Thị trường TP Hồ Chí Minh: Rau xanh, thịt lợn vẫn ở mức giá cao
Rau xanh tăng giá mạnh so với các tuần trước |
Rau xanh tăng giá
Ghi nhận tại các chợ truyền thống như chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Bến Thành (Quận 1), chợ Phước Bình (thành phố Thủ Đức)... các loại rau củ quả đều đã được điều chỉnh tăng giá so với tuần trước. Cụ thể, giá cà chua có giá 20.000 - 35.000 đồng/kg (tăng 5.000 - 1 đồng/kg); xà lách từ 50.000 - 60.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), cải bó xôi 40.000 - 50.000 đồng/kg (tăng khoảng 6.000 đồng/kg), cải xanh từ 25.000 - 30.000 đồng/kg (tăng 2.000 - 5.000đồng/kg), bí xanh có giá dao động 30.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg) …
Theo một số tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau, củ quả tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do giá chi phí vận chuyển, sản xuất tăng do giá xăng tăng, cùng với đó nguồn hàng đang khan hiếm do các tỉnh miền Trung, miền Tây đang vào mùa mưa nên các loại rau lá dễ bị hư hỏng, dập nát...
Anh Nguyễn Minh Thức, chủ doanh nghiệp chuyên bán rau sạch tại TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 9 giá các mặt hàng rau xanh nhập từ Đà Lạt và các tỉnh miền Tây đã được điều chỉnh tăng từ 10-15%, đến nay đã tăng lên 30%. Mặc dù các nhà cung cấp cam kết sẽ giữ giá này theo hợp đồng đến hết năm 2021 nhưng trong dịp Tết Nguyên đán, khó có thể đảm bảo không tăng.
Trong khi đó, những ngày qua giá rau, củ quả tại Đà Lạt và Lâm Đồng cũng đang tăng mạnh. Cụ thể, súp lơ xanh giá 20.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; su su 6.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg… Tăng mạnh nhất là rau xà lách lolo xanh 35.000 đồng/kg, tăng 17.000 đồng/kg; ớt chuông Đà Lạt 45.000 đồng/kg, tăng 23.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó một tuần.
Theo các tiểu thương kinh doanh rau xanh tại Đà Lạt, rau xanh tăng giá là do nguồn cung đang khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường tiêu thụ thị trường các tỉnh phía Nam đang tăng mạnh, nhất là các điểm tập kết rau lớn tại TP Hồ Chí Minh như chợ đầu mối Bình Điền, chợ nông sản Thủ Đức, Hóc Môn đã mở cửa trở lại. Hiện nay, trung bình mỗi ngày các vùng trồng rau xanh của tỉnh Lâm Đồng xuất ra thị trường hơn 5.000 tấn rau, củ các loại, trong đó phần lớn tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn hàng về TP Hồ Chí Minh dịp cuối năm khá đa dạng nên không lo tình trạng thiếu hụt nguồn hàng. Hiện tại, giá bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… được một số đơn vị cam kết bình ổn giá để chia sẻ với người tiêu dùng. Dù vậy, tại các chợ truyền thống vẫn còn tình trạng điều chỉnh giá bán một số loại giá bán mặt hàng rau xanh, củ quả... do chi phí đầu vào tăng nên các tiểu thương phải điều chỉnh.
Giá thịt lợn vẫn ở mức cao
Sau mấy tháng dịch bệnh Covid-19, người dân TP Hồ Chí Minh phải dùng thịt lợn giá cao. Khi nới lỏng giãn cách, giá lợn hơi trên thị trường liên tục giảm mạnh, song giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ truyền thống, chợ online, cửa hàng tiện lợi vẫn đứng yên ở mức cao.
Giá thịt lợn đứng im ở mức cao |
Tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, giá lợn hơi đang giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống còn 40.000 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giá lợn hơi đồng loạt giảm thêm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Theo đó, hiện giá lợn hơi ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp… dao động từ 37.000 – 39.000 đồng/kg.
Chia sẻ về giá lợn hơi hiện nay, ông Nguyễn Văn Tiến, chủ trại lợn tại Xã lộ 25, Thống Nhất, Đồng Nai than thở: "Gần đây giá lợn hơi giảm chóng mặt. Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi không có lời, thậm chí còn lỗ sâu. Hơn 2 tháng trước, tôi mạnh tay đầu tư chăn nuôi khoảng 100 con lợn thịt bởi so với giá thời điểm đó, đầu tư cũng có lợi nhuận. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giao thông gián đoạn làm giá lợn hơi cũng giảm mạnh".
Theo ông Văn Tiến, hiện trang trại của ông còn hơn 50 con lợn thịt đến thời điểm xuất chuồng. Nhưng với giá hiện nay, ông Tiến vẫn đang phân vân không biết nên bán hay giữ lại. Nếu bán, trang trại lợn của ông không đủ vốn tiếp tục duy trì, còn nếu để lại thì không gánh nổi chi phí chăn nuôi do giá cám lên cao ngất ngưởng, càng để lâu càng lỗ nặng.
Trong khi giá lợn hơi trên thị trường liên tục giảm mạnh ở các tỉnh thành lân cận TP Hồ Chí Minh thì giá thịt lợn tại các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở mức cao.
Ghi nhận tại chợ một số chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hiện nay giá thịt lợn đã giảm từ 2.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, giá thịt ba rọi đang ở mức 150.000 đồng/kg, sườn non 180.000 đồng/kg, thịt đùi 120.000 đồng/kg... Tại các hàng online, giá thịt lợn sườn non 170.000 đồng/kg, thịt ba rọi 130.000 đồng/kg, thịt lợn cốt lết 120.000 đồng/kg, thịt lợn nạc 140.000 đồng/kg... Trong khi đó, tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị giá thịt lợn chưa quay đầu giảm tương ứng. Cụ thể, giá thịt lợn tại các cửa hàng tiện lợi đang dao động ở mức 150.000 - 210.000 đồng/kg tùy loại.
Chị Ngô Hà Thủy, ngụ ở thành phố Thủ Đức cho biết, trong 4 tháng giãn cách xã hội, thực phẩm đắt đỏ do khó vận chuyển và thiếu nguồn cung nên người tiêu dùng cũng thông cảm và chấp nhận. Tuy nhiên, thành phố đã trở lại cuộc sống bình thường mới, hàng hóa từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh cũng dễ dàng hơn nhưng giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn vẫn chưa giảm, điều này rất bất hợp lý. Trong khi đó, thu nhập của người dân đang giảm sút vì dịch bệnh kéo dài suốt 4 -5 tháng qua mà giá thực phẩm rau xanh, thịt lợn đều ở mức cao sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng.