Thí điểm đấu giá biển số xe ô tô: Cần sửa Luật để chính sách đảm bảo hiệu quả
Cần thực hiện công khai, minh bạch
Bộ Công an đang trình Chính phủ dự thảo nghị quyết để xin ý kiến Quốc hội về thí điểm lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Không ít ý kiến cho rằng, nếu triển khai việc đấu giá sẽ vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, vừa mang lại nguồn thu ngân sách, tuy nhiên cần phải sửa nhiều luật để chính sách này bảo đảm hiệu quả.
Thông tin về vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết: Dự thảo quy định xe cơ giới tham gia giao thông phải được cấp biển số. Đây là điều kiện để tham gia giao thông, còn hình thức cấp biển do Chính phủ quy định.
“Chúng tôi đề nghị người dân được lựa chọn, hoặc là bấm biển số ngẫu nhiên hoặc lựa chọn biển số. Nếu lựa chọn thì số đó sẽ được chuyển sang cơ quan phụ trách đấu giá trực tuyến công khai. Người nào trả giá cao hơn sẽ được tiếp nhận”, Đại tá Đỗ Thanh Bình nói.
Những biển số luôn được săn lùng là số tiến lên, ngũ quý (năm số giống nhau), tứ quý (bốn số giống nhau). Việc đấu giá biển số xe sẽ giúp người dân lựa chọn và chi trả tiền cho biển số mình mong muốn mang ý nghĩa đem đến may mắn cho công việc và giảm bớt những tiêu cực trong việc chọn biển số xe.
Việc đấu giá biển số xe ô tô sẽ vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, vừa mang lại nguồn thu ngân sách |
Đồng tình ủng hộ với đề xuất cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, anh Vương Anh Tú (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, người dân có biển số mình cần theo sở thích, còn nhà nước thì thu được tiền cho ngân sách. Khi đã triển khai cần quy định rõ về quyền lợi của chủ biển số xe như: Họ có quyền tháo ra để gắn vào chiếc xe khác của họ (nhưng thủ tục phải đăng ký với cơ quan chức năng); Khi xe bị hư hỏng hoặc họ muốn bán chiếc xe đó thì có quyền giữ lại biển số xe và khi đó cơ quan chức năng phải cấp một biển số xe mới cho chiếc xe đó”.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh đề xuất này, theo đó, có nhiều ý kiến đề xuất đấu giá biển số xe nên làm thí điểm ở một số địa phương nhằm đánh giá hiệu quả và có cơ sở để xây dựng nguồn biển số có nhu cầu lớn, quy trình đấu giá thống nhất, cũng như căn cứ xác định giá khởi điểm.
Trong đó, quy định nên xem biển số xe là tài sản công. Việc đấu giá phải được công khai, minh bạch để bảo đảm lợi ích của người trúng đấu giá và nguồn thu ngân sách.
Vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau
Liên quan đến việc đấu giá biển số xe, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai xác nhận, hiện còn hai luồng ý kiến khác nhau, rằng biển số xe là tài sản hay là công cụ quản lý của Nhà nước với phương tiện giao thông đường bộ nên chưa thể đưa ra bán đấu giá. Mấu chốt hiện nay cần nghiên cứu là quyền của người trúng đấu giá biển số tới đâu khi Luật Giao thông đường bộ hiện quy định cấm mua bán các biển số của phương tiện cơ giới.
Trong khi đó, Luật Đấu giá tài sản thì không vướng mắc vì luật này chỉ quy định trình tự đấu giá tài sản, còn tài sản nào được phép bán đấu giá lại do luật nội dung, luật chuyên ngành quy định. Nếu coi biển số xe là một loại tài sản và theo quy định pháp luật chuyên ngành phải bán dưới hình thức đấu giá thay vì bốc ngẫu nhiên như hiện nay thì đương nhiên nó sẽ được thực hiện bán đấu giá theo quy định.
Về vấn đề trên, tại diễn đàn hỏi đáp trực tuyến vừa diễn ra do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho hay: Việc đấu giá biển số xe không còn đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vì nó liên quan đến rất nhiều luật, phải sửa đổi cả Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước chứ không riêng luật này.
Hiện nay, quy định cấm mua bán biển số trái phép đã sửa, còn quy định về quyền và nghĩa vụ dân sự của người trúng đấu giá đang có nhiều ý kiến trong việc xem đây là quyền tài sản đầy đủ hay chỉ là quyền sử dụng. Điều này cần có thời gian xem xét.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến người dân và các cơ quan liên quan, Bộ Công an sẽ báo cáo với Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đề án thí điểm đấu giá biển số. Tinh thần chung là tất cả biển số đưa ra để cấp thì người dân đều được chọn bấm ngẫu nhiên, không có biển số xấu, đẹp, nhưng sắp tới sẽ có biển số theo nhu cầu.
Nhiều người dân thích sở hữu các biển số xe đẹp |
Nhận định về dự thảo nghị quyết của Bộ Công an, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ủng hộ việc đấu giá biển số xe đẹp vì đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
Theo TS Tạo, việc đấu giá biển số xe đẹp hoặc cấp biển số xe theo nguyện vọng thì trên thế giới đã làm từ lâu nhưng ở Việt Nam vẫn chưa triển khai được. "Ở nước ngoài, khi lựa chọn biển số, cơ quan chức năng sẽ thu một khoản phí cao hơn cấp biển số bình thường. Nếu có nhiều người cùng đăng ký một biển số thì mới đưa ra đấu giá. Biển số đã được cấp sẽ theo cá nhân suốt đời và không được trao đổi, mua bán", TS Tạo nói.
Tại Malaysia, hình thức đấu giá biển số xe trực tuyến đã phổ biến từ lâu. Người mua chỉ cần đăng nhập hệ thống đấu giá biển số trực tuyến của Cục Giao thông đường bộ Malaysia để kiểm tra biển số xe mong muốn đã có chủ hay chưa. Nếu chưa, người mua phải đặt số tiền đấu giá bằng hoặc cao hơn tối thiểu 5% so với mức giá yêu cầu và không giới hạn giá trần. Quá trình đấu giá kéo dài 5 ngày và người tham gia không được rút hồ sơ trong thời gian diễn ra đấu giá. Nếu thắng đấu giá, số tiền sẽ lập tức bị trừ vào thẻ tín dụng người đăng ký hoặc ngân hàng sẽ hoàn trả số tiền trên nếu đấu giá bất thành.
Ở Canada, chủ sở hữu có thể chuyển biển số yêu thích từ xe cũ sang xe mới để tiết kiệm chi phí. Tại Singapore, Cục Giao thông Đường bộ sẽ cấp biển số xe mới miễn phí nhưng nếu người đăng ký muốn biển số theo ý thích thì phải đóng phí tham giá đấu giá tối thiểu 1.000 USD.
Ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)..., số tiền thu từ đấu giá biển số xe được sử dụng vào mục đích từ thiện, tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông.