Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án ga ngầm S9
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc |
Tạo tiền lệ tốt cho các dự án tiếp theo
Sau khi kiểm tra thực tế và làm việc với quận Ba Đình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, UBND quận Ba Đình đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân theo đúng quyết định của Thành ủy. Nhờ vậy, các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất để triển khai dự án ga ngầm S9 đều đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương lớn của thành phố.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, dự án ga ngầm S9 là dự án sử dụng vốn vay ODA. Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt số 3 sẽ cùng với 9 tuyến khác góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội. Công trình này cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đặc biệt quan tâm về tiến độ triển khai. Bởi ngoài vai trò quan trọng của dự án, việc hoàn thành tuyến đường sắt số 3 còn liên quan tới uy tín của đất nước và Thủ đô Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các đơn vị liên quan phải cam kết thực hiện xong các hạng mục trên mặt đất của dự án ngay trong năm 2022. Với phần giải phóng mặt bằng các công trình ngầm đi từ quận Ba Đình, quận Đống Đa đến ga Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các Sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng với 50 hộ bị ảnh hưởng; Sớm thống nhất chi tiết phương án chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nghe báo cáo về các hộ dân bị ảnh hưởng khi thi công phần đi ngầm |
Ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của hai quận Ba Đình, Đống Đa trong việc vận động, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án; Qua đó giúp các hộ dân đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương chung của thành phố, tạo tiền lệ tốt cho các dự án tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, ngay trong tháng 10/2022, hai quận Đống Đa và Ba Đình phải chi trả xong phần đền bù, hỗ trợ cho người dân.
Trong đó, hai quận cần lên kế hoạch cụ thể, quy định rõ chi trả ở đâu, hình thức nào, những hộ chưa đến lĩnh tiền đền bù thì sẽ xử lý cụ thể ra sao… Trong quá trình thực hiện, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của người dân.
Đối với trường hợp 1 hộ dân tại quận Ba Đình đã 4 lần chấp hành nghiêm việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng để triển khai dự án ga ngầm S9, diện tích nhà đất còn lại quá nhỏ, có đề xuất mua thêm 1 căn nhà tái định cư, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định đây là nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan sớm xem xét, giải quyết cho người dân. Ngay trong tháng 10/2022, Sở Xây dựng phải có phương án trả lời cụ thể để người dân được mua nhà tại địa bàn gần nhất và sớm ổn định cuộc sống.
Nhấn mạnh việc sớm hoàn thành dự án ga ngầm S9 có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay ODA, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các hạng mục của dự án, qua đó giữ vững uy tín của Thủ đô Hà Nội và cả nước trong việc thực hiện các dự án lớn. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai các dự án lớn của thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nghe báo cáo về tiến độ thi công ga ngầm S9 |
50 hộ dân bị ảnh hưởng khi thi công tuyến đường hầm
Theo báo cáo của UBND quận Ba Đình, dự án ga ngầm S9 (tuyến đường sắt đô thị số 3), đoạn Nhổn - ga Hà Nội thuộc địa bàn 2 phường Ngọc Khánh, Kim Mã của quận Ba Đình.
Trong đó, phường Ngọc Khánh có 17 trường hợp thuộc diện phải thu hồi đất, diện tích là hơn 15.000m2. Phường Kim Mã có 18 trường hợp hộ dân thực hiện thu hồi tạm thời để bảo đảm an toàn trong quá trình triển khai dự án.
Đến nay, UBND quận Ba Đình đã ban hành xong các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án, thực hiện chi trả toàn bộ số tiền bồi thường hỗ trợ với số tiền gần 50 tỷ đồng; Bố trí tái định cư cho các hộ dân với 13 căn hộ tại nhà N07 khu 5,3ha Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Đồng thời, quận thực hiện xong công tác thu hồi mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư, bảo đảm công tác thi công dự án.
Về tình hình công tác giải phóng mặt bằng chung đoạn đi ngầm của dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, Dự án có tổng số 4 ga ngầm, thuộc địa bàn các quận Ba Đình (S9), Đống Đa (S10 và S11) và Hoàn Kiếm (S12). Đến nay, việc giải phóng mặt bằng thi công 4 ga ngầm đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, qua quan trắc, khảo sát hiện trạng, có 50 hộ dân thuộc địa bàn 2 quận Ba Đình và Đống Đa bị ảnh hưởng khi thi công tuyến đường hầm của dự án. Trong đó, có 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng (khi máy khoan ngầm TBM đi qua) và 7 hộ phải phá dỡ trước khi tiến hành khoan ngầm (trong đó, có 1 hộ đã tự nguyện phá dỡ).
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã phối hợp xây dựng và báo cáo UBND Thành phố về khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ, làm căn cứ thỏa thuận sử dụng đất trong thời gian thi công tuyến hầm.
Theo đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 6 hộ phải phá dỡ khoảng 21 tỷ đồng; Kinh phí hỗ trợ 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng khoảng 4 tỷ đồng.
Trong tuần tới, quận Đống Đa sẽ tiến hành chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân. Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ đối với quận Ba Đình và Đống Đa để hoàn thành toàn bộ nội dung này trong tháng 10/2022.