Chạy đua mua vắc-xin ngừa Covid-19
Các nước giàu “gom hàng”
Nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan, ước tính mỗi người cần tiêm ít nhất 2 liều vắc-xin và thế giới cần hơn 17 tỷ liều. Tuy nhiên, các quốc gia giàu có đã sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để mua trước các loại vắc-xin tiềm năng trong số hơn hàng trăm loại đang được phát triển.
Thực tế, các nước giàu đã mua sắm vắc-xin ngừa Covid-19 trong nhiều tháng. Một cơ sở dữ liệu được cập nhật liên tục bởi Trung tâm Đổi mới y tế toàn cầu Duke ghi nhận, nhiều giao dịch song phương trị giá hàng tỷ USD giữa các quốc gia và các hãng đang sở hữu vắc-xin tiềm năng.
Thậm chí, một số nước và khu vực đã đặt mua vắc-xin nhiều hơn so với toàn bộ dân số của họ. Theo Liên minh vắc-xin nhân dân (PVA), gồm quỹ Oxfam và Tổ chức Ân xá quốc tế, các quốc gia giàu có đã mua đủ liều vắc-xin Covid-19 để chủng ngừa cho gấp ba lần dân số.
Trong đó, Chính phủ Canada đã đảm bảo đủ số lượng vắc-xin cho công dân nước này gấp 5, thậm chí 6 lần, dù không phải tất cả các ứng cử viên vắc-xin họ đã đặt hàng trước đều được phê duyệt.
Từ ngày 8/12, Anh bắt đầu tiêm chủng đại trà vắc-xin ngừa Covid-19 (Ảnh: AP) |
Dữ liệu của liên minh cũng cho thấy trong khi các quốc gia giàu có nhất thế giới đang đạt được các thỏa thuận mua vắc-xin ngừa Covid-19 thì gần 70 quốc gia nghèo chỉ có thể tiêm chủng tốt nhất cho 1/10 dân số của họ trong năm 2021.
Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Châu Phi, John Nkengasong chia sẻ, việc các nước nghèo không có khả năng tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ là “thảm họa”.
Khi virus SARS-CoV-2 lây lan khắp các quốc gia trên thế giới. Các bệnh nhân Covid-19 lấp đầy bệnh viện, một nỗ lực toàn cầu có thể tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 đã ra đời. Đó là sáng kiến COVAX.
Nó được thiết lập như một cơ chế toàn cầu nhằm đảm bảo sự tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng với các loại vắc-xin ngừa Covid-19. Chương trình tập hợp sức mua của các quốc gia thông qua nguồn quỹ chung để đầu tư vào các ứng viên vắc-xin Covid-19. Sự đảm bảo về quy mô tiêu dùng sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất tiếp tục công việc phát triển và mở rộng các vắc-xin tiềm năng.
Mục tiêu chương trình đặt ra đến cuối năm 2021 sẽ mua và cung cấp 2 tỷ liều vắc-xin đã được phê duyệt song con số đó chỉ đáp ứng 20% dân số các nước tham gia chương trình.
Cho đến nay, đã có 189 quốc gia và vùng lãnh thổ ký cam kết tham gia cơ chế này. Tuy nhiên, Mỹ và Nga không tham gia.
Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người được tiêm vắc-xin
Tiếp cận công bằng với vắc-xin giờ đây không chỉ là vấn đề tiền bạc. Đại diện GAVI (Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng) là một trong ba tổ chức đồng lãnh đạo sáng kiến COVAX cùng với Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Phòng chống dịch bệnh đổi mới phi lợi nhuận, cho biết, đã huy động được hơn 2 tỷ USD để mua vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo nhất và tiến tới mục tiêu huy động hơn 5 tỷ USD vào cuối năm sau.
“Ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo nguồn tài chính cần thiết để các nước nghèo được tiếp cận nhanh chóng với ứng viên vắc xin ngừa Covid-19 thông qua COVAX”, người phát ngôn của GAVI nhấn mạnh.
Một số nước và khu vực đã đặt mua vắc-xin nhiều hơn so với toàn bộ dân số của họ (Ảnh: Getty) |
Những nước đóng góp chính cho COVAX như Anh và Canada và các quốc gia thuộc EU đã thực hiện một số thỏa thuận song phương lớn nhất với các công ty dược phẩm. Liên minh vắc-xin nhân dân lập luận rằng những thỏa thuận này có thể làm suy yếu hiệp ước COVAX mà họ đã tài trợ.
Tuy nhiên, những nước đóng góp chính cho COVAX như Liên minh Châu Ấu (EU), Anh và Canada đã có thỏa thuận song phương riêng số lượng lớn với các công ty dược. Do đó, Liên minh vắc-xin Nhân dân lo ngại rằng những thỏa thuận này có thể làm suy yếu hiệp ước COVAX mà họ đã tài trợ.
Tiến sĩ Richard Mihingo, điều phối viên tiêm chủng và phát triển vắc-xin tại khu vực Châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết, quốc gia cần đảm bảo công dân của họ được tiêm chủng. Ông gọi các thỏa thuận song phương là một “thực tế đáng buồn”.
Người dân các nước Châu Phi vẫn còn nhớ cuộc chiến kéo dài hàng năm trời để có thể tiếp cận các loại thuốc điều trị HIV/AIDS rất lâu sau khi chúng có mặt ở phương Tây. Gần đây nhất, khi đại dịch virus cúm A - H1N1 bùng phát năm 2009, các nước Châu Phi chỉ được tiếp cận vắc-xin sau nhiều tháng khi các nước giàu có hơn hoàn tất tiêm chủng.
“Không ai có thể được an toàn cho đến khi tất cả mọi người được bảo vệ. Chúng ta đang sống trong một thế giới liên kết với nhau. Do đó, ngay cả khi nhiều quốc gia có thể đủ nguồn vắc-xin chủng ngừa Covid-19, họ vẫn bị cô lập. Chúng ta cần một thế giới mọi người có thể tương tác, không chỉ về mặt xã hội mà còn về mặt kinh tế”, Tiến sĩ Mihingo nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cũng tin rằng tác động lâu dài của bất kỳ sự chậm trễ tiêm chủng nào ở các nước nghèo sẽ làm gia tăng bất bình đẳng toàn cầu. Sự bất bình đẳng đó thể hiện ở chỗ công dân những nước giàu được tiêm vắc-xin thì có thể đi du lịch, làm việc, học hành. Với công dân các nước nghèo, nếu không được tiêm vắc-xin thì những cơ hội này bị tước đoạt.