Tag

"The Mong Show" giúp đồng bào Mông thay đổi tư duy làm du lịch

Du lịch 28/12/2022 13:31
aa
TTTĐ - Vừa qua, vở thực cảnh đầu tiên về người Mông - "The Mong Show: Sapa lặng lẽ yêu" đã được công diễn tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai - đây chính là Bảo tàng Sa Pa, một địa chỉ văn hóa quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế. Thông qua chương trình, Ban Tổ chức (BTC) mong muốn thế hệ trẻ người Mông có cơ hội được học và biết các văn hóa truyền thống của dân tộc mình, có cơ hội sống bằng nghề và phần nào đó thay đổi tư duy làm du lịch bằng những vốn quý mà bản năng của họ đã có mà chưa biết khai thác.
Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hòa mình vào không gian thấm đẫm văn hóa của người Mông

Với thời lượng 35 phút - The Mong Show (điểm nhấn trong chuỗi Festival “Tinh hoa Tây Bắc” năm 2022) đã đưa người xem tới những không gian đậm đặc bản sắc của người Mông. Không giống như vở thực cảnh thông thường ở Việt Nam hiện tại là khán giả ngồi thưởng thức những lớp diễn khác nhau thì ở show này, người xem cùng di chuyển theo cách mà Tổng đạo diễn - NSƯT Thanh Hằng sắp đặt.

Khi bước vào không gian của vở diễn, các thiếu nữ người Mông tay nhuộm chàm nắm tay khán giả, trao truyền những thông điệp về vở diễn. Đó là không sử dụng thiết bị âm thanh điện tử, khán giả thật sự yên lặng, không dùng điện thoại hay bật đèn flash để có thể hoà mình trọn vẹn vào không gian, để “lặng lẽ yêu”.

Hình ảnh trong vở thực cảnh "The Mong show - Sa Pa lặng lẽ yêu"

Vở diễn được hình thành dựa trên thế giới quan, phong tục và sinh hoạt truyền thống thường ngày của người Mông. Các màn chính trong vở diễn gồm 7 màn lần lượt như sau: Thầy cúng; Nghề rèn; Dệt lanh; Thắng cố - rượu ngô; Tổ chim bên sườn núi; Chợ tình; Bảo tàng...

Ba hồi tù và sừng trâu do hai chàng trai bên con thác dựng mô phỏng Thác Bạc vang lên, người thầy cúng bước ra từ vách đá hướng về bát nước đầy đặt trên mỏm đá trước mặt ông. Hình ảnh người thầy cúng trong nghi thức lễ cúng Thứ Tỷ - tục xin nước đầu năm của người Mông mong cho một mùa màng thuận lợi hiện ra.

Sau màn quan trọng của người thầy cúng trong nghi thức tâm linh của người Mông và việc mang nước, gieo hạt cấy cày, khán giả sẽ được hướng dẫn nhìn về lớp sân khấu thứ hai.

Lò rèn truyền thống người Mông có ống bễ làm bằng gỗ dẻ, piston bằng lông đuôi gà trống. Thanh âm của lò rèn tạo thành bản hòa tấu độc đáo, sinh động.

Theo phong tục, nếu mùa Xuân đi chơi, mùa Hạ đi gặt thì mùa Thu và mùa Đông người Mông sẽ se lanh dệt vải. Màn 3 của vở diễn cũng được bắt đầu từ giọng hát của nghệ sỹ Lầu Thị Pàng, một trong những nghệ sỹ mà đích thân nhạc sỹ Mạnh Tiến mời bằng được tham gia chương trình này bởi tiếng hát của chị vô cùng trong trẻo.

Không gian đang ồn ã bỗng lắng xuống mở ra một thế giới của những tấm vải chàm xanh thẫm, của tiếng khung cửi nhẹ nhàng đưa đẩy đâu đây. Lắng tai một chút ta sẽ thấy cả người đàn ông châm điếu thuốc lào bên khung dệt. Hình ảnh một người mẹ địu đứa con ngồi se lanh... Tất cả dần dần hiện lên theo lời hát và chuyển động của ánh sáng.

Trong màn 4: Thắng cố, rượu ngô, toàn bộ một phiên chợ vùng cao của người Mông được tái hiện khéo léo thông qua hệ thống đạo cụ thực tế được ê kíp sưu tầm, thậm chí mượn của chính những bà con tham gia biểu diễn để có được lò nấu rượu ngô, nồi nấu thắng cố hay những bắp ngô treo bên hiên nhà... tất cả được hòa vào nhau trong không khí tưng bừng và sôi động nhất.

Gặp người là gặp bạn

Gặp bạn là gặp rượu

Gặp rượu mới là gặp nhau

Chân bỗng chùng chình chưa rời mà đã nhớ

Du khách được mời ngồi vào bếp lửa của người Mông, thưởng thức chút rượu nồng và trải nghiệm không khí với đầy đủ các cung bậc cảm xúc.

Màn 5: Tổ chim bên sườn núi hát về những dòng sông, những con đường hiểm trở, những nương ngô, những nếp nhà nhỏ xinh. Người và núi, sông và suối, cỏ cây như hòa lẫn vào nhau. Suốt một đời ca hát bằng bản năng.

Những người Mông gùi củi trên lưng lững thững chầm chậm bước đi theo tiếng khèn, tiếng sáo cùng màn hòa thanh tuyệt diệu những ca từ của người Mông xưa.

Đã từ lâu, hình ảnh chợ tình của Sa Pa in đậm trong tâm trí nhiều du khách nhưng hiếm khi một phiên chợ tình với tiếng thổi lá, tiếng khèn, tiếng nam nữ trêu đùa rồi kéo vợ được hiện hữu ở mảnh đất này.

Trong màn 6, Ê kíp sáng tạo đã tái hiện màn kéo vợ đầy khéo léo với gần như toàn bộ diễn viên trên khu vực sân khấu tiếp theo trong những cây đào cổ tại khuôn viên bảo tàng.

Du khách có thể hòa vào giữa phiên chợ thông qua lối đi riêng được bố trí đứng ngay gần các diễn viên để tạo sự trải nghiệm khách biệt cho những ai ở xa, ở gần sẽ đều có cảm nhận riêng.

Có lẽ phải thực sự tham gia vở diễn chúng ta mới có thể cảm thấy chợ tình Sa Pa tại The Mong show tinh tế và đẹp ra sao. Rất nhiều những khán giả là người yêu, là vợ chồng đi cùng nhau theo dõi từ đầu chương trình đến màn này đều bị ấn tượng bởi những tập tục, nét đẹp văn hóa rất ý nghĩa của người Mông được tái hiện trong vở diễn.

Ở màn kết Bảo tàng khắc họa hình ảnh người Mông gắn đời mình với rừng và tung hoành tạo nên những lối mòn, chinh phục những mảnh đất hoang vu nhất. Mặt đất dưới chân họ nghiêng nghiêng. Để cày lên thớ đất, người và trâu chênh vênh chân duỗi, chân quỳ bên trên những triền núi đá nhọn hoắt in hình giữa lưng chừng trời…

Đồng bào tự làm nên sự thay đổi

7 lớp diễn, khán giả di chuyển 8 lần một cách vô cùng háo hức, bởi không biết khi sáng đèn, cảnh tiếp theo mình sẽ được xem là gì. Không gian được bài trí đậm chất dân tộc Mông, mọi đạo cụ diễn đều là thật - từ người dân bản địa mang tới.

Ngay cả hơn 50 diễn viên cũng đều là đồng bào dân tộc Mông, diễn viên nhỏ nhất mới 2 tuổi. Khán giả như hoà mình vào cuộc sống sinh hoạt của người Mông chứ không phải đang xem diễn viên diễn.

Không sử dụng thiết bị âm thanh, mọi lời thoại, tiếng ca của diễn viên đều thật. Âm nhạc của vở diễn được nhạc sĩ Mạnh Tiến chắt lọc, tạo nên một bản hòa thanh đa màu sắc giữa đất trời Sa Pa. Nghệ thuật múa đương đại được NSƯT Thanh Hằng khai thác tối đa dựa trên chất liệu văn hóa dân gian của đồng bào Mông.

Vì là vở diễn thực cảnh nên phần ánh sáng rất được chú trọng. Trong không gian của cây cối núi rừng, nhà sàn lớp lớp, ánh sáng được soi chiếu, mờ mờ ảo ảo, đậm chất điện ảnh khiến người xem khó rời mắt.

Tổng đạo diễn - NSƯT Thanh Hằng cho biết, cô đã phải rất kỹ càng trong việc chọn lựa diễn viên tham gia vào màn múa này. Bởi họ chỉ múa lộ khuôn mặt nên cô phải chọn gương mặt thật sự toát lên vẻ đẹp của người Mông.

Bà Phùng Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Anh Sơn Group, đại diện Nhà sản xuất cho biết quá trình đi lựa chọn, tìm kiếm diễn viên đã thu hút được đông đảo các thành phần của đồng bào nơi đây. Điều đặc biệt là, có những bài hát, lời ca cổ, thế hệ trẻ không biết nhưng khi đến với chương trình họ đã được học, được hát lại và thuộc lòng cũng như yêu mến và lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Thông qua chương trình, BTC cũng muốn tạo ra sinh kế đàng hoàng cho bà con, có thể làm du lịch để sống mà không phải làm nghề khác nữa. Bên cạnh đó, The Mong show cũng tạo ra một trung tâm nghệ thuật giữa lòng Sa Pa với bản sắc đầy đủ của 5 dân tộc đang sinh sống ở nơi đây. Đấy chính là mong ước và ý nghĩa của sản phẩm lần này, để Sa Pa tỏa hương bằng chính bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú chứ không chỉ bằng những chiếc vòng, chiếc khăn bán ngoài chợ, ngoài đường.

Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vô cùng ấn tượng với show diễn. Ông cho biết, xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi của du khách, đặc biệt là khách quốc tế, The Mong Show ra đời đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá bản địa - điểm đến của du khách. Đây là show diễn thực cảnh đầu tiên của người Mông ở Sa Pa, mang đến nét văn hóa rất đặc sắc của người Mông nói riêng và Sa Pa nói chung.

Đây có thể coi là một trong những giá trị bền vững, lâu dài nhất khi Lào Cai thực hiện triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Trên tinh thần đó, Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết, khai thác và giữ gìn tốt bản sắc văn hóa của 25 dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ông Trịnh Xuân Trường nhận định các sản phẩm du lịch muốn tốt thì phải luôn tự làm mới. Đặc biệt, những sản phẩm xuất phát từ văn hóa thì có giá trị rất bền vững, hấp dẫn được du khách. Quan trọng hơn cả là người dân sống được bằng văn hóa và du lịch trên địa bàn của mình. Đó là sự chia sẻ về lợi ích cũng như đảm bảo đời sống của người dân.

Chính vì thế, sau show diễn này, ông sẽ cho chạy thử nghiệm từ 1 - 6 tháng khai thác xem show diễn có "sống" được không. Nếu được, Lào Cai sẽ cho vào khai thác thường xuyên, định kỳ hàng ngày để mang lại những trải nghiệm ngày càng tốt hơn cho khán giả.

Thông qua chương trình, BTC cũng mong muốn đạt được giá trị rằng đồng bào tự thay đổi nhằm mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình. Để không còn thấy cảnh chèo kéo, xin ăn, những đêm múa khèn ngoài chợ... khiến du khách có cái nhìn không tốt khi đến nơi này.

Nếu The Mong show có thể đi lâu hơn, chúng ta sẽ thấy các em bé rồi sẽ lớn dần dạy cho các em bé mới để trở thành những người mẹ người chị trong vai các nhân vật khác của show, đó là điều BTC muốn hướng đến trong tương lai.

Đọc thêm

Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025 Du lịch

Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025

TTTĐ - Khai mạc ngày 26/4, Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025 hứa hẹn mang đến hàng loạt trải nghiệm hấp dẫn, đưa Sa Pa trở thành điểm đến hàng đầu miền Bắc trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và mùa hè năm nay.
Chợ đêm VUI-Fest Cát Bà có gì mà dân chơi hệ “sống xanh” thích thú đến vậy? Du lịch

Chợ đêm VUI-Fest Cát Bà có gì mà dân chơi hệ “sống xanh” thích thú đến vậy?

TTTĐ - Chợ đêm VUI-Fest là điểm check-in mới toanh tại Cát Bà với loạt kiosk lấy cảm hứng từ bìa carton siêu xinh, decor sống ảo cháy máy, hội tụ ẩm thực địa phương, sản vật thủ công và không gian chill đậm chất xanh.
Câu chuyện văn hóa bên những chuyến tàu đêm di sản Du lịch

Câu chuyện văn hóa bên những chuyến tàu đêm di sản

TTTĐ - “Chuyến tàu đêm di sản” là tour du lịch đêm thứ 6 của Thủ đô Hà Nội. Tour du lịch này đã kể những câu chuyện di sản của mảnh đất nghìn năm văn hiến theo một cách khác.
Khám phá Ninh Thuận tại Tuần lễ Văn hóa, Ẩm thực 2025 Ẩm thực

Khám phá Ninh Thuận tại Tuần lễ Văn hóa, Ẩm thực 2025

TTTĐ - Từ ngày 30/4 đến 4/5, tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Ẩm thực năm 2025 với chủ đề "Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt".
Quảng Ngãi rộn ràng lễ hội “Carnival Quảng Ngãi xin chào!” Du lịch

Quảng Ngãi rộn ràng lễ hội “Carnival Quảng Ngãi xin chào!”

TTTĐ - Lễ hội thời trang, âm nhạc đường phố “Carnival Quảng Ngãi xin chào!” đã thu hút sự tham gia của hơn 1.200 diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên.
Để Hà Nội là một điểm đến hấp dẫn với du khách Hồi giáo… Nhịp điệu cuộc sống

Để Hà Nội là một điểm đến hấp dẫn với du khách Hồi giáo…

TTTĐ - Hội thảo quốc tế "Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn TP Hà Nội" nhằm phát huy vai trò của Hà Nội như một điểm đến thân thiện và hấp dẫn cho du khách Hồi giáo, góp phần vào sự phát triển du lịch toàn diện và bền vững của Thủ đô.
Những địa điểm "đừng bỏ qua" khi đến TP Hồ Chí Minh dịp 30/4 Du lịch

Những địa điểm "đừng bỏ qua" khi đến TP Hồ Chí Minh dịp 30/4

TTTĐ - Đến TP Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân và du khách không chỉ hòa mình vào không khí lễ hội trang trọng mà còn có thể ghé thăm những địa điểm nổi tiếng, mang đến cơ hội tuyệt vời để vừa vui chơi, thư giãn, vừa bồi đắp thêm kiến thức và lòng tự hào về lịch sử vẻ vang của đất nước và thành phố mang tên Bác.
Thảo cầm viên Sài Gòn miễn phí vé cho người sinh ngày 30/4 Du lịch

Thảo cầm viên Sài Gòn miễn phí vé cho người sinh ngày 30/4

TTTĐ - Thảo cầm viên Sài Gòn (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) sẽ miễn phí vé cho tất cả du khách sinh vào tháng 4/1975 hoặc sinh ngày 30/4. Đặc biệt, người sinh vào ngày 30/4/1975 còn được tặng một phần quà.
Kết nối, phát huy giá trị, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển Du lịch

Kết nối, phát huy giá trị, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển

TTTĐ - Hà Nội sẽ kết nối, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc trên địa bàn trong quá trình tái thiết đô thị, gắn với phát triển không gian sáng tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Đây là mục đích của Kế hoạch tổ chức các hoạt động tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2025.
Khơi sáng những trầm tích văn hóa, phát huy nét đẹp của di sản Du lịch

Khơi sáng những trầm tích văn hóa, phát huy nét đẹp của di sản

TTTĐ - Sơn Tây - vùng đất có bề dày trầm tích lịch sử - văn hóa xứ Đoài được hòa quyện và cộng hưởng cùng các giá trị văn hiến ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội nhưng lại chứa đựng những nét đặc sắc riêng có của chốn “địa linh nhân kiệt”. Vì thế, trong suốt thời gian qua, Thị xã Sơn Tây đã không ngừng đổi mới tư duy; tập trung triển khai có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá gắn với công tác quản lý di tích, lễ hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xác lập vị trí mũi nhọn của “ngành công nghiệp không khói”.
Xem thêm