Thiêng liêng đền Bà Đá Đen - nơi thờ thân mẫu Thánh Tản Viên
Nhiều ý kiến đóng góp cho lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ năm 2023 |
Huyền tích về thân mẫu Thánh Tản Viên
Tọa lạc trên mỏm núi cao thuộc thôn Kẻ Mới, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội - gần cổng Vườn quốc gia Ba Vì, đền Bà Đá Đen không chỉ là ngôi đền mang tín ngưỡng tâm linh thiêng liêng mà còn là điểm du lịch thường xuyên đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Đền Bà Đá Đen toạ lạc trên một mỏm núi cao tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội |
Một dịp đầu hạ 2023, phóng viên có cơ hội chiêm ngưỡng ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nằm trong Khu du lịch quốc gia Ba Vì. Có thể thấy, đền không quá lớn, chỉ rộng khoảng 5.000 mét vuông. Ngôi đền được xây dựng theo kiểu cổ kim pha trộn. Nơi chính điện, phía trên thờ Tam tòa Thánh Mẫu, tiếp đó là Đức Chúa Bà bản đền. Bên trong hậu cung xây động tiên và thờ Tam tòa Chúa Tiên. Phía ngoài đền có nơi thờ lầu cô, lầu cậu và năm dinh quan lớn cửa rừng.
Tượng Bà Chúa Đá Đen |
Theo các cụ cao niên tại địa phương, huyền tích về đền Bà Chúa Đá Đen là một truyền thuyết quý có tính lịch sử cao, luôn là điểm tâm linh thu hút nhiều du khách hành hương về chiêm bái.
Truyền thuyết kể rằng, đền Bà Đá Đen là nơi thờ mẹ của Thánh Tản và bà Chúa Tiên nên đền còn được gọi là đền Mẫu. Tương truyền, mẹ Đức Thánh Tản tên thật là Đinh Thị Đen (còn có tên là Đinh Thị Duyên). Trước khi thác, bà đã nhờ người em họ Ma Thị nuôi Đức Thánh Tản (có tài liệu nói Mã Thị là mẹ của 2 tướng Cao Sơn và Quý Minh).
Ngày nay, với lòng kính ngưỡng dành cho Bà Chúa Đá Đen cũng như Tản Viên Sơn Thánh - vị anh hùng có công trị thủy, chống giặc ngoại xâm, giúp đỡ dân lành, dạy dân nghề trồng lúa nước, ngôi đền luôn đón một lượng lớn đệ tử ra vào chiêm bái, cầu may cho gia đình.
Nô nức tham dự lễ Khánh đản Chúa Bà
Với lịch sử tồn lại lâu đời, đền Đá Đen không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là địa chỉ không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp Nhân dân địa phương; Nơi sinh hoạt cộng đồng trong các dịp lễ, tết, hội hè của bà con Nhân dân trong xã và các vùng phụ cận cũng như đông đảo du khách thập phương.
Vẻ đẹp độc đáo của đền Bà Đá Đen |
Được biết, theo tiết Âm lịch hàng năm, Ban quản lý đền Chúa Đá Đen tổ chức 4 ngày hội lớn: Mùng 8 tháng Giêng diễn ra lễ Thượng nguyên, ngày 8 tháng 4 làm lễ vào hè, ngày 8 tháng 7 làm lễ ra hè và đặc biệt là tiệc Khánh đản Chúa Bà (giỗ Chúa Bà) vào ngày 19/9.
Lễ Khánh đản Chúa Bà là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của đền Đá Đen. Hàng năm vào ngày này, đền Đá Đen tiếp đón đông đảo người dân trong xã và du khách thập phương đến dự lễ.
Trong niềm vui mừng ngày Khánh đản Chúa Bà, thiện nam tín nữ cùng dâng hương cung kính nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong cuộc sống, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mọi gia đình yên vui, hạnh phúc.
Dấu xưa cổ kính |
Trước đó, chiều 18/9 việc cúng, tế đã được diễn ra; Khoảng 7h30 ngày 19/9, sau tiếng trống khai hội tiếp tục là màn tế của các thôn trong xã. Đặc biệt, nghi thức đánh cồng chiêng theo phong tục đồng bào Mường là điểm nhấn chính và là nghi thức không thể thiếu trong buổi lễ. Khi tiềng cồng chiêng vang lên cũng là lúc không khí buổi lễ trở lên rộn ràng nhất; Tiếng cồng chiêng ngân vang như giục giã mọi người cùng đoàn kết, thân thiện và đùm bọc nhau hơn.
Ngôi đền Bà Đá Đen luôn đón một lượng lớn đệ tử ra vào chiêm bái, cầu may mắn cho gia đình |
Đại diện Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa đền Đá Đen cho hay: Việc tổ chức tiệc Khánh đản Chúa Bà (giỗ Chúa Bà) vào ngày 19/9 (Âm lịch) hàng năm cũng như các dịp lễ trọng khác của đền đã góp phần gìn giữ, phát huy và làm phong phú nét truyền thống văn hóa đặc sắc, lâu đời của cộng đồng các dân tộc trong xã; Đồng thời động viên, khuyến khích hơn 4.600 hộ đồng bào chủ yếu là người Kinh và người Mường sinh sống ở 4 thôn trong toàn xã cùng đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương.