, nguồn vốn cũng là nỗi lo với chị. Khi nghe thông tin về nguồn vốn vay của Đoàn, chị Kiều đã liên hệ với Đoàn thanh niên của địa phương để được hướng dẫn làm hồ sơ. Khoảng 3 tháng sau, chị được giải ngân vốn vay ưu đãi 200 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị đầu tư mua các máy rang, xay, sấy ngũ cốc… và đầu tư phát triển bao bì, mẫu mã cho sản phẩm.
Thanh niên góp phần xây dựng Nông thôn mới |
Nhờ vậy, cơ sở sản xuất ngũ cốc và kinh doanh nông sản của chị Kiều đã xây dựng được thương hiệu, thị trường ngày càng mở rộng. Trung bình mỗi tháng chị Kiều sản xuất khoảng 100 kg bột ngũ cốc các loại, doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
Không chỉ anh Tuệ, chị Kiều, nhiều thanh niên nông thôn khác đã được Đoàn hỗ trợ vay vốn làm giàu trên quê hương. Ngoài nguồn vốn, Đoàn cũng đồng hành cùng thanh niên minh bạch hóa thông tin trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Tăng cường hỗ trợ thanh niên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số…
(Còn nữa)
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương, để phát huy vai trò của thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng nông thôn mới thôn, bản trở thành những “Làng quê đáng sống”, Trung ương Đoàn triển khai nhiều nội dung, nhiệm vụ. Ngay từ đầu năm, Trung ương Đoàn có hướng dẫn các cấp bộ Đoàn trong việc triển phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Từ đó các cấp bộ Đoàn chọn lựa những giải pháp cụ thể để triển khai cho phù hợp với từng địa phương, đơn vị. |