Thanh niên Thủ đô thể hiện tình yêu đất nước bằng hành động cụ thể
“Khúc nhạc xuân” lan tỏa tình yêu lứa đôi hòa trong tình yêu đất nước |
Truyền thêm sức mạnh và ý chí cho Nhân dân
Trong mùa tuyển quân năm nay, Đại tá Doãn Kim Tuyến, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết: Năm 2022, Hà Nội được giao chỉ tiêu tuyển chọn và gọi nhập ngũ 3.500 công dân. Hiện, 3.662 thanh niên nhận được lệnh gọi nhập ngũ, đạt 104,6% so với chỉ tiêu thành phố được giao; Trong đó, 760 người có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên, chiếm 20,7%...
“Đây là kết quả rất đáng biểu dương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ nói riêng, cũng như của toàn thể chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội”, Đại tá Doãn Kim Tuyến khẳng định.
Các lãnh đạo chúc mừng các tân binh tiêu biểu quận Hoàn Kiếm nhập ngũ năm 2022 |
Điều này càng khẳng định thêm một lần nữa, truyền thống tòng quân đánh giặc giữ nước trong thời chiến hay nhập ngũ xây dựng quân đội ta lớn mạnh, anh hùng; Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của dân tộc, gìn giữ hòa bình vẫn được thế hệ trẻ viết tiếp những trang đầy vẻ vang, đáng tự hào.
Hơn nữa, con số ấn tượng này còn khiến chúng ta xúc động, rưng rưng hơn nữa bởi nó thêm một lần khẳng định, lòng nhiệt huyết, quan tâm đến vận mệnh đất nước, cống hiến cho Tổ quốc bằng từng việc làm cụ thể tiếp tục được người trẻ thực hiện hết sức hào hứng, tự nguyện và tự giác.
Còn nhớ, chỉ mới đây thôi, ngay khi những ngày dịch bệnh bắt đầu diễn ra căng thẳng tại các tỉnh thành phía Nam, lực lượng bác sĩ quân y cùng các chiến sĩ bộ đội hùng hậu đã lên đường chi viện cho miền Nam yêu dấu chống dịch. Từng đợt, từng đợt với các con số 300, 400, 500, 1.000... quân nhân, chiến sĩ quân y lần lượt "lao vào mặt trận không tiếng súng" đã làm nức lòng người dân, mang đến cho chúng ta cảm giác vững tâm, sự động viên để vượt "bão" dịch bệnh đầy căng thẳng.
Bác sĩ quân y từ Hà Nội vào Nam chống dịch |
Nhìn hàng ngũ quân nhân, bác sĩ với trang bị, thuốc men đứng trong hàng ngũ thẳng tắp, quyết tâm sáng rực lên trên gương mặt, mỗi người dân như được trấn an, như được truyền thêm sức mạnh và ý chí chiến đấu với dịch bệnh. Rồi suốt những ngày sau đó, cùng với tin tức dịch bệnh được cập nhật hàng ngày, hình ảnh các chiến sĩ trẻ tất bật làm những công việc chuyên môn và cả những việc chưa từng làm.
Người ta thấy ngời lên hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bài ca tình quân dân thắm thiết như cá với nước tiếp tục được mỗi người lính trẻ viết lên bằng chính mồ hôi, công sức, cả sự hy sinh, chịu đựng gian khổ, nguy hiểm của mình để góp phần đổi lại "hòa bình" thực sự cho người dân trong đại dịch. Dù giá trị của hòa bình lần này không phải đổi lại bằng tiếng súng nhưng cũng vẫn có khi phải đánh đổi bằng tính mạng người lính.
Viết tiếp truyền thống hào hùng
Đất nước có chiến tranh hay khi đang hòa bình thì quân đội vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đảm bảo an ninh của Tổ quốc. Ý thức sâu sắc được điều đó, thanh niên Thủ đô ngày nay luôn phát huy truyền thống tòng quân vệ quốc được nối tiếp qua bao thế hệ.
Thăng Long - Hà Nội khi xưa là kinh đô nhiều đời. Việc bảo vệ kinh thành cũng như tập luyện trong quân đội không chỉ có những binh lính từ khắp cả nước mà người Thăng Long cũng đóng góp một phần quan trọng. Dù sử sách không ghi lại nhiều nhưng câu chuyện cả ngàn trai tráng trong vùng tề tựu dưới lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” của người anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản vẫn là câu chuyện đẹp về lòng yêu nước và sẵn sàng bảo vệ tổ quốc của thanh niên kinh thành.
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao sổ tiết kiệm tặng thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ có hoàn cảnh khó khăn nhập ngũ năm nay |
Hầu hết họ là những người tuổi còn rất trẻ nhưng chí khí, lòng dũng cảm và thông minh, gan dạ “ba quân hùng khí nuốt sao Ngưu” (ý thơ Phạm Ngũ Lão). Họ đã trở thành cảm hứng để người đời sau viết nên bao nhiêu áng văn chương. Chắc chắn tuổi thơ của hầu hết các thế hệ người Việt Nam gần đây đều khắc sâu hình ảnh chàng Hoài Văn hầu bóp nát quả cam qua tiểu thuyết “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” của nhà văn Lưu Sơn Minh, độc giả như bị cuốn theo tráng chí của tuổi trẻ, lòng nhiệt thành sôi sục và sự thông minh, tinh nghịch rất “chất” lính Thăng Long dưới trướng vị chủ tướng 17 tuổi. Họ đánh giặc như chơi, gieo bao kinh hoàng cho kẻ địch bằng những trò chỉ tuổi trẻ mới có. Bất kì hiểm nguy, gian khó nào cũng không làm khó nổi họ nhưng họ lại trở nên lúng túng, vụng về trước các cô thôn nữ.
Hình ảnh hào hoa, lãng mạn ấy được nối tiếp trong các anh Vệ quốc đoàn thời chống Pháp. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, niềm vui nước nhà độc lập chưa được bao lâu thì giặc ngoại xâm vẫn từng bước đe dọa hòa bình dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, thanh niên trai tráng Hà Nội nô nức lên đường tòng quân. Ngay cả những học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cũng “vứt bút nghiên theo nghiệp đao cung”. Vì thế mà trong đoàn binh Tây tiến vẫn có những anh lính “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới / Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Những anh lính Hà Nội lên đường kháng chiến, mặc áo chấn thủ, tranh thủ lúc giải lao kéo đàn măng đô lin luôn là một hình ảnh đẹp mà không phải nơi đâu cũng có. Có thể kể đến nhạc sĩ, liệt sĩ Nguyễn Như Trang, tác giả của rất nhiều ca khúc như “Vượt biên thùy”, “Trấn biên cương”, “Hành khúc quân đoàn miền Tây”, “Tiếng cồng quân y”…
Là một học sinh Hà Nội đàn hay vẽ giỏi, đầu năm 1945 khi chưa tròn 18 tuổi, anh gia nhập vệ quốc đoàn, là Đại đội trưởng của tiểu đoàn 212 thuộc Trung đoàn Thủ đô. Đầu năm 1947, anh gia nhập đoàn quân đi bảo vệ biên cương phía Tây của Tổ quốc và hy sinh khi mới 22 tuổi.
Trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lớp lớp những người con của Hà Nội cũng nô nức lên đường, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Bao nhiêu người trở về, bao nhiêu người nằm lại trên khắp mọi miền Tổ quốc để bây giờ hầu hết các phường, xã tại Hà Nội đều có nghĩa trang và nhà bia tưởng niệm liệt sĩ.
Có những người lính Thủ đô đã trở thành huyền thoại như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm. Tấm gương chiến đấu, sự hi sinh của họ còn được đất nước mãi mãi về sau ca ngợi cho tinh thần bất diệt, đại diện cho tuổi trẻ Việt Nam. Có những người lính không chỉ cầm súng chiến đấu trên chiến trường mà còn cầm bút ghi lại những trang sách giá trị về cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc như Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến, Hoàng Nhuận Cầm…
Ngày nay, được sống trong điều kiện hòa bình, khá giả, thanh niên Thủ đô càng ý thức sâu sắc hơn công lao, xương máu mà cha ông họ đã cống hiến cho Tổ quốc. Tiếp nối truyền thống đó, vào mỗi mùa tòng quân, tuổi trẻ Hà Nội nô nức lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Họ coi đây là nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc mà người thanh niên thời đại mới phải phấn đấu thực hiện.
Trong các mùa tòng quân, nhiều bạn trẻ còn viết đơn tình nguyện nhập ngũ vì cho rằng đó là trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước. Rất đông bạn trẻ hết nghĩa vụ quân sự đã trở thành một người lính gắn bó cuộc đời với binh nghiệp. Sức trẻ, tri thức, sự nhanh nhạy và bản lĩnh của thanh niên Hà Nội trong thời đại mới chính là nền tảng để họ nỗ lực phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Mỗi một lần đất nước gặp khó khăn là một lần "lửa thử vàng, gian nan thử sức", tấm gương của những thế hệ đi trước, công lao của họ với hòa bình, độc lập của dân tộc càng khiến những thanh niên Thủ đô hôm nay thấy cần phải phấn đấu, quyết tâm sống sao cho xứng đáng với hào khí cha anh xưa kia.
Những thanh niên nhập ngũ mùa xuân này sẽ là những anh hùng trong lòng Tổ quốc, trong lòng Nhân dân sau này. Họ đang viết tiếp bài ca truyền thống vẻ vang của thanh niên Thủ đô, đồng thời cũng mang sức trẻ để mùa xuân của dân tộc kéo dài mãi mãi.