Thay đổi tư duy từ “làm hộ, làm thay" sang hỗ trợ, nâng cao kỹ năng số cho người dân
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 596/UBND-KSTTHC về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.
Ảnh minh họa |
UBND thành phố chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn xác định việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ là một nhiệm vụ trọng tâm, được tiến hành thường xuyên, liên tục trên cơ sở huy động sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp. Việc triển khai cần được thực hiện bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải và lãng phí.
Các đơn vị, địa phương quán triệt, chỉ đạo cụ thể việc không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tại bộ phận "một cửa" các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu để cung cấp dịch vụ chất lượng, hiệu quả; Thay đổi tư duy từ “làm hộ, làm thay" sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; Quan tâm, hỗ trợ đối tượng yếu thế và chú trọng công tác thông tin, truyền thông trong việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.
Các đơn vị thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng hồ sơ bị giải quyết chậm, muộn; Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; Không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo quy định;
Bên cạnh đó, các đơn vị tham mưu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi; Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo quy định những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra thủ tục hành chính không đúng quy định hoặc để chậm, muộn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.