Thế giới ghi nhận trên 85,6 triệu ca nhiễm Covid-19
Thế giới có thể bị tấn công bởi “Dịch bệnh X” gây chết người, lây lan nhanh như Covid-19 Chạy đua mua vắc-xin ngừa Covid-19 Biến thể virus SARS-CoV-2 lây lan ra nhiều nước trên thế giới |
Thế giới ghi nhận trên 85,6 triệu ca nhiễm Covid-19 (Ảnh: CNN) |
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia, vùng lãnh thổ và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Trong đó, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 trên thế giới, với trên 21 triệu ca nhiễm.
Biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/2020 ở Anh hiện đã lây lan sang hàng chục quốc gia. Biến thể này được cho là có khả năng lây truyền cao hơn các chủng khác nhưng theo giới chuyên môn, chủng virus này dường như không nguy hiểm hơn cho những người mắc bệnh.
Ngay từ đầu năm mới, một loạt các quốc gia đã tái áp đặt các lệnh phong tỏa đất nước hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.
Tại Châu Âu, Chính phủ Đức và chính quyền 16 bang đã nhất trí gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 31/1 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đức đã phải áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt đợt 2 từ ngày 16/12/2020 để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Theo đó, các trường học, cửa hàng, nhà hàng và quán rượu phải đóng cửa.
Chính phủ Áo cũng quyết định kéo dài lệnh phong tỏa thêm một tuần cho đến ngày 24/1. Các nhà hàng và cửa hàng bán đồ không thiết yếu tiếp tục phải đóng cửa.
Anh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 từ ngày 5/1 (Ảnh: THX) |
Anh lại một lần nữa phong tỏa toàn quốc kéo dài ít nhất tới giữa tháng 2. Đây là lần thứ 3 nước Anh phải phong tỏa. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: “Chúng ta phải phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Việc này đồng nghĩa với Chính phủ yêu cầu người dân ở trong nhà”. Số ca nhiễm Covid-19 tại Anh hiện ghi nhận trên 2,7 triệu người, trong đó có trên 75.400 người không qua khỏi. Đây là mức cao thứ 2 tại Châu Âu.
Chính phủ Pháp kéo dài thời gian giới nghiêm ban đêm thêm hai giờ, áp dụng ở 15 tỉnh trên cả nước, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao. Theo đó, lệnh giới nghiêm ban đêm áp dụng ở 15/101 tỉnh ở Pháp sẽ bắt đầu từ lúc 18h hằng ngày, thay vì 20h như quy định trước đây. Số ca mắc Covid-19 ở Pháp hiện ở mức cao nhất tại Tây Âu và cao thứ 5 trên thế giới, với hơn 2,6 triệu ca mắc. Số ca tử vong hiện hơn 64.600 ca.
New Zealand cũng siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới do lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang làm gia tăng các ca mắc Covid-19 ở nước ngoài. Cụ thể, tất cả những ai đến từ Anh và Mỹ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay tới nước này, cũng như phải lấy mẫu xét nghiệm 2 lần trong thời gian cách ly bắt buộc tại đây.
Tại Châu Á, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã công bố quy định kéo dài thời gian cách ly từ 14 ngày lên thành 21 ngày đối với những người nhập cảnh từ nước ngoài để phòng dịch.
Thái Lan có số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua lên tới 745 người, mức cao nhất từ trước tới nay. Chính phủ Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp ở nước này cho tới cuối tháng 2/2021. Chính phủ Thái Lan cũng đã xếp 28/77 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Bangkok, là các khu vực nguy cơ cao, đồng thời yêu cầu người dân làm việc ở nhà, tránh tụ tập hoặc ra ngoài tỉnh.