Thanh niên Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo
“Hành trình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đi qua 9 tỉnh, thành Thanh niên Ba Đình chia sẻ kinh nghiệm, mô hình khởi nghiệp 28 dự án khởi nghiệp tranh tài tại vòng bán kết khu vực phía Bắc |
Nuôi tôm trong thành phố
“Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội” là mô hình đang được nhóm bạn trẻ gồm: Tống Văn Liên, Nguyễn Viết Bằng, Nguyễn Đình Tuấn thực hiện ở Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Mô hình này đã thực hiện được 2 năm và cung cấp tôm tươi nuôi trong môi trường nước lợ ngay tại Thủ đô.
Từ mong muốn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và tư tưởng đã làm nông nghiệp phải có sự khác biệt, nhóm bạn trẻ đã mạnh dạn nghiên cứu và đưa ra mô hình nuôi thủy sản ở nơi ít người nghĩ đến là Thủ đô Hà Nội. Dù theo học chuyên ngành Cơ khí động lực, trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng cả 3 chàng trai trẻ lại khao khát khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nên quyết tâm thực hiện mô hình này.
3 chàng trai trẻ thực hiện mô hình “Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội” |
Theo Nguyễn Đình Tuấn, công nghệ Biofloc (BFT) là quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi tôm không cần thay nước. Biofloc tập hợp một khối các chất hữu cơ lơ lửng trong nước như các loại tảo đơn bào, tảo đa bào, phân, thức ăn dư thừa, xác vi sinh vật, vi khuẩn và kể cả động vật không xương sống… Biofloc có khả năng đồng hóa các loại chất thải hữu cơ chuyển thành sinh khối của vi khuẩn trong thời gian rất ngắn nhằm cải thiện môi trường nước mà không cần ánh sáng như các loại tảo.
Thực tế cho thấy, nuôi tôm Biofloc đem lại lợi ích kinh tế gấp nhiều lần so với việc nuôi trong điều kiện bình thường bởi công nghệ này mang lại năng suất cao. Phương pháp này không những được áp dụng trong nuôi tôm thương phẩm mà còn được áp dụng trong nuôi tôm siêu thâm canh.
“Việc ứng dụng công nghệ Biofloc để nuôi tôm áp sát thành phố sẽ là hướng đi bền vững bởi nó thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng được mua tôm tươi sống ngay tại thành phố. Họ được kiểm soát chất lượng với sản phẩm tôm an toàn không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong toàn bộ quá trình nuôi. Ngoài ra người sử dụng biết rõ nguồn gốc của sản phẩm nên bớt lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”, Nguyễn Đình Tuấn cho biết.
Mô hình “Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội" |
Với mô hình mới là đưa tôm nước lợ, nước mặn vốn chỉ thích nghi với miền biển về nuôi giữa Thủ đô là bước ngoặt lớn của nhóm. Đây cũng là thách thức không nhỏ với 3 chàng trai. Tuy nhiên, với định hướng và nghiên cứu thị trường tôm nội địa, 3 bạn trẻ đã vượt qua khó khăn đầu tư mô hình nuôi thí điểm.
Ba chàng trai trẻ vừa làm vừa quan sát, rút kinh nghiệm, đặc biệt chú trọng đến các thông số kỹ thuật trong nuôi tôm. Sự kiên trì, quyết tâm đã giúp họ gặt được thành công, khi thu hoạch tôm bán ra thị trường đạt sản lượng 300kg/80m3 nước và được người tiêu dùng đón nhận.
“Đây chỉ là thành công bước đầu vì dự án còn hướng tới nhiều mục tiêu khác. Trước mắt người dân thành phố được hưởng lợi từ mô hình khi con tôm đưa đến khách hàng trong thời gian ngắn nhất”, Tống Văn Liên, chủ dự án chia sẻ.
Hiện nay, mô hình của 3 chàng trai trẻ cung cấp ra thị trường tôm tươi, tôm đông lạnh (đóng gói 500g, hút chân không) và các sản phẩm ăn liền chế biến từ tôm: Tôm chua, tôm khô, tôm bóc nõn. Họ cũng nỗ lực hình thành chuỗi liên kết cung ứng tôm xuất khẩu.
“Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội” giải quyết được 2 vấn đề: An toàn, giảm thiểu rủi do, thân thiện với môi trường; Có thể nuôi ở thành phố, vùng phụ cận và những vùng đất xấu không canh tác được sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong tương lai.
Vì vậy, mô của 3 chàng trai trẻ được đánh giá rất cao và lọt vào chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức.
“Việc nuôi tôm áp sát thành phố giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, bảo quản nên người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng, an toàn. Đặc biệt, nó là giải pháp hữu hiệu trong vấn đề bảo vệ môi trường khi các vùng nuôi tôm tập trung đang là vấn nạn của câu chuyện ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm”, Nguyễn Viết Bằng chia sẻ.
Trồng hoa công nghệ cao
Theo đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, thời gian qua, thực hiện khâu đột phá đề ra tại Đại hội Đoàn thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban Thường vụ Thành đoàn đã triển khai chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo” tập trung vào các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, kết nối nguồn vốn đầu tư mạo hiểm quốc tế cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô được đông đảo đoàn viên, thanh niên quan tâm tham gia. Những hoạt động này đã được Thành ủy Hà Nội - Ủy ban Nhân dân thành phố quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện; đồng thời các cấp bộ Đoàn thu hút được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và các doanh nghiệp cùng đồng hành. Trong giai đoạn 2017 - 2020, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức hơn 250 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được tổ chức, thu hút hơn 150.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia; 10 triệu đô la Mỹ đầu tư cho 500 start-up gốc Việt tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. |
Cũng chọn khởi nghiệp trong nông nghiệp và anh Ngô Minh Trưởng (Thanh Oai, Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư hơn 6 tỷ đồng để thực hiện mô hình trồng lan Hồ Điệp ứng dụng công nghệ cao.
Không theo học nông nghiệp nhưng anh Trưởng lại dành tình yêu cho lĩnh vực này. Cũng vì tình yêu ấy, anh từ bỏ công việc kinh doanh về làm “nhà nông” với mong muốn đưa đến cho người tiêu dùng những bông hoa lan tươi đẹp nhất là vào dịp Tết.
Năm 2019, anh Trưởng mạnh dạn thuê đất tại xã Mỹ Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) xây dựng mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp công nghệ cao. Tuy nhiên, đây là đất đã bỏ hoang từ lâu nên anh phải đầu tư hơn 6 tỉ đồng để cải tạo, san lấp và xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng...
Vì thế, trái với thời tiết nắng nóng hay mưa rét bên ngoài, không gian bên trong khu vườn lan luôn mát mẻ. Đó là nhờ hệ thống nhà màng, nhà lưới, làm mát được đầu tư đồng bộ, bài bản. Với quy trình khép kín, từ nhiệt độ, ánh sáng, việc chăm sóc, tưới nước cho lan… đều được thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật cao.
Để phát triển mô hình lan Hồ Điệp công nghệ cao, anh Trưởng phải học hỏi công nghệ từ Đài Loan (Trung Quốc), thường xuyên trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm. Năm 2019, anh mạnh dạn quy hoạch trồng 48.000 gốc lan với nhiều màu sắc như trắng, vàng, hồng, đỏ, tím...
“Lan Hồ Điệp là loại hoa cao cấp có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao. Hiện nay sản phẩm này có sức tiêu thụ lớn và bán rất được giá giúp mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn cho người trồng hoa”, anh Trưởng cho biết.
Mô hình trồng lan Hồ Điệp áp dụng công nghệ cao của anh Ngô Minh Trưởng |
Ngay năm đầu tiên 48.000 gốc lan của nhà vườn đã được tiêu thụ hết phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của nhân dân khắp các tỉnh thành trong cả nước, cho thu nhập trên 3,6 tỷ đồng. Hiện tại, nhà vườn đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên tại địa phương và khoảng trên 20 lao động theo thời vụ.
Thắng lợi năm đầu tiên tạo động lực cho anh Trưởng mở rộng quy mô trồng hoa lan Hồ Điệp theo mô hình công nghệ cao. Hiện vườn lan của anh có diện tích nhà lưới 2.500m2, trồng gần 80.000 gốc lan. Tại đây, nhân công có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra nhiệt độ tại khu nhà màng, nhà lưới. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm sinh trưởng, phát triển của hoa lan Hồ Điệp.
Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị quan trắc điều kiện không khí, nhiệt độ, ánh sáng tại khu vườn hoa lan Hồ Điệp được anh Trưởng đầu tư bài bản, khoa học, giúp tránh được sâu bệnh mang lại hiệu quả sản xuất cao.
Với tổng số trên 80 nghìn chậu lan Hồ Điệp bung ra thị trường dịp Tết năm nay hứa hẹn sẽ mang lại cho anh Trưởng thu nhập khả quan và lợi nhuận giá trị kinh tế cao.
Vườn hoa lan của anh Trưởng là một trong 12 mô hình sản xuất công nghệ cao trên địa bàn huyện Thanh Oai. Mô hình góp phần tích cực vào việc xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Nuôi lợn hữu cơ
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn cũng là mô hình được anh Nguyễn Minh Sơn (xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội) triển khai.
Từ vùng đất trũng, khó cải tạo mà bà con thôn Bặt Ngõ (xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội) bỏ hoang, Sơn đã xây dựng trang trại nuôi lợn, cá kết hợp dịch vụ hồ câu. Sự quyết tâm và không ngại khó của anh đã tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập gần 5 triệu đồng mỗi tháng.
Nguyễn Minh Sơn với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp |
Tốt nghiệp khoa Cơ Điện, trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội, Sơn đã thử sức tại nhiều lĩnh vực khác nhau với thu nhập rất tốt. Tuy nhiên, nhà neo người nên bố mẹ muốn anh trở về quản lý công việc kinh doanh vận tải của gia đình.
Năm 2014, Sơn quyết định về quê lập nghiệp nhưng việc kinh doanh vận tải của gia đình lại gặp khó khăn. Phải làm việc gì để tạo lập sự nghiệp riêng là câu hỏi khó với chàng trai sinh năm 1994 này.
Sơn lên mạng tìm hiểu về những mô hình khởi nghiệp của thanh niên nông thôn để có hướng đi. Tình cờ, anh gặp người quen đang làm việc tại công ty thức ăn chăn nuôi. Được gợi ý, Sơn tìm hiểu và bàn bạc với gia đình đấu thầu 30 mẫu đất để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn tổng hợp.
Ý tưởng đã có nhưng thực tế lại khác. Quê của Sơn là vùng đất trũng, khó cải tạo, để hoang hóa từ lâu. Do đó, Sơn cùng gia đình phải đầu tư không ít tiền của cải tạo khu vực này. “Thời gian đầu mọi thứ cứ rối tung vì mình chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như chăn nuôi”, Sơn chia sẻ.
Để có bước đi chắn chắn, Sơn hợp tác với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam theo mô hình khép kín để có đầu ra ổn định cho lợn thương phẩm. Đặc biệt, với người chưa có kinh nghiệm, việc này giúp anh được nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật và thức ăn chăn nuôi. Vì thế, ngay năm đầu tiên Sơn đã có lãi.
“Thừa thắng xông lên”, Sơn mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá kết hợp với dịch vụ hồ câu. Bên cạnh đó, anh cũng thử nghiệm chăn nuôi lợn nái để tận dụng diện tích trang trại và tăng thêm thu nhập.
Non kinh nghiệm lại mở rộng mô hình chăn nuôi vội vàng khiến Sơn gặp không ít khó khăn. Mặt khác, bệnh dịch bùng phát khiến giá cả lên xuống thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi.
“Có thời điểm, mình mất cả trăm triệu đồng. Khi đó, mình càng thấm thía chăn nuôi phải ứng dụng khoa học và kỹ thuật tiên tiến”, Sơn cho biết.
Để giải quyết bài toán chăn nuôi, Sơn chủ động tìm tòi, quy hoạch, mở rộng chuồng trại và thực hiện mô hình theo hướng chuyên nghiệp hơn. Vì vậy, trang trại đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động. Trong đó, nhân viên là kỹ sư có thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Sự năng nổ, dám nghĩ, dám làm của Sơn cũng góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Thời gian qua, Thành đoàn Hà Nội, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên các cấp tổ chức các cuộc thi, giải thưởng, hoạt động nhằm định hướng, dẫn dắt việc triển khai phong trào tại cơ sở; Đồng thời tổ chức các hoạt động phối hợp xây dựng các không gian khởi nghiệp cho thanh niên; Kết nối giữa các dự án khởi nghiệp và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo được triển khai rõ nét qua các cuộc thi, ngày hội ở các cấp như: Cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Toàn cầu Vietchallenge; Hành trình thành phố khởi nghiệp sáng tạo Startupcity Roadshow; Ngày hội thành phố khởi nghiệp sáng tạo Startupcity Festival 2018; Hội thảo Hà Nội 4.0 - Cơ chế đặc thù cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô; Chiến dịch “10.000 việc làm hỗ trợ cộng đồng, chống thất nghiệp mùa dịch”; Cuộc thi Giải pháp công nghệ vượt qua mùa dịch Hackcovy; Cuộc thi Lập trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo liên kết chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ AI Hackathon 1010 RESET... Đặc biệt, chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành đoàn tổ chức Hội nghị cấp cao người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; Chung kết cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge 2020 và vòng chung kết V3 VietChallenge quy tụ 150 quỹ đầu tư và 800 start-up trong khu vực để xây dựng hình ảnh trung tâm sáng tạo khu vực và tăng cường nội lực sáng tạo dựa trên nền tảng ngàn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội. |