Thành quả của những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”
Để làm rõ những kết quả nổi bật sau 10 năm thi hành Luật, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Hơn 100.000 vụ việc hòa giải thành
- Thưa ông, thời gian qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã có những đóng góp như thế nào đến việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội?
Ông Lê Vệ Quốc: Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã có những đóng góp tích cực đến sự ổn định trật tự xã hội. Thứ nhất, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở với tính chất là phương thức hòa giải mang tính cộng đồng, tự quyết, tự quản, tự chủ của người dân, nhiều mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng đã được giải quyết một cách kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi, thuận tiện, thân thiện.
Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp |
Phương thức hòa giải này không tạo ra những rào cản về mặt tâm lý khi phải đến các cơ quan tố tụng nên người dân thấy được mặt tích cực và ngày càng lựa chọn xử lý mâu thuẫn theo cách thức này. Vì thế, nhiều vụ tranh chấp mâu thuẫn được hóa giải ngay từ khi còn trong "trứng nước", không để bùng phát thành những vụ việc lớn; từ đó cũng đảm bảo quyền dân chủ của người dân trong việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của chính họ.
Hai là công tác hòa giải ở cơ sở làm bớt đi gánh nặng của các cơ quan nhà nước. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải hơn 100.000 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%. Nếu như không có hòa giải ở cơ sở thì hàng trăm nghìn vụ việc đó lại phải đặt lên vai các cơ quan quản lý nhà nước.
Ba là, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư được hóa giải một cách kịp thời nên tình làng nghĩa xóm được đoàn kết, tạo sự bình yên, ổn định của cộng đồng dân cư; từ đó giúp xã hội được ổn định và góp phần vào sự phát triển chung.
Bên cạnh đó, công tác hòa giải cơ sở cũng đã góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, để hiểu được cái tình cái lý trong từng sự việc tranh chấp, mâu thuẫn của chính mình, từ đó lựa chọn cách ứng xử phù hợp.
- Ông đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua, đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”?
Ông Lê Vệ Quốc: Có thể nói rằng, Hà Nội là một trong những điểm sáng về công tác tư pháp nói chung, cũng như công tác hòa giải cơ sở nói riêng. Đội ngũ hòa giải viên ở Hà Nội hầu hết là những người có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động xã hội. Đa phần họ là những người đã từng tham gia làm công tác trong các cơ quan nhà nước, có nhiều hiểu biết pháp luật. Vì vậy, chất lượng của đội ngũ hòa giải viên ở Hà Nội được bảo đảm.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam trao giải Ba cho các đội: Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Bình |
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội quan tâm sâu sắc, toàn diện đối với công tác này. Điều đó thể hiện ở chỗ, thành phố có bố trí nguồn lực kinh phí triển khai các chương trình tập huấn, xây dựng các mô hình, cách làm hay hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở…
Điển hình, Hà Nội triển khai rất tốt mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”. Từ đó, chúng ta thấy rõ rằng, công tác hòa giải cơ sở chỉ có thể thực hiện tốt khi có sự quan tâm, vào cuộc của hệ thống chính trị cấp cơ sở, sự ủng hộ đồng tình của người dân, đặc biệt là sự đóng góp tâm huyết, chất lượng của đội ngũ hòa giải viên.
-Từ mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” của Hà Nội, theo ông, việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền có ý nghĩa như thế nào trong công tác hòa giải ở cơ sở?
Ông Lê Vệ Quốc: Thực tế cho thấy, ở địa phương nào có nhận thức đúng đắn, quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác hòa giải ở cơ sở thì ở nơi đó, công tác này đều đạt hiệu quả cao, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định, đời sống tinh thần, vật chất của người dân ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, TP. Hà Nội có gần 5 nghìn tổ hoà giải với gần 32 nghìn hoà giải viên. Hoạt động hòa giải nhận được sự tham gia tích cực, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ hòa giải viên cơ sở (Ảnh: Phần thi xử lý tình huống của đội Hà Nội tại Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV) |
Quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác hòa giải
- Thực tế ở một số nơi, công tác hòa giải còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo ông, nguyên nhân từ đâu?
Ông Lê Vệ Quốc: Ở một số nơi, công tác hòa giải chưa đạt được hiệu quả, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, chúng ta phải khẳng định rằng một số nơi, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác này đang ở mức độ khiêm tốn.
Hai là nguồn lực bố trí cho công tác hòa giải chưa được thỏa đáng, chưa chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Từ đó, chất lượng hòa giải viên chưa đồng đều, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, nhiều nơi lựa chọn hòa giải viên mang tính hình thức. Để có đủ hòa giải viên trong tổ hòa giải, một số địa phương lựa chọn người chưa có nhiều kĩ năng, trình độ hiểu biết pháp luật và nhiều khi phải động viên, chứ họ chưa thực sự muốn tham gia. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải cơ sở bị giảm sút.
Hội nghị tập huấn về bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở cho tập huấn viên cấp tỉnh khu vực miền núi phía Bắc |
-Xin ông chia sẻ thêm về việc bố trí nguồn lực chưa thỏa đáng trong công tác hòa giải ở cơ sở?
Ông Lê Vệ Quốc: Luật Hòa giải ở cơ sở có quy định và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã chi tiết hóa. Theo đó, mỗi vụ việc hòa giải thành thì mức bồi dưỡng cho tổ hòa giải tối đa là 200 nghìn đồng/vụ việc, chi phí hành chính cho các tổ hòa giải 100 nghìn đồng/tháng. Đó là mức rất “khiêm tốn” cho công sức họ bỏ ra.
Sau một quá trình Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính thảo luận, bàn bạc và làm rất nhiều quy trình, thủ tục thì ngày 18/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2023/TT-BTC nâng mức bồi dưỡng lên 300 nghìn đồng/vụ việc hòa giải thành.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là, mặc dù chi phí bồi dưỡng còn “khiêm tốn” như thế nhưng nhiều địa phương vẫn không bố trí được cho tổ hòa giải. Cũng vì địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách nên phòng tư pháp của các huyện cũng không thể triển khai được nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng cho các hòa giải viên.
Ngay cả Bộ Tư pháp khi triển khai các chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên các địa phương cũng phải huy động nhiều nguồn lực, trong đó có các tổ chức quốc tế.
- Trước những bất cập đó, theo ông, có cần thiết sửa đổi Luật Hòa giải ở cơ sở?
Ông Lê Vệ Quốc: Chúng tôi chưa đặt ra vấn đề sửa đổi Luật. Trước mắt, chúng tôi đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở để đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiệu quả cũng như những hạn chế cần khắc phục.
Chúng tôi cho rằng, nội dung của Luật Hòa giải ở cơ sở cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, chỉ là vấn đề tổ chức triển khai thực hiện như thế nào để hiệu quả hơn.
Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì hội thảo Đánh giá 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở |
-Vậy thời gian tới cần làm gì để nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên, thưa ông?
Ông Lê Vệ Quốc: Muốn làm tốt công tác hòa giải cơ sở thì đội ngũ hòa giải viên phải được trang bị những kỹ năng nhất định. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên, hàng năm, các địa phương cần quan tâm tổ chức đầy đủ các chương trình tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kĩ năng cho họ.
Lực lượng hòa giải viên đa phần là những cán bộ công chức đã nghỉ hưu hoặc những người dân có uy tín trong cộng đồng. Họ là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Để họ thêm gắn bó và nhiệt huyết tham gia công tác này, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, chính quyền cơ sở cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để tổ hòa giải hoạt động.
Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ đề xuất thêm những chính sách động viên, khen thưởng, ưu tiên cho đội ngũ hòa giải viên.
-Theo ông, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ có ý nghĩa như thế nào đối với công tác hòa giải ở cơ sở?
Ông Lê Vệ Quốc: Để phát huy vai trò, hiệu quả của công tác hòa giải cơ sở, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm giúp xã hội, đặc biệt là giới trẻ hiểu rõ tính chất, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải cơ sở.
Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên |
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn, triển khai các hoạt động truyền thông về pháp luật hòa giải ở cơ sở. Không chỉ thông tin tuyên truyền lồng ghép vào các hoạt động phong trào của đoàn viên, thanh niên mà còn huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên có hiểu biết pháp luật tham gia làm hòa giải viên. Từ đó, những người trẻ có thể giúp những người xung quanh hiểu về công tác này, để khi có mâu thuẫn thì hướng dẫn họ đến với tổ hòa giải.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng mạng xã hội truyền thông rộng rãi, đầy đủ hơn về pháp luật và giá trị, vai trò của hoạt động hòa giải ở cơ sở.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!