Tag
Chương trình nghệ thuật giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể “Linh Lang - Khí thiêng hội tụ - Long Biên toả sáng”

Thăng hoa niềm tin, khát vọng Long Biên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Nghệ thuật 08/03/2025 22:22
aa
TTTĐ - Tối 8/3 (tức ngày mùng 9 tháng 2 năm Ất Tỵ), chương trình nghệ thuật giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể “Linh Lang - Khí thiêng hội tụ - Long Biên tỏa sáng” diễn ra tại Cụm di tích đình, chùa Trường Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các nền tảng hệ sinh thái số của Báo Kinh tế & Đô thị. Thông qua các tiết mục nghệ thuật, niềm tin, khát vọng của Long Biên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được thăng hoa, kết tinh và lan tỏa mạnh mẽ.
Pháp tài trợ gần 20 tỷ đồng cải tạo cầu Long Biên Phát huy giá trị di sản phi vật thể trên sân khấu thực cảnh Đạo diễn Mai Thanh Tùng “có duyên” với văn hóa truyền thống

Đến dự chương trình, về phía Trung ương có Trung tướng Vũ Ngọc Thiềm - Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và các đại biểu dự chương trình
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và các đại biểu dự chương trình

Về phía đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Huy Cường - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy.

Các vị đại biểu tham dự chương trình
Các đại biểu tham dự chương trình

Chương trình cũng có sự tham dự của đại biểu đến từ các Ban, Sở, ngành của thành phố Hà Nội và các địa phương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà tài trợ, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo Nhân dân, du khách.

Phát huy giá trị của di sản trở thành sản phẩm văn hóa

Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Long Biên, Trưởng Ban Tổ chức chương trình cho biết: "Chương trình nghệ thuật “Giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Linh Lang - Khí thiêng hội tụ” được quận Long Biên tổ chức đúng vào dịp lễ hội truyền thống tại nhiều di tích thờ Linh Lang Đại Vương đang diễn ra trên cả nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng các vị đại biểu dâng hương tại đình Trường Lâm
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng các đại biểu dâng hương tại cum di tích đình, chùa Trường Lâm

Hoạt động hướng tới mục đích tái hiện một cách đặc sắc nhất về huyền tích Linh Lang Đại Vương; giới thiệu, truyền bá những nghi thức tế lễ cổ của 13 di tích thờ Thần Linh Lang trên địa bàn quận; trình diễn nghi thức múa “Rắn lột” độc đáo của lễ hội đình Trường Lâm…

Thông qua chương trình nhằm tôn vinh các giá trị lịch sử, nét tinh hoa văn hóa, thể hiện nguyện vọng của người dân trong không gian và thời gian linh thiêng; ôn lại truyền thống lịch sử, văn hoá của mảnh đất Long Biên, gắn với truyền thống hào hùng Thăng Long - Hà Nội".

Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng các vị đại biểu dâng hương tại khu lưu niệm Bác Hồ
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng các đại biểu dâng hương tại khu lưu niệm Bác Hồ

Theo đó, chương trình nghệ thuật này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quận Long Biên, là tiền đề và cơ sở để quận tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học, đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể thờ Linh Lang Đại Vương, phát huy giá trị của di sản trở thành sản phẩm văn hóa và nâng tầm Lễ hội thờ Thần Linh Lang lên quy mô cấp quận.

Điều này cũng mở ra cơ hội kết nối, giao lưu, trình diễn di sản với 269 di tích thờ Linh Lang Đại Vương trên cả nước; góp phần lan tỏa các giá trị lịch sử văn hóa tới đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tặng hoa Ban Tổ chức chương trình
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tặng hoa chúc mừng Ban Tổ chức chương trình

Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của quận Long Biên, nhằm cụ thể hóa chủ trương giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể và phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm: "Thấm nhuần lời dạy thi đua, yêu nước của Bác Hồ khi Người về thăm, chúc Tết Nhân dân tại đình Trường Lâm cách đây 67 năm; với niềm tự hào về bề dầy truyền thống lịch sử, văn hoá của mảnh đất Long Biên “Địa linh - Nhân kiệt”; toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Long Biên quyết tâm đổi mới, đoàn kết - sáng tạo, phát huy mọi tiềm năng lợi thế cho sự nghiệp phát triển, sẵn sàng vững bước trong kỷ nguyên mới, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Long Biên, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu khai mạc chương trình
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Long Biên, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc chương trình

“Linh Lang - Khí thiêng hội tụ - Long Biên toả sáng” là chương trình nghệ thuật đặc sắc, được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping. Chương trình sử dụng âm nhạc mang âm hưởng dân gian, hiện đại và công nghệ ánh sáng để thể hiện dòng chảy lịch sử, xuyên suốt qua nhiều giai đoạn.

Các tiết mục được đầu tư công phu, tái hiện huyền tích Linh Lang Đại Vương, tôn vinh tinh thần yêu nước và công tác trị thuỷ của Nhân dân và niềm tin, khát vọng của Long Biên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các cảnh diễn, nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo, âm nhạc hấp dẫn, và đa dạng hình thức thể hiện như: Ca hát, múa, đồng diễn trống, trình diễn áo dài…

Chương trình gồm ba chương: "Linh Lang Đại Vương - Thượng đẳng Phúc thần"; "Hào khí ngàn năm - mạch nguồn di sản" và "Kỷ nguyên vươn mình - khát vọng bứt phá".

Điểm nhấn của chương trình chính là Nghi thức tái hiện “Rước và Tế trong lễ hội Linh Lang Đại Vương” với sự tham gia của đông đảo Nhân dân nhiều thế hệ của quận Long Biên thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng và đặc biệt là nghi thức múa Rắn lột kết hợp trình diễn 3D Mapping đầy tính nghệ thuật và mang nhiều thông điệp sâu sắc.

Trong các nơi thờ Linh Lang Đại Vương, chỉ duy nhất đình Trường Lâm có nghi thức múa Rắn lột. Múa Rắn lột ở đình Trường Lâm là sự kết hợp giữa huyền tích và nghi thức cộng đồng, đề cao tinh thần chống lại thiên tai, địch họa.

Các vũ công chuyên nghiệp kết hợp với kĩ xảo, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại đã tái hiện vô cùng hấp dẫn, huyền ảo, linh thiêng cảnh bạch xà - hiện thân của Linh Lang Đại Vương 3 lần lột xác để hóa thánh.

Hình tượng "bạch xà mình dài muôn trượng" trườn bò mang tính biểu trưng và mong ước của người dân trong việc tiêu thoát lũ, trị thủy để có mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, sung túc.

Kĩ xảo ánh sáng, âm nhạc và các vũ công nhảy, múa, trình diễn xiếc nghệ thuật, sắp xếp tạo hình uyển chuyển, uốn lượn, nối tiếp nhau được lập trình theo kịch bản, với ý đồ nghệ thuật giống như một ma trận huyền bí, thu hút người xem.

Các tiết mục tại chương trình
Các tiết mục tại chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng

Sân khấu chính đặt tại cụm di tích đình, chùa Trường Lâm phường Việt Hưng là dịp để tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể của quận Long Biên cùng hội tụ và toả sáng rạng rỡ. Sự chắt lọc tinh hoa, sự công phu, hoàn hảo trong từng tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ, các đoàn diễn viên quần chúng, tất cả tưởng chung mà riêng, tưởng riêng mà chung. Qua đó góp phần khẳng định sự giàu có, đa dạng của các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn quận Long Biên, thể hiện sự gặp gỡ, giao thoa, gắn kết và lan tỏa.

Đặc biệt, thông qua việc giao lưu, trình diễn nhằm đề cao vai trò của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể, quảng bá giá trị lịch sử các di tích trong hệ thống di tích tôn thờ Linh Lang Đại Vương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch văn hoá tâm linh, nhằm cụ thể hóa nội dung “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn quận Long Biên”.

Thăng hoa niềm tin, khát vọng của Long Biên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chương trình cũng đặc biệt nhắc nhớ sự kiện Bác Hồ về thăm địa phương, những kỷ niệm được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Trường Lâm mãi mãi tự hào và lưu truyền, cũng như kể câu chuyện của Long Biên hôm nay và khát vọng bứt phá trong tương lai.

Thông qua các nghi lễ vô cùng tôn nghiêm và thành kính nhưng không thiếu tính dân dã, các tiết mục mang tính nghệ thuật sống động và đặc sắc, chương trình tôn vinh tinh thần quật cường, dũng cảm của người xưa chống chọi với kẻ thù và chinh phục thiên nhiên trong quá trình khai sơn phá thạch.

Họ biến những đầm lầy thành bãi mía, nương dâu, biến những rừng lau sậy ngút ngàn thành những làng mạc trù phú, yên vui, giàu có và thể hiện niềm tự hào của Nhân dân Long Biên về quê hương, về khát vọng, tầm nhìn và quyết tâm phát triển trong những năm tới, xứng đáng với tiềm năng và vị thế, mong đợi sẽ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ hôm nay tiếp tục giữ lửa và thổi bùng ước mơ xây dựng quê hương trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thăng hoa niềm tin, khát vọng của Long Biên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa đối với Nhân dân, du khách thập phương, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trân trọng các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.

Long Biên - nơi gặp gỡ, giao thoa, gắn kết và lan tỏa

Tiết mục khai từ: "Long Biên - Khí thiêng hội tụ" qua giọng đọc của NSND Lê Chức phác họa hàng ngàn năm về trước, vùng đất Long Biên đã là địa bàn của cư dân Đông Sơn quần tụ sinh sống.

Long Biên còn được biết đến là vùng đất “Địa linh - nhân kiệt” bởi đất có Cổ Linh, nhân có Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt, người anh hùng dân tộc đã viết nên trang sử chói lọi chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Thiên nhiên vận động, đất trời chuyển lưu, ngưng tụ kết tinh hình thành một vùng đất đa dạng địa hình, phong phú sản vật. Trầm tích văn hóa lắng sâu bên dòng thời gian, hòa quyện cùng phù sa của những dòng sông cuồn cuộn chảy, Long Biên mang trong mình những huyền thoại ngàn xưa, sau bao thế kỷ vẫn âm vang đồng vọng khúc tráng ca từ buổi đầu dựng nước.

Ca sĩ Trọng Tấn thể hiện tiết mục đầy hào hùng, xúc động
Ca sĩ Trọng Tấn thể hiện tiết mục đầy hào hùng, xúc động

Ca khúc "Hà Nội linh thiêng và hào hoa" do Trọng Tấn, vũ đoàn Tre và các diễn viên quần chúng đã mở màn cho chương trình đầy ấn tượng.

Tiết mục "Huyền tích Hoàng Lang" mang đến cho người xem không gian huyền ảo, đậm chất dân gian về Thăng Long - vùng đất linh thiêng còn lưu giữ biết bao huyền tích. Kinh thành quanh quanh lối rẽ, những giai thoại còn truyền lưu.

Dưới tầng tầng sóng nước, dòng thời gian cuồn cuộn trôi, trên lớp lớp rêu phong phủ kín những mái đình, hào khí uy danh của bậc thánh nhân còn vang vọng.

Linh Lang Đại Vương - biểu tượng cho tinh thần yêu nước và truyền thống trị thuỷ của Nhân dân Đại Việt - huyền tích về Ngài vẫn còn như lớp sương mờ hư ảo nhân gian gửi gắm niềm tin tâm linh và những khát vọng của các bậc tiền nhân từ hàng trăm năm trước.

Đặc biệt, tiết mục "Linh Lang Đại Vương - uy danh vang vọng" với phần lời của Mai Thanh Tùng, nhạc Mộc Cầm với sự biểu diễn của Viết Danh, NSND Trọng Bình, vũ đoàn Tre, diễn viên quần chúng đã khắc ghi công lao của Ngài.

Thăng hoa niềm tin, khát vọng của Long Biên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

"Nghe lệnh vua cầu người tài giỏi để dẹp giặc, Linh Lang liền xin cờ mười thước và một con voi lớn, xông pha ra trận. Ngài nghiêng mình lắc mạnh, thân hình bỗng cao lớn lạ kì, phất cờ, thét lớn:

“Ta là thiên tướng”

Voi phi như gió cuốn bay,

Giặc kinh khiếp vía, chạy ngay tan tành".

Sau đó, đất nước bình yên cũng là lúc Linh Lang từ biệt thế gian.

“Thần vốn không phải con nhà Vua mà là con của Long Quân. Do thấy thế nước gian nguy nên vâng theo thiên hạ, thần thác sinh làm Hoàng tử để dẹp giặc, nay giặc giã đã dẹp yên, thần xin được trở về thủy quốc. Xin Vua cho ra Thạch Bàn ở hồ Tây, cầm lá cờ sắt tung lên trời, rồi cờ bay về phương nào, cho thần hưởng tự ở nơi đó”.

Chương 2 "Hào khí ngàn năm - Mạch nguồn di sản" khắc sâu nội dung các nghi thức thờ phụng và tưởng nhớ Linh Lang Đại Vương bắt nguồn từ huyền thoại vô cùng đẹp đẽ và trong sáng của cư dân nông nghiệp.

Ghi nhớ công ơn, cháu con đời sau ở nhiều nơi đã tôn Linh Lang làm Thành Hoàng làng - là vị thần cai quản, che chở Nhân dân chống mọi ác thần, giúp cho cư dân thịnh vượng. Trong số 269 nơi thờ Linh Lang đại vương trên cả nước thì quận Long Biên có 13 địa điểm tôn vinh Ngài.

Chương trình tái hiện nghi lễ rước
Chương trình tái hiện nghi thức tế lễ cổ đặc sắc

Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã ghi dấu đậm nét trên vùng đất Long Biên, để lại cho nơi đây những tài sản vô giá với các di tích lịch sử văn hoá, những lễ hội truyền thống đặc sắc, những loại hình nghệ thuật dân gian, những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể có giá trị.

Dù cho những thăng trầm của lịch sử, sự phá huỷ của chiến tranh và thiên nhiên hà khắc, Nhân dân Long Biên đã đang và sẽ nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản đó, coi đó là vốn quý mà các bậc tiền nhân đã để lại cho vùng đất này.

Hàng năm, từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng 2 Âm lịch, trên khắp các đình thờ Linh Lang Đại Vương tại quận Long Biên, không khí lễ hội diễn ra tưng bừng rộn rã. Đây là dịp hội tụ sức mạnh thiêng liêng của trời đất, thần linh, tổ tiên, con cháu; là dịp để tưởng nhớ công đức của vị thần bảo hộ, và cũng là thời điểm cộng đồng hội tụ, gắn kết trong niềm tin thiêng liêng về sự no đủ, bình an, thịnh vượng.

Lễ hội có sự tham gia của các đoàn rước từ 13 di tích thờ Ngài, mỗi đoàn đại diện cho một cộng đồng dân cư. Các đoàn rước kiệu, cờ xí rực rỡ, trang phục truyền thống lộng lẫy, cùng tiếng trống chiêng vang vọng.

Dòng người đông đúc nối dài, tạo thành một bức tranh sinh động, thể hiện sự kết nối cộng đồng, lòng tôn kính của hậu thế đối với bậc thánh nhân có công với nước - vị phúc thần giáng phúc cho dân. Điểm đến của các đoàn rước là đình Trường Lâm - nơi diễn ra nghi thức tế lễ trọng thể, với lời nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Trong âm vang của nhịp phách sênh tiền, cộng đồng như xích lại gần nhau. Âm thanh réo rắt, điệu múa nhịp nhàng tạo mối giao kết thiêng liêng giữa con người và thần linh, giữa đất trời và lòng người.

Trong không gian linh thiêng của lễ hội, trước án thờ trang trọng, hương trầm quyện tỏa, lòng người lắng đọng trong niềm thành kính thiêng liêng. Nghi thức tế lễ được cử hành trang nghiêm, từng lời xướng vang lên, những lời khấn nguyện mong cầu, thể hiện tấm lòng tri ân đối với Linh Lang Đại Vương - bậc thánh nhân đã hiển linh hộ quốc, che chở muôn dân.

Tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể của quận Long Biên đã về đây cùng hội tụ và toả sáng rạng rỡ. Các nghi lễ tôn nghiêm và thành kính, tôn vinh tinh thần quật cường, dũng cảm của người xưa chống chọi với kẻ thù và chinh phục thiên nhiên, trong quá trình khai sơn phá thạch, biến những đầm lầy thành bãi mía, nương dâu, biến những rừng lau sậy ngút ngàn thành những làng mạc trù phú, yên vui, giàu có, và thể hiện niềm tự hào của Nhân dân Long Biên hôm nay.

Trước uy linh của các bậc thánh thần, Nhân dân thành tâm cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn nhà an cư lạc nghiệp. Nhịp trống tế ngân vang hòa cùng lòng người, nối tiếp truyền thống ngàn đời, để uy danh Linh Lang đại vương mãi còn vang vọng.

Trống vang rộn rã hội xuân

Rước cờ tế lễ, xa gần tri ân

Cầu cho nước thịnh dân an

Non sông gấm vóc, nước Nam vững bền.

Tiếp nối mạch nguồn đó, tiết mục "Bác Hồ một tình yêu bao la" do Trọng Tấn, vũ đoàn Tre, diễn viên quần chúng thể hiện kể câu chuyện cụm di tích đình chùa Trường Lâm được công nhận là di tích cách mạng kháng chiến.

Điểm độc đáo của chương trình là có nhiều người dân địa phương tham gia biểu diễn
Điểm độc đáo của chương trình là có nhiều người dân địa phương tham gia biểu diễn

Đảng bộ, chính quyền Nhân dân Trường Lâm mãi còn ghi nhớ, vào ngày 18/2/1958, tức sáng mùng một Tết Mậu Tuất, Bác Hồ cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội đã về thăm, biểu dương chính quyền và Nhân dân Trường Lâm có nhiều thành tích làm thuỷ lợi chống hạn, khai hoang. Lời căn dặn của Bác về tăng gia sản xuất, bảo vệ giữ gìn di tích, chăm lo đời sống, học tập…vẫn còn đọng sâu trong tâm khảm Nhân dân nơi đây.

Để từ đó, cùng với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, quận Long Biên hiện nay là một trong những địa phương phát triển vượt bậc của Hà Nội với sự đổi mới mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa. Nơi đây đang dần trở thành “trung tâm mới” của thành phố Hà Nội, điểm đến hấp dẫn, đáng sống, trở thành một trong những nơi sầm uất, nhộn nhịp của Thủ đô.

Truyền thống văn hiến từ ngàn xưa chính là niềm tự hào, đồng thời là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt, sức bật mạnh mẽ của mảnh đất và con người Long Biên trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, luôn tiến về phía trước với nỗ lực phát triển bứt phá trong thời đại mới.

Chương trình thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tới thưởng thức
Chương trình thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tới thưởng thức

Chương 3 mang tên: "Kỷ nguyên vươn mình - Khát vọng bứt phá" thể hiện nội dung trong không khí mùa xuân năm Ất Tỵ, cũng là năm con Rắn mang nhiều ý nghĩa, gắn với đời sống tâm linh của Nhân dân quận Long Biên.

Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng, các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân quận Long Biên sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, phấn đấu xây dựng quận Long Biên ngày càng phát triển, xứng đáng là quận anh hùng của Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến.

Với sự dẫn dắt của hai MC Hồng Nhung, Hạnh Phúc cùng sự tham gia của các nghệ sĩ Trọng Tấn, Minh Quân, Viết Danh, NSƯT Minh Thu, Hồng Duyên, Tiến Hưng, Mai Chi, Ngọc Ký, Minh Đức, Ngọc Khánh Chi, nhóm Thăng Long, NSND Trọng Bình, CLB Người mẫu Hà Nội, vũ đoàn Tre, vũ đoàn Oscar, CLB Sao tuổi thơ, tập thể diễn viên quần chúng quận Long Biên, chương trình đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng Nhân dân và du khách.

Đây thực sự là một hướng đi hiệu quả trong việc lan tỏa di sản, giáo dục truyền thống, tạo nên những sản phẩm văn hóa độc đáo từ đặc trưng đồng thời khơi dậy khát vọng và quyết tâm xây dựng địa phương giàu đẹp, văn minh.

Đọc thêm

Các nhà hát nổi tiếng thế giới đã thay đổi vị thế quốc gia như thế nào? Nghệ thuật

Các nhà hát nổi tiếng thế giới đã thay đổi vị thế quốc gia như thế nào?

TTTĐ - Không chỉ là nơi trình diễn nghệ thuật, nhiều nhà hát từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa, kiến trúc và niềm tự hào quốc gia. Một dự án nhà hát tầm cỡ quốc tế tại Hà Nội sắp xuất hiện tới đây hứa hẹn trở thành “đại sứ văn hóa”, góp phần định hình diện mạo và nâng cao vị thế Việt Nam trong dòng chảy văn hóa thế giới.
Nhiều hoạt động hấp dẫn trong "Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội" Nghệ thuật

Nhiều hoạt động hấp dẫn trong "Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội"

TTTĐ - Diễn ra từ ngày 16 - 18/5 tại các địa điểm trung tâm, “Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội - năm 2025” sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị để giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người và tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế của tỉnh Lâm Đồng đến với Nhân dân Thủ đô và bạn bè quốc tế.
Renzo Piano - Huyền thoại của ngành kiến trúc toàn cầu kiến tạo Nhà hát Opera Hà Nội Nghệ thuật

Renzo Piano - Huyền thoại của ngành kiến trúc toàn cầu kiến tạo Nhà hát Opera Hà Nội

TTTĐ - Không chỉ ghi danh tên tuổi với các công trình thay đổi bộ mặt đô thị như Trung tâm Georges Pumpidou ở Paris hay tòa The Shard ở London, kiến trúc sư bậc thầy người Italy còn khiến nhiều thế hệ kiến trúc sư tôn vinh bởi những dự án thấm đẫm triết lý vì nhân loại, những rung cảm mạnh mẽ với thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và con người.
Khi nhà hát opera trở thành biểu tượng văn hóa nâng tầm vóc quốc gia Nghệ thuật

Khi nhà hát opera trở thành biểu tượng văn hóa nâng tầm vóc quốc gia

TTTĐ - Không chỉ là biểu tượng thu hút du khách cho mỗi điểm đến, các nhà hát opera còn góp phần bảo tồn di sản và trở thành linh hồn của nhiều quốc gia. Nơi nào có công trình nhà hát biểu tượng, nơi ấy văn hóa sẽ được tôn vinh.
Xúc động và nhân văn chương trình "Hành trình thống nhất" Nghệ thuật

Xúc động và nhân văn chương trình "Hành trình thống nhất"

TTTĐ - Bộ phim tài liệu đặc biệt với tựa đề “Hành trình thống nhất” là một trong những tác phẩm tài liệu khai thác nỗi đau chiến tranh và hành trình hòa giải dân tộc theo góc nhìn song hành từ hai phía chiến tuyến, tạo nên tiếng nói trung thực, xúc động và nhân văn về những vết thương quá khứ và nỗ lực hàn gắn của hiện tại.
Triển lãm "Thấm" - hành trình nghệ thuật đầy cảm xúc Nghệ thuật

Triển lãm "Thấm" - hành trình nghệ thuật đầy cảm xúc

TTTĐ - Triển lãm "Thấm" của Tuyến Vũ không chỉ mang đến những tác phẩm độc đáo mà còn tạo ra một không gian giao lưu nghệ thuật sâu sắc, khẳng định vị trí của nghệ thuật trừu tượng trong đời sống văn hóa Việt Nam.
Khúc tráng ca đầy cảm xúc về Thủ đô anh hùng, trọn nghĩa tình Văn hóa

Khúc tráng ca đầy cảm xúc về Thủ đô anh hùng, trọn nghĩa tình

TTTĐ - Những dấu mốc lịch sử quan trọng của Đại thắng mùa Xuân 1975, hành trình đầy gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có vai trò và ý nghĩa đặc biệt của Thủ đô Hà Nội được tái hiện đầy cảm xúc trong chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “50 năm đất nước trọn niềm vui”.
Tìm lại ký ức Sài Gòn xưa và nay tại ga Metro Bến Thành Nghệ thuật

Tìm lại ký ức Sài Gòn xưa và nay tại ga Metro Bến Thành

TTTĐ - Người dân, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng triển lãm ảnh “Sài Gòn xưa và nay” ngay tại ga Metro Bến Thành (tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên). Sự kiện đặc biệt này tái hiện lịch sử phát triển của TP Hồ Chí Minh từ thế kỷ XIX đến nay.
Ninh Thuận: Phê duyệt đề án bảo tồn Lễ hội Katê Nghệ thuật

Ninh Thuận: Phê duyệt đề án bảo tồn Lễ hội Katê

TTTĐ - UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt đề án về bảo tồn Lễ hội Katê của đồng bào Chăm, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ đồng.
Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Tiêu điểm

Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

TTTĐ - Hàng triệu con tim trên khắp cả nước đều hướng về TP Hồ Chí Minh theo dõi Lễ diễu binh, diễu hành chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Xem thêm