Thành phố thông minh: Lấy con người làm trung tâm
Thành phố bền vững phải phát triển với mọi tiện ích thông minh Tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh Đưa yếu tố thông minh vào quy hoạch đô thị |
Đến dự hội thảo có: Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; Ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cùng các diễn giả, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết hầu hết sự tăng trưởng của Châu Á đều đã và sẽ tiếp tục diễn ra tại khu trung tâm đô thị với hơn 2 tỷ người đang sinh sống. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đi kèm với các thách thức tiềm tàng về những vấn đề quan trọng như ùn tắc giao thông, chất lượng nước, không khí, nghèo đói, bất bình đẳng, cách biệt giữa thành thị - nông thôn, vấn đề về an ninh, an toàn cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu khai mạc hội thảo “Thành phố thông minh tại Châu Á” |
Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm… các giải pháp về công nghệ số có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề này để nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận dịch vụ; nhờ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân từ khu vực thành thị đến nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội mới cho người dân trong một không gian sống, lao động, học tập rộng lớn hơn, nhiều tiện ích và đầy tính sáng tạo.
“Do đó, các nội dung chia sẻ, thảo luận của các diễn giả, chuyên gia sẽ gợi mở, cung cấp thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm, bài học cả lý luận và thực tiễn về chiến lược, giải pháp xây dựng thành phố thông minh tại khu vực và thế giới; giải quyết các vấn đề tồn tại ở đô thị; thúc đẩy sự phát triển phồn thịnh của khu vực hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển xanh và bền vững, người dân làm trung tâm; hướng tới xây dựng một khu vực Châu Á phát triển xanh, hài hòa bền vững”, ông Hải cho biết.
Phát triển khu đô thị thông minh tại Thủ đô
Năm 2017, thành phố Hà Nội đã triển khai một số thành phần cơ bản của đô thị thông minh trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng 4.0. Thành phố thí điểm và mở rộng triển khai một số ứng dụng thông minh, gồm: Giao thông công cộng thông minh (IPARKING, vé điện tử, camera giám sát), hệ thống quan trắc môi trường không khí, hệ thống quan trắc chất lượng nước, mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm...
Giai đoạn từ 2018 - 2020, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Điển hình như thành phố tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, an toàn, vùng phủ dịch vụ rộng, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng 4G, cung cấp dịch vụ trên Cổng dịch vụ công thống nhất toàn thành phố.
Ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ công tác phát triển khu đô thị thông minh trên địa bàn |
Đến nay, thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý cũng như phát triển du lịch, thông qua ứng dụng Smart Tourism (hệ thống du lịch sinh thái); triển khai Cổng thông tin du lịch Hà Nội; phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch; bản đồ số du lịch Hà Nội; hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch Hà Nội.
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử vào các lĩnh vực: Quy hoạch, quản lý đất đai, du lịch, giao thông, dịch vụ công trực tuyến...
Trong năm 2019, thành phố đã tiến hành xây dựng dự thảo đề cương đề án “Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tuy nhiên, theo ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay các quy định của pháp luật về nhà ở, đầu tư, quy hoạch, pháp luật có liên quan chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục, hướng dẫn về đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh; chưa có quy định về quy hoạch, xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, các yêu cầu điều kiện cần thiết để đầu tư xây dựng các khu đô thị thông minh và đánh giá, xác định khu đô thị đáp ứng yêu cầu là khu đô thị thông minh; chưa có quy định về các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các khu đô thị thông minh.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Do đó, ông Phương cho rằng, thành phố cần hướng dẫn áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, phát triển hạ tầng đô thị thông minh và các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị; đầu tư xây dựng khu đô thị mới áp dụng các giải pháp đô thị thông minh; hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về phát triển đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, thành phố cần ban hành các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định, hướng dẫn liên quan đến quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thông minh; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quản lý phát triển đô thị; chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho đô thị thông minh; ban hành các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tham gia; trách nhiệm của chủ đầu tư, của chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng, phát triển các khu đô thị mới có tính chất đặc thù như theo định hướng đô thị thông minh.
“Trường hợp chưa có các văn bản quy phạm pháp luật, quy định về cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ trách nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc các tiêu chí, yêu cầu và điều kiện nêu trên thì cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể”, ông Phương nói.
Kinh nghiệm của Châu Á
Ông Non Arkarapraserkul, Chuyên gia cao cấp, Digital Economy Promotion Agency (DEPA) Thailand chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo |
Trong phần chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển thành phố thông minh, các diễn giả đều cho rằng con người là trung tâm. Ông Non Arkarapraserkul, Chuyên gia cao cấp - Digital Economy Promotion Agency (DEPA) Thailand cho rằng nguồn lực kinh tế và ý tưởng tốt là chưa đủ mà cần yếu tố con người.
“Kinh nghiệm là dự án thành phố thông minh cần tập trung vào cư dân. Mọi tiện ích để con người tận hưởng cuộc sống của mình: Cải thiện chất lượng cuộc sống xanh, lành mạnh…
Bên cạnh đó, các quốc gia nên khuyến khích mọi người cùng tham gia xây dựng thành phố thông minh gồm các nền tảng số và công nghệ số dưới hình thức hợp tác công tư”, ông Non Arkarapraserkul chia sẻ.
Ông Alias Rameli, Tổng Giám đốc Bộ Nhà ở và Chính quyền Địa phương (PLANMalaysia), Malaysia, cũng cho rằng các yếu tố thành công khi xây dựng thành phố thông minh bao gồm lấy con người làm trung tâm, quy hoạch thành phố, hợp tác, công nghệ bền vững, chia sẻ và tích hợp dữ liệu và hạ tầng số.
Các diễn giả đều nhấn mạnh giải pháp triển khai xây dựng thành phố thông minh là lấy người dân làm trung tâm |
Ông Alias Rameli nói: “Việc xây dựng thành phố thông minh chính là dựa trên con người chứ không chỉ hệ thống công nghệ”.
Ông Kok-Chin Tay, Chủ tịch Smart Cities Netwwork, Giám đốc điều hành (ASEAN) - Smart Cities Council chia sẻ thêm, ngoài việc lấy con người làm trung tâm thì việc xây dựng thành phố thông minh phải phù hợp với từng thành phố.
Ngoài ra, việc áp dụng nền tảng công nghệ làm thay đổi thế giới như internet, smartphone, AI (AI tạo sinh) cũng cần chú trọng.
Theo nghiên cứu, AI có tiềm năng thúc đẩy thành phố thông minh trong tương lai với hiệu suất được cải thiện 35%.